Thứ Bảy ngày 14 tháng 12 năm 2024

Diễn biến mới ở Syria, khi bên thứ 3 cùng tham chiến

syria-war-03

 

Cuộc xung đột vũ trang đẫm máu kéo dài hơn 2 năm nay ở Syria vừa có thêm một diễn biến mới phức tạp và nguy hiểm. Các tay súng người Kurd đã chiếm được thị trấn Ras al-Ain của Syria nằm ở biên giới giáp Thổ Nhĩ Kỳ và đang đánh nhau với quân nổi dậy Hồi giáo để giành quyền kiểm soát các mỏ dầu lửa ở miền đông bắc Syria.

Các tay súng này thuộc đảng Liên minh Dân chủ (PYD), một đảng người Kurd Syria có liên hệ với các nhóm dân quân người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là “một tổ chức khủng bố ly khai”, theo cách gọi của Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ. Chiều 18-7-2013, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã phát thông cáo báo động về việc thị trấn Ras al-Ain đã hoàn toàn rơi vào tay PYD. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại rằng việc xuất hiện một khu vực người Kurd tự trị ở Syria có thể sẽ kích động các dân quân thuộc đảng Công nhân Kurdistan (PKK) lâu nay đang đấu tranh để thành lập một nhà nước tự trị ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Binh lính Thổ Nhĩ Kỳ ở vùng biên giới đã bắn trả vào các tay súng PYD bên phía Syria sau khi một đồn biên phòng của Thổ Nhĩ Kỳ trúng hai quả phóng lựu đạn từ bên kia biên giới bắn qua. Đây là lần thứ hai quân đội Thổ Nhĩ Kỳ trả đũa sau khi nhiều viên đạn lạc từ phía Syria bắn vào thị trấn biên giới Ceylanpinar của Thổ Nhĩ Kỳ hôm 16-7. Trước diễn biến tình hình mới này, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đang tăng cường các biện pháp an ninh dọc theo khu vực đường biên giới có các tay súng người Kurd hoạt động.

Trong khi đó ở miền nam Syria, các vụ tấn công của quân nổi dậy vào các đường ống dẫn khí và xăng dầu cung cấp cho các nhà máy điện đã gây thiếu điện trên diện rộng. Cục Thông tin Năng lượng Mỹ (USEIA) ước tính rằng từ khi nổ ra nội chiến hồi tháng 3-2011, sản lượng dầu của Syria đã bị giảm gần 60%, vào tháng 10-2012 chỉ còn 153.000 thùng mỗi ngày.

Giao tranh đã nổ ra tại thị trấn Ras al-Ain ngày 16-7 sau khi các tay súng Hồi giáo thuộc nhóm Mặt trận Nusra tấn công một toán tuần tra của người Kurd. Theo tổ chức Quan sát Nhân quyền Syria (SOHR) ủng hộ quân nổi dậy, chiến sự hiện lan rộng sâu hơn vào tỉnh Hassakeh của người Kurd và giao tranh giữa các tay súng PYD và Nursa đang gay gắt chung quanh giếng dầu Rumeilan cách thị trấn Ras al-Ain khoảng 200km. Giếng dầu này hầu như đã ngưng hoạt động nhưng một số đường ống dẫn dầu có thể vẫn còn cung cấp dầu thô cho các nhà máy lọc dầu tại các thành phố Homs và Baniyas do chính phủ kiểm soát. Có ít nhất 29 người chết kể từ khi nổ ra cuộc chiến giữa người Kurd và các tay súng Hồi giáo.

Mặt trận Nusra và những nhóm tay súng Hồi giáo khác ở Syria bị cho là có liên hệ với hệ thống khủng bố Hồi giáo quốc tế al Qaeda. Các nhóm nay đang chiến đấu trong lực lượng nổi dậy chống lại Tổng thống Bashar al-Assad.

Lực lượng nổi dậy Syria cho tới nay vẫn còn nhiều chia rẽ và lủng củng nội bộ. Bây giờ, họ lại phải chiến đấu với 2 đối thủ là chính quyền của Tổng thống al-Assad và lực lượng người Kurd. Điều phức tạp là cả ba lực lượng này đều là đối thủ của nhau.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm 18-7 đã tới thăm trại tị nạn Zaatari do Liên hiệp quốc quản lý ở Jordan, gần biên giới với Syria, đang có 115.000 người Syria lánh nạn. Những người Syria giận dữ yêu cầu Mỹ thiết lập vùng cấm bay và khu vực an toàn ở Syria để bảo vệ họ. Ngoại trưởng Mỹ nói với những người tị nạn Syria rằng: Washington đang xem xét nhiều giải pháp khác nhau, trong đó có việc thiết lập các vùng đệm để bảo vệ người dân Syria. Nhưng ông thú nhận rằng tình hình phức tạp quá nên vẫn cần phải xem xét thêm nữa.

Trong một diễn biến mới, Anh đã từ bỏ kế hoạch trang bị vũ khí cho quân nổi dậy ở Syria. Nguyên nhân được cho là do bị công chúng phản đối quyết liệt và lo ngại vũ khí này sẽ rơi vào tay các phiến quân Hồi giáo cực đoan có liên hệ với al Qaeda. Ngày 18-7, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cho biết nước này vẫn chưa quyết định có cung cấp vũ khí cho lực nổi dậy ở Syria không. Như vậy chỉ có các nước đồng minh vùng Vịnh, trong đó có Saudi Arabia, có thể vẫn còn cung cấp vũ khí cho lực lượng này. Ahmad Jarba, Chủ tịch mới được bầu của Liên minh Dân tộc Syria (SNC) – cơ quan đại diện chính thức của lực lượng nổi dậy cho biết sẽ sang Paris thảo luận vào tuần tới.

Từ các thông tin này, giới quan sát quốc tế cho rằng Tổng thống al-Assad vẫn còn có thể tại vị trong những năm tới.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 20-7-2013)

Cuộc nội chiến khốc liệt kéo dài biến Syria than2h một vùng đất của chết chóc và hoang tan2. (Nguồn ảnh: Internet. Thanks.)

syria-war-01

syria-war-02