Thứ Bảy ngày 14 tháng 12 năm 2024

LANG THANG SAN FRANCISCO ĐẦU THU 2013: Nghe nhìn hoài cổ giữa Cựu Kim Sơn

130912-phphuoc-sanfrancisco-idf-intel-126_resize

 

Tối 12-9-2013 trong khi lang thang city by night ở downtown San Francisco, đi ngang tiệm văn hóa phẩm ở góc đường Powell – Ellis (quận Mission), thấy mấy bạn trẻ đang xúm xít nghe thử nhạc trên những chiếc đĩa than (đĩa âm thanh công nghệ cổ điển làm bằng nhựa vinyl), tôi chợt nhớ tới bạn Phạm An Dương, Giám đốc Tiếp thị của Intel Vietnam, dạo gần đây cũng “đắm đuối” với “Cung đàn xưa” trên đĩa than và dàn amplifier bóng đèn. Vậy là quẹo chân vô.

Tiệm bán rất nhiều album và single nhạc được ghi bằng đĩa than, giá phổ biến là hơn 20 USD/đĩa (tùy album và ca sĩ). Những chiếc máy nghe đĩa than cơ động (portable turntable) hiệu Crosley Cruiser được bán với giá 98 USD/cái cho model CR8005A hỗ trợ 3 tốc độ 45 rpm – 78 rpm – 33.3 rpm. Máy được đặt trong một chiếc valy nhỏ, toàn bộ có kích thước 266,7 L x 355,6 W x 117,6 H; trọng lượng 2,5kg. Thiệt ra, giá như vậy là khá mắc, trên Internet đang rao bán với giá 85-87 USD.

Ở một góc tiệm có để mấy chiếc máy và một số đĩa than mẫu cho khách nghe thử. Âm thanh nghe ấn tượng lắm, tôi có cảm nhận như đĩa than có chất mộc mạc chân thật (nhưng không thô), khác với chất “õng ẹo” của băng từ và chất “khô sắc” của đĩa quang.

Tôi đứng trong tiệm khá lâu và hơi bị ngạc nhiên khi thấy tuyệt đại đa số người ghé vào nghe thử đĩa than là các bạn trẻ. Nhưng có vẻ họ tò mò nhiều hơn là sành điệu. Hiếm hoi lắm mới gặp một vài người có bộ điệu hoài cổ như tôi. Hồi trước 1975, tôi mê nhất là máy hát đĩa nhựa và dàn máy hát băng cuộn AKAI. Khi còn xíu xiu, tôi cũng từng làm gãy một mớ kim máy nghe đĩa (máy đang quay thì đặt nguyên bàn tay lên giữ đĩa lại cứng ngắt hay đè chết dí cái cần đầu kim xuống), cũng như làm bể những chiếc đĩa nhạc. Có những nhà dùng những chiếc đĩa nhựa bị hư đóng lên vách nhà trang trí, nó rất hợp với cái thời người ta thường dùng bìa tạp chí hay những trang báo in màu hoặc những tờ lịch tháng của năm cũ làm giấy dán tường. Những cỗ máy hát đĩa sang trọng được đóng trong những chiếc tủ lớn bày ở phòng khách giống nhưng những chiếc tivi đen trắng dạng tủ buffet (sideboard).

Tiệm cũng bán những chiếc máy chụp ảnh lấy liền (instant camera) của thương hiệu Polaroid lừng lẫy một thời. Còn nhớ hồi trước 1975 ở vùng Đồng Tháp Mười, tôi thấy mấy người Mỹ thường chụp bằng loại máy này, bấm một kiểu rồi đợi giây lát cho máy đùn tấm ảnh được in ra, người ta chỉ cần dùng một ống dung dịch đi kèm quét lên mặt ảnh cho bóng và bền màu. Chỉ có điều, bây giờ đây là công nghệ máy ảnh số (digital camera). Giá 179,99 USD cho mẫu Polaroid Z2300 có độ phân giải 10MP. Còn model Polaroid 300 có hình thù kỳ kỳ giá 69,99 USD. Một hộp phim + giấy 10 tấm giá 11,99 USD.

Nhiều nhất là các mẫu máy ảnh chụp phim của hãng Fujifilm cũng thuộc dạng in ảnh ngay sau khi chụp, giá từ 100 tới 158 USD/chiếc.

Trong mấy ngày diễn ra Intel IDF Mùa Thu 2013, ở phía trước khu hội trường Moscone West mặt đường 4th Street, các bạn ở bộ phận Intel Software đem một chú robot và mấy người mặc đồ hình nộm biểu tượng của Android ra đứng đón chào khách về dự. Họ chụp ảnh lưu niệm cho khách bằng loại máy ảnh lấy liền Polaroid Z2300 này.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(San Francisco 12-9-2013)

130912-phphuoc-sanfrancisco-idf-intel-144_resize

130912-phphuoc-sanfrancisco-idf-intel-135_resize

130912-phphuoc-sanfrancisco-idf-intel-132_resize

130912-phphuoc-sanfrancisco-idf-intel-130_resize

130912-phphuoc-sanfrancisco-idf-intel-123_resize

130912-phphuoc-sanfrancisco-idf-intel-122_resize

130912-phphuoc-sanfrancisco-idf-intel-121_resize

130912-phphuoc-sanfrancisco-idf-intel-146_resize

130912-phphuoc-sanfrancisco-idf-intel-145_resize