Chủ nhật ngày 24 tháng 11 năm 2024

Chuyện “quân tử Tàu” và “sĩ diện hảo”

131112-typhoon-haiyan-philippines-tacloban-help

Sáng nay sau khi đọc tin trên hệ thống truyền thông, không ít bạn bè trên mạng đã bày tỏ sự “vô cùng ngạc nhiên” với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau trước thông tin nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và là nước đông dân nhất Hành tinh, đồng thời cũng là nước láng giềng chung một châu lục đã viện trợ giúp Philippines khắc phục hậu quả của siêu bão Haiyan số tiền… 100.000 USD.

Đành rằng cứu trợ (làm việc thiện, nhân đạo) luôn tùy lòng hảo tâm của từng người quyên góp, một xu cũng đáng trân trọng, nhưng ý nghĩa và giá trị của tấm lòng đó lại được cân phân dựa trên khả năng của họ.

Kinh Thánh Tân ước của Thiên chúa giáo có kể một câu chuyện: Một hôm nọ, Chúa Jesus ngồi quan sát dân chúng bỏ tiền vào hòm tiền dâng cúng trong đền thờ. Có lắm người giàu bỏ nhiều tiền. Chợt có một bà góa nghèo đến bỏ hai đồng tiền là một phần tư xu. Ngài liền gọi các môn đệ và bảo: “Thầy nói thật với các con: Trong những người đã bỏ tiền vào hòm, bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết. Vì tất cả những người kia bỏ của mình dư thừa, còn bà này đang túng thiếu, đã bỏ tất cả những gì mình có để nuôi sống mình”.

Tổ tiên người Việt mình gọi trường hợp giống như bà góa đó là “của ít lòng nhiều”.

Tuy cũng chỉ có thể giúp bạn láng giềng Philippines được 100.000 USD viện trợ khẩn cấp (đây mới là khoản của chính phủ thôi, chưa tính khoản quyên góp của người dân), nhưng món tiền này của Việt Nam rõ ràng dù xét dưới góc độ nào thì cũng thiệt là “của ít lòng nhiều”.

Bây giờ, ta thử ngó vào danh sách các nhà hảo tâm cho tới nay đã công bố viện trợ nhân đạo khẩn cấp cho Philippines. Liên Hiệp Quốc cung cấp 25 triệu USD để chi trả cho các lều bạt, đồ dùng cấp thiết (mùng, mền, quần áo,…), thực phẩm, nước uống, thuốc men,… Mặc dù nợ như chúa chổm và chính phủ vừa bị đóng cửa suốt 16 ngày trong tháng 10-2013 và mém bị phá sản vì không còn tiền hoạt động, Mỹ – nền kinh tế số 1 thế giới – đã quyết định viện trợ cho Philippines 20 triệu USD. Còn nền kinh tế số 3 thế giới, do suy thoái kinh tế kéo dài nên phải nhường vị trí nền kinh tế số 2 thế giới cho Trung Quốc, và vẫn đang còn phải oằn mình khắc phục hậu quả của thảm họa thiên nhiên kép động đất và sóng thần năm 2011 khiến hơn 15.800 người chết, Nhật Bản quyết định chia sẻ cho Philippines 10 triệu USD. Vương quốc Anh hứa giúp 16 triệu USD mà nhờ vậy hiện có tới 500.000 nạn nhân đã có được nơi tạm cư. Úc công bố khoản viện trợ trọn gói 9,3 triệu USD.

121024-uss-george-washington-aircraft-at-manila-bay

Hàng không mẫu hạm Mỹ USS George Washington này đang trên đường trở lại Philippines. Đây là ảnh chụp con tàu đậu tại Vịnh Manila ngày 24-10-2012 khi Hải quân Mỹ viếng thăm nước này. (Nguồn ảnh: Internet. Thanks)

131112-us-c130-in-philippines-tacloban-01

Máy bay vận tải C-130 của Không quân Mỹ ngày 12-11-2013 đã tiếp tục tham gia vận chuyển người dân thành phố Tacloban tới các trung tâm tạm cư. (Nguồn ảnh: Internet. Thanks)

131112-USS Antietam-victoria-hongkong

Tàu USS Antietam chuẩn bị rời cảng Victoria ở Hong Kong để sang Philippines. (Nguồn ảnh: Internet. Thanks).

Nói gì thì nói, trong những trường hợp như thế này, Mỹ vẫn luôn chứng tỏ mình là một siêu cường số 1 của thế giới. Họ vừa nói xong là làm ngay. Cùng với việc Washington công bố viện trợ ngay lập tức 100.000 USD cho Philippines, Bộ chỉ huy Thái Bình Dương cúa Quân đội Mỹ đã điều ngay nhiều tàu chiến và máy bay tham gia các hoạt động cứu nạn, và cơ quan phụ trách viện trợ USAID Mỹ đã cử ngay một đội điều hành tới khu vực này. Hàng không mẫu hạm Mỹ USS George Washington ngày 12-11 đã bắt đầu tiến về Philippines chở theo một khối lượng khổng lồ thực phẩm và nước, dự kiến sẽ có mặt tại đây ngày 14-11. Hồi hạ tuần tháng 10-2012, tàu này đã trở lại Philippines trong một chuyến thăm của Hải quân Mỹ. (Trước năm 1992 ở Philippines, Mỹ có căn cứ hải quân hải ngoại tại Vịnh Subic và căn cứ không quân hải ngoại Clark tại thành phố Angeles.) Từ ngày 10-11, hai máy bay vận tải khổng lồ KC-130J Hercules của Không quân Mỹ đã từ căn cứ trên đảo Okinawa (Nhật Bản) bay sang Philippines chở theo 90 binh lính Thủy quân lục chiến để tham gia các hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai. Ngày 12-11, chiến hạm USS Antietam (CG-54) thuộc đội tàu của hàng không mẫu hạm USS George Washington đã rời cảng Victoria của Hong Kong để chạy sang Philippines.

british-navy-hms-daring

Tàu hải quân Anh HMS Daring. (Nguồn ảnh: Internet. Thanks).

Tàu hải quân Anh HMS Daring cũng đang trên đường chở hàng cứu trợ sang Philippines. Anh còn điều thêm một chiếc máy bay vận tải nặng RAF C-17 tới giúp nước này.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc loan báo nước này sẽ viện trợ 100.000 USD tiền mặt và trợ giúp nhân đạo khẩn cấp cho Philippines. Cùng lúc đó, báo chí Trung Quốc ngày 12-11 loan tin: trận bão Haiyan đã giết chết 8 người ở miền Nam nước này, gây thiệt hại hàng trăm triệu USD cho ngành nông nghiệp và ngư nghiệp. Có nhà báo nước ngoài nhận xét: có lẽ Bắc Kinh muốn giải thích cho khoản viện trợ “quá khiêm tốn” này.

Người ta vẫn còn nhớ Trung Quốc đã viện trợ cho Philippines 1 triệu USD sau một trận bão năm 2011. Nhưng đó là lúc mối quan hệ giữa hai nước “hữu hảo”. Còn bây giờ, hai bên đang căng thẳng với nhau trong ngoại giao và Manila đang làm cả thế giới phải khâm phục vì dũng cảm đối đầu với Bắc Kinh khi “cường quốc” châu Á này tranh chấp chủ quyền lãnh hải trên Biển Đông.

Nói cho ngay, trong bối cảnh như vậy, nhà cầm quyền Trung Quốc mà tích cực trợ giúp Philippines mới là chuyện lạ. Và với những cách hành xử và những việc làm của Bắc Kinh đối với các nước láng giềng trong những năm qua, chẳng ai lấy làm ngạc nhiên trước chuyện này. Người xưa đã có sẵn cái “thuật ngữ” để chỉ những trường hợp như vậy là “quân tử Tàu”, same same với cái danh xưng “ngụy quân tử”.

Lâu nay có những học giả quốc tế vẫn khuyên Trung Quốc hãy học cách hành xử như một cường quốc, để trở thành một chuẩn mực và chỗ dựa đáng tin cậy cho cộng đồng thế giới. Mà điều này thì từ nhiều ngàn năm trước, tổ tiên người Trung Hoa đã làm được và làm rất tốt. Nền văn minh, văn hóa Trung Hoa xưa đã để lại những chuẩn mực bất hủ về cách sống và hành xử ở đời, về những nhân nghĩa lễ trí tín, về những bậc quân tử, đại trượng phu, về những nghĩa khí giang hồ,… Thời đại bây giờ đâu còn là cái thời mà ai muốn xưng hùng xưng bá cứ việc diệu võ dương oai vỗ ngực xưng danh.

Có thể có ai đó sẽ xúi Manila đừng có nhận khoản viện trợ này từ Bắc Kinh, chẳng bõ bèn gì để phải mang tiếng. Tôi thì không như vậy và gọi cách hành xử đó là “sĩ diện hảo”. Ai sao thì mặc họ, còn ta thì chuyện nào ra chuyện đó. Đây là khoản cứu trợ cho các nạn nhân bị thiên tai chớ chẳng phải là quà cáp cho chính phủ. Và đó thực chất là tiền đóng thuế của người dân Trung Quốc. Xưa nay, không thể đánh đồng giữa dân tộc một nước với chính quyền của nước đó. Đó mới là quân tử, mới là fair-play, mới là có tình có lý – nói nôm na là sống có đạo lý làm người!

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 12-11-2013)

Hãng tin Anh Reuters sáng 13-11-2013 có một bài viết dài nói rằng Trung Quốc đã bỏ lỡ một cơ hội để thể hiện thiện chí ở khu vực Đông Nam Á khi chỉ cứu trợ cho các nạn nhân siêu bão ở Philippines số tiền “khá là nhỏ mọn” (relatively paltry donation). Bài viết trích lời của Joseph Cheng, một giáo sư khoa học chính trị của Đại học City University of Hong Kong, nhận định: “Giới lãnh đạo Trung Quốc đã bỏ lỡ một cơ hội để thể hiện lòng hào hiệp (magnanimity) của mình”. Ngay cả tờ báo tiếng Anh Global Times của Trung Quốc cũng có bài bình luận bày tỏ mối quan ngại về vụ này sẽ ảnh hưởng tới vị thế quốc tế của Bắc Kinh. Tờ báo của Nhà nước này viết: “Trung Quốc, với tư cách một cường quốc có trách nhiệm, lẽ ra phải tham gia các hoạt động cứu trợ để trợ giúp một nước láng giềng bị thiệt hại vì thiên tai, mà không kể nước đó có thân thiện với mình hay không. Hình ảnh quốc tế của Trung Quốc có tầm quan trọng sống còn đối với các lợi ích của nó. Nếu lạnh nhạt với Manila lần này, Trung Quốc sẽ chịu những tổn thất lớn hơn.” (http://www.reuters.com/article/2013/11/12/us-china-philippines-aid-idUSBRE9AB0LM20131112)