Thứ Hai ngày 23 tháng 12 năm 2024

Bảng phong thần những nhà báo sinh nghề tử nghiệp ngày càng dài thêm

 131103-french-journalits-killed-mali

 

Người ta đã tìm thấy xác của hai nhà báo Pháp ngày 2-11-2013 bị bắn chết tại vùng đông bắc Mali. Chị Ghislaine Dupont và anh Claude Verlon của đài phát thanh Pháp RFI đã bị một nhóm tay súng bắt cóc khi họ vừa kết thúc cuộc phỏng vấn Ambery Ag Rhissa, người phát ngôn của Phong trào quốc gia giải phóng Azawad (MNLA) tại thị trấn Kidal, vùng căn cứ nhóm ly khai người Tuareg này. Đây là lần thứ 2 họ đến Kidal. Hồi tháng 8-2013, họ đã đến đây để đưa tin về cuộc bầu cử Tổng thống Mali. (Cũng có nguồn tin nói họ tới đây lần đầu là vào tháng 7-2013 để đưa tin về vòng 1 của cuộc bầu cử.)

Điều gây sốc là hai nhà báo Pháp bị bắt cóc ngay bên ngoài ngôi nhà của nhân vật mà mình vừa phỏng vấn. Bọn bắt cóc đội khăn xếp của người Hồi giáo và nói tiếng một bộ tộc thuộc Tuareg. Chúng chỉ bắt nhà báo đẩy lên xe của chúng, tha người lái xe cho họ. Nhiều nguồn tin cho biết bọn bắt cóc đã chạy về hướng làng Tin Essako cách đó hơn 100km. Chẳng bao lâu sau đó, xác hai nhà báo Pháp được tìm thấy với nhiều vết đạn nằm bên cạnh chiếc xe của bọn bắt cóc. Có tin nói rằng họ còn bị cắt đứt cổ họng.

Bọn bắt cóc quả là thách thức. Chúng ra tay giữa ban ngày tại nơi rất gần với một căn cứ có mấy trăm lính Pháp và lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc đóng quân. Rhissa kể với truyền hình Pháp France 24 rằng: hai nhà báo Pháp vừa ra khỏi nhà ông là đã bị bắt cóc. “Tôi nghe có tiếng ồn ào lạ thường ngoài đường phố. Khi tôi mở cửa ra coi chuyện gì thì nhìn thấy một chiếc xe loại pick-up đậu bên cạnh hai nhà báo. Một gã đứng dưới đất cầm súng chĩa vào tôi và kêu tôi trở vô nhà.” Ông này không nhìn thấy có bao nhiêu tên bắt cóc. Nhưng các nhân chứng khác cho biết có 4 gã và chúng đã buộc các nhà báo Pháp phải lên chiếc xe tải màu beige của chúng rồi chở đi vào khu vực sa mạc chúng quanh thị trấn. Sau đó, một toán tuần tra của Pháp đã tìm thấy xác hai nạn nhân đồng hương trên một con đường giữa sa mạc, cách thị trấn Kidal chừng 10km.

-

 

Thị trấn Kidal, nơi hai nhà báo RFI bị bắt cóc và giết chết. (Nguồn: Internet. Thanks.)

Tuổi của hai nhà báo Pháp này vẫn chưa rõ do có những nguồn đưa khác nhau: Dupont 57 và 51 tuổi, còn Verlon 58 và 55 tuổi. Tuy nhiên, nếu dựa vào nguồn của đồng nghiệp đồng hương họ là France 24 thì Dupont 51 tuổi và Verlon 58 tuổi. Họ đều là những người có tay nghề cao, lão luyện và có nhiều kinh nghiệm hoạt động ở châu Phi. Đặc biệt là Dupont đã có 27 năm phụ trách đưa tin về châu Phi kể từ khi chị gia nhập Đài RFI vào năm 1986. Các đồng nghiệp kể rằng chị Dupont luôn khuyến khích họ khi làm tin về bất cứ vấn đề gì đều phải “đào sâu hơn, tìm kiếm kỹ lưỡng hơn” để nắm chính xác và bản chất của sự thật. Còn Verlon vừa là phóng viên, vừa là một chuyên viên âm thanh nhà nghề không hề ngại xông xáo ở những nơi khó khăn và rất mê các thách thức.

Hai nhà báo này là những nạn nhân Pháp mới nhất của làn sóng trả thù sau việc chính phủ Pháp đưa quân vào Mali hồi tháng 1-2013 để trấn áp các nhóm phiến quân có liên hệ với hệ thống khủng bố Hồi giáo quốc tế al-Qaeda. Và thiệt là cay đắng cho nước Pháp, chỉ 4 ngày trước đó, nước này đã ăn mừng việc 4 con tin được bọn bắt cóc có liên quan tới khủng bố al-Qaeda ở Niger – nước láng giềng của Mali – thả về sau 3 năm giam cầm. Có nguồn tin nói rằng chính phủ Pháp đã phải trả tiền chuộc mạng cho 4 người này tới 20 triệu euro (26 triệu USD).

Tính luôn cả hai nhà báo RFI vừa bị giết ở Mali này, tổng số nhà báo bị giết chết khi hành nghề trên khắp thế giới từ đâu năm 2013 tới nay lên tới 42 người tại 11 nước. Ngoài ra còn có 25 nhà báo khác bị giết chết mà không rõ động cơ của thủ phạm. Các nhà báo chết nhiều nhất ở 5 nước: Syria (17 người), Ai Cập (6 người), Pakistan (5 người), Brazil và Somalia (mỗi nơi 3 người). Nữ chiếm 3% trong tổng số các nhà báo bị giết chết.

Còn theo số liệu của tổ chức Các nhà báo không biên giới (Reporters Without Borders, RWB), trong năm 2013 đã có 43 nhà báo và 3 thành viên cơ quan truyền thông đã bị giết chết trong khi đang hành nghề. Bên cạnh đó còn có 25 blogger và nhà báo công dân bị giết chết.

Theo tổ chức Ủy ban bảo vệ các nhà báo (Committee to Protect Journalists, CPJ), tính từ năm 1992 tới nay, trên thế giới có 1.011 nhà báo sinh nghề tử nghiệp, trong đó có 596 nhà báo chết mà kẻ thủ ác vẫn chưa được tìm ra hay không bị trừng phạt. Có 456 nhà báo phải sống lưu vong từ năm 2008 tới nay.

Có một chi tiết cần lưu ý: cả hai tổ chức bảo vệ nhà báo có uy tín nhất thế giới là RWB và CPJ giờ đây đều đã coi những người viết blog thông tin và những người đưa tin trên các mạng xã hội là thành viên của mình, bình đẳng với các nhà báo chính thống. CPJ gọi họ là những người đưa tin và cây bút Internet (Internet reporter/writer). Còn RWB gọi giới truyền thông Net là công dân Net (Netizen) và nhà báo công dân (citizen journalist). Từ mấy năm gần đây, xu hướng chung của thế giới (thể hiện qua ngày càng nhiều cuộc họp, hội nghị quốc tế) là dùng cụm từ “media” (giới truyền thông) thay cho “press” (giới báo chí). Sự thừa nhận này không chỉ là một sự tôn vinh những người đưa tin trên Internet mà còn đặt ra cho chính họ một gánh nặng trách nhiệm đối với công việc của mình. Cũng giống như bất cứ nhà báo nào trên toàn cầu, họ cũng phải bảo đảm các tiêu chí cơ bản của người đưa tin: trung thực, chính xác, chuyên nghiệp, nghiêm túc và có đạo đức (cả đạo đức làm người lẫn đạo đức nghề nghiệp).   

Công việc làm báo thời sự vẫn tiếp tục nằm trong số những nghề nghiệp nguy hiểm nhất thế giới. Và khi thế giới càng có nhiều điểm nóng thời sự, những vụ xung đột vũ trang và bạo lực, danh sách những nhà báo thương vong khi tác nghiệp ngày càng dài thêm. Điều đáng quan tâm là hiện nay số nhà báo chết trên chiến trường giữa bom đạn không nhiều bằng những nhà báo chết trong các cuộc xung đột chính trị và bạo lực.

Tổ chức UNESCO là cơ quan của Liên hiệp quốc được ủy nhiệm trọng trách bảo vệ tự do ngôn luận và tự do báo chí hồi năm 1997 đã thông qua Nghị quyết số 29 “Lên án bạo lực chống các nhà báo”, trong đó nêu rõ rằng: bất cứ hành vi bạo lực thân thể nào chống các nhà báo đều bị coi như một tội ác chống xã hội.

Dẫu biết là có thể nguy hiểm tới tính mạng, nhưng các nhà báo không có sự lựa chọn nào khác hơn là dấn thân vào các điểm nóng thời sự vì sứ mạng của họ là thông tin. UNESCO nói rằng thế giới cần phải tưởng nhớ và mang ơn các nhà báo đã hy sinh mạng sống mình để cung cấp sự thật thông tin cho cộng đồng.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 5-11-2013)

VIDEO CLIP: