Thứ Sáu ngày 11 tháng 10 năm 2024

Washington Post đã đổi chủ

washington-post

 

Tờ báo lão làng Washington Post của Mỹ (ra đời từ năm 1877) ngày 5-8-2013 được tỷ phú Jeff Bezos, nhà sáng lập hệ thống thương mại điện tử toàn cầu Amazon (Mỹ) mua lại với giá 250 triệu USD. Vào cái ngày lịch sử hay định mệnh này, ở mặt tiền của tòa soạn báo với cái manchette tên báo to đùng có một hình ảnh coi mòi đối chọi nhau một cách cay đắng. Phía dưới là tấm biển chào mừng những người đoạt giải thưởng YJDP 2013 (Chương trình Phát triển những nhà báo trẻ) của Washington Post; còn trên bảng điện tử bên trên chạy dòng chữ thông báo Washington Post được bán cho ông Jeff Bezos.

US-INTERNET-MEDIA-TAKEOVER-AMAZON-WASHINGTONPOSTTrong bảng xếp hạng Top 10 tờ báo Mỹ có số lượng phát hành lớn nhất hiện nay của Statista, dựa trên số lượng bình quân bạn đọc đăng ký dài hạn trong khoảng thời gian từ tháng 10-2012 tới tháng 3-2013, đứng đầu là Wall Street Journal với số lượng bạn đọc dài hạn gần 2,5 triệu. Kế đó là New York Times với số lượng gần 2 triệu. Thứ ba là USA Today với số lượng hơn 1,5 triệu. Tờ Washington Post (tên tắt thường dùng là WaPo) đứng thứ 7 với số lượng 473.462 bạn đọc dài hạn.

2013_08_06_Newspaper-1

Amazon có sở trường kinh doanh báo chí điện tử. Có lẽ họ sẽ sớm thu hẹp hay xóa sổ bản in của tờ báo hơn trăm tuổi này. Ông chủ mới Bezos trong một lá thư ngày 5-8-2013 đã hứa vời các nhân viên tòa soạn WaPo rằng “sẽ có thay đổi”. Ông viết: “Internet đang chuyển đổi hầu hết mọi yếu tố của ngành tin tức; rút ngắn chu kỳ tin tức, ăn mòn các nguồn thu nhập chắc chắn bấy lâu nay, và có thể mở ra những loại hình cạnh tranh mới, một số trong đó sẽ ít hay không tốn chi phí thu thập tin tức.”

Hiện nay, so với 9 tờ báo khác trong Top 10, WaPo có số lượng bạn đọc dài hạn cho phiên bản điện tử thấp nhất, chỉ chiếm 9% trong tổng số bạn đọc dài hạn của báo. Phiên bản điện tử ở đây bao gồm các ứng dụng, bản PDF, các website và các bản e-reader.

Trong khi đó New York Times là tờ báo duy nhất có số bạn đọc điện tử cao hơn bạn đọc bản in (1,1 triệu so với 731.395 người). Có 61% số bạn đọc dài hạn của NYT đọc bản điện tử.

Còn nhớ ngày 19-3-2017, Washington Post thông báo sẽ bắt đầu thu tiền bạn đọc trên mạng từ giữa năm 2013. Vào cuối năm 2012 có khoảng 300 phiên bản điện tử của báo chí Mỹ (như USA Today, New York Times,…) đã thu tiền cung cấp thông tin trên mạng (gọi là paywall) bằng cách chỉ cho bạn đọc có trả tiền đọc những bài đinh hay cho phép đọc các tin trong ngày miễn phí, nhưng phải trả tiền nếu muốn tham khảo các tin bài từ hôm qua trở về trước.

Khi nghe tin WaPo đã được Amazon mua, một người bạn tôi làm nghề “trảm đầu tóc” ở khu vực thủ đô xứ Cờ Hoa lo ngại rằng nếu WaPo không còn bản in nữa thì khách lấy gì mà đọc. Bao nhiêu năm nay, tiệm của bạn vẫn đặt dài hạn WaPo cho khách chờ đọc. Tôi nói đùa, kêu bà chủ sắm một mớ tablet cho khách đọc báo trên Internet, âu đó cũng là một chiêu thức cạnh tranh mang tính thời đại và công nghệ mà.

Mỗi lần có nhà lãnh đạo qua thăm Mỹ, Việt Nam cũng đăng thư chào mừng dân Mỹ trên WaPo. Ngày 25-7-2013, trên WaPo cũng có đăng thông điệp của ông Trương Tấn Sang, Chủ tịch nước, chào mừng chính phủ và nhân dân Hoa Kỳ nhân chuyến thăm nước này. Giá quảng cáo trên WaPo vốn cực đắt, mỗi column inch (kích thước ngang 1 cột x cao 1 inch)  in trắng đen giá tới 807 USD.

Theo nhiều chuyên gia, thương vụ bán Washington Post một lần nữa chứng tỏ tình trạng mất giá thê thảm của làng báo Mỹ (cũng như thế giới). Từ giá thị trường tới 4,2 tỷ USD, tờ báo của gia đình Graham này phải bán đi với giá 250 triệu USD. Nhưng coi vậy mà họ vẫn còn được giá hời.

Ngay cuối tuần trước, New York Times Company đã phải bán tờ Boston Globe cho John Henry, ông chủ của đội bóng chày nhà nghề Boston Red Sox, với giá 70 triệu USD (trong khi hồi năm 1993 đã phải mua nó với giá gần 1,1 tỷ USD). Càng chua hơn nữa vì trong thương vụ này, Times thực tế bị mất 40 triệu đồng do phải gánh thêm khoản lương hưu tới 110 triệu đồng.

Công ty Washington Post Company của nhà Graham không thể tiếp tục ôm “lão già bách niên” WaPo do càng ngày càng lỗ nặng – mỗi năm mất hàng chục triệu USD. Lý do là số lượng bạn đọc liên tục giảm trong khi doanh thu quảng cáo tuột dốc như xe không thắng.  

Năm ngoái, nhóm báo Post, trong đó có Slate Media Group, công bố lỗ 53,7 triệu USD (năm trước lỗ 21.2 triệu USD). Doanh thu giảm 7% chỉ còn 581,7 triệu USD. Quý 2-2013, nhóm báo chí của Post lỗ 14,8 triệu USD (so với 12,6 triệu USD cùng kỳ năm trước).

Thật chưa có bao giờ làng báo truyền thống thế giới chịu tình trạng bi thương như bây giờ. Chính sự suy thoái kéo dài của nền kinh tế chung đã như một cú knock-out đối với làng báo in; nhưng đồng thời cũng rút ngắn hơn thời điểm bắt buộc phải chuyển đổi cho phù hợp với thời đại và thời cuộc của cái làng “nhiều chuyện” này. Bi kịch ở chỗ xưa nay báo chí luôn tỏ ra là một nhà thông thái biết tất tần tật mọi sự trên đời, luôn sẵn sàng lên giọng “thầy đời” với các ngành, các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong làm ăn. Chẳng biết họ nói giỏi thế nào, chỉ thấy giờ đây họ cũng lâm vào tình cảnh thua lỗ đó và chớ hề tự cứu được mình. Ngoài thiên chức thông tin trung thực (người đưa tin và phân tích thông tin), báo chí còn là diễn đàn công chúng để phản biện và góp ý cho xã hội. Nhưng đáng tiếc là có người, có lúc bị ngộ nhận mình là “ông chủ thông tin” và “người dạy đời”. Suy ra: làm bất cứ điều gì cũng phải thật cẩn trọng, có chừng có mực, thấy trước biết sau, biết mình biết người kẻo lại “cười người hôm trước hôm sau người cười”. Quê quá thì khó mà huề!

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 7-8-2013)

+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.