Thứ Bảy ngày 09 tháng 11 năm 2024

Các nước Arập không thèm binh ông Assad

130901-arab-league-cairo

 

Mặc dù là Chủ nhật, nhưng ngày 1-9-2013, các ngoại trưởng của Liên đoàn Arập (Arab League) đã nhóm họp tại Cairo (Ai Cập) và ra nghị quyết thúc giục Liên Hiệp Quốc và cộng đồng quốc tế khẩn trương “có các biện pháp ngăn chặn và cần thiết đối với những kẻ tội phạm gây ra tội ác mà chế độ Syria phải chịu trách nhiệm.”

Động thái này diễn ra chỉ một ngày sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama công bố ông quyết định trừng phạt chế độ Assad bằng một cuộc tấn công quân sự “hẹp và hạn chế” từ xa. Chỉ có điều ông chủ Nhà Trắng đã không làm theo những vị tiền nhiệm “tiền trảm hậu tấu” mà thỏ thẻ rằng phải chờ sự thông qua của Quốc hội vốn đang trong giai đoạn nghỉ họp cho tới ngày 9-9. Có nghĩa thì là mà rằng quả bóng trách nhiệm đã được tiền đạo Obama khéo léo passé qua Đồi Capitol Hill. Các ông nghị Mỹ bất ngờ bị ôm quả banh chặn ngang cái miệng bấy lâu nay chuyên gièm pha, chê bai Tổng thống Obama nhút nhát, thiếu cương quyết đối với cuộc khủng hoảng tận bên Syria.

Cái vụ mà các nước Arập và Tổng thống Mỹ nói chính là vụ thảm sát bằng chất độc hóa học tại vùng ngoại ô thủ đô Damascus ngày 21-8-2013 khiến 1.429 người chết. Mỹ tuyên bố mình đã có bằng chứng rằng kẻ gây tội ác là các lực lượng trung thành với Tổng thống Bashar al-Assad. Liên Hiệp Quóc đã cử tới 20 thanh sát viên vào Syria để điều tra, nhưng trễ 3 ngày sau khi xảy ra vụ việc và bị trễ thêm 3 ngày nữa do chờ được chính quyền Syria cho phép tới nơi xảy ra cuộc tấn công. Ngày 31-8 họ đã về tới Hà Lan cùng với một mớ bằng chứng, nhưng phải nhiều tuần nữa mới có thể có kết luận ai phải chịu trách nhiệm.

Điều mà nhiều người lăn tăn là tại sao các nước Arập lần này lại hỗng chịu binh ông Assad mà lại đứng về phía phương Tây? Ông này làm gì mà bị các láng giềng gần và người nhà ráp nhau tẩy chay như vậy? Thiệt ra, bấy lâu nay khối các nước Arập đã coi ông Assad như một “kẻ phản bội” hay “kẻ ngoại tộc”. Khối AL gồm 22 nước thành viên (có cả Syria, nhưng đã bị treo giò hồi tháng 11-2011 do chính quyền đàn áp những người chống đối). Trong tổng số 350 triệu dân của AL, có tới 90% là người Hồi giáo, phái Sunni chiếm đa số. Tuy chỉ là thiểu số trong AL, nhưng phái Shiite lại chiếm đa số ở các nước Lebanon, Iraq, và Bahrain. Hai phái Hồi giáo Sunni và Shiite tuy thờ cùng thượng đế và có chung nhà Tiên tri Mohammed nhưng lại hận thù truyền kiếp với nhau. Ở Iraq, Pakistan,… hai phái này cứ uýnh nhau, đốt phá nhau, bắn nhau, đặt mìn nhau theo kiểu ăn miếng trả miếng với nhau. Tuy có tới 50-60% số dân là người Hồi giáo Sunni, nhưng Syria lại được cai quản bởi phái Shiite chỉ chiếm 13% số dân. Tổng thống Assad thuộc dòng Alawite của phái Shiite. Có lẽ hiểu rằng mình khó lòng tìm được sự hỗ trợ từ các láng giềng gần gũi do phái Sunni cầm quyền, ông Assad tìm chỗ dựa từ Iran – nước có 90-95% số dân thuộc dòng Twelver của phái Shiite (không là thành viên AL), và câu kết với phong trào quân sự Hồi giáo cực đoan Hezbollah của Lebanon. Trong cuộc nội chiến hiện nay, kéo dài từ tháng 3-2011, chính phủ Assad được cho là nhận viện trợ tài chính và vũ khí từ Iran, đồng thời đã cho phép những tay súng Hezbollah chiến đấu bên cạnh quân đội nước này.

130901-saudi-fm-cairo

Ông Hoàng Saud al-Faisal, Ngoại trưởng Arab Saudi, tại cuộc họp của Liên đoàn Arập về Syria. (Gianluigi Guercia/Agence France-Presse — Getty Images. Thanks).

Và chính vì vậy mà các nước Arập ghét ông Assad và hậu quả là người dân Syria bị văng miểng. AL chẳng thèm giúp Syria trong khi rộng tay với những nước Arập Sunni khác do người Sunni cầm quyền. Điển hình mới nhất là sau khi chính quyền lâm thời ở Ai Cập bị Mỹ và Tây Âu đe dọa trừng phạt kinh tế vì vụ dùng vũ lực giải tán đám đông của phong trào Anh em Hồi giáo biểu tình kéo dài tại Cairo ngày 14-8 khiến nhiều người chết, ba nước Saudi Arabia, UAE và Kuwait đã đổ ngay vào Ai Cập 12 tỷ USD viện trợ. Thậm chí Quốc vương Abdullah của Saudi Arabia còn hứa hẹn sẽ bù đắp mọi thiệt hại cho Ai Cập do bị phương Tây cấm vận.

Ngày 1-9, AL ra nghị quyết hứa sẽ cung cấp “tất cả mọi hình thức hỗ trợ” để giúp nhân dân Syria tự bảo vệ mình trước chế độ Assad. Điều này cũng hàm nghĩa là sau khi không còn ông Assad nữa, Syria có thể nhận được sự bảo bọc từ các anh em Hồi giáo Sunni. Và cũng có nghĩa là Syria sẽ được sống trong vòng tay bè bạn, láng giềng.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 2-9-2013)

Ảnh trên đầu bài: Liên đoàn Arập họp tại Cairo ngày 1-9-2013. (Ảnh: AFP. Thanks.)