Thứ Hai ngày 23 tháng 12 năm 2024

Những câu chuyện từ “vùng đất chết” Tacloban

131113-philippines-typhoon-haiyan-tacloban-003

 

Chưa thể biết được có bao nhiêu mạng sống đã bị lấy đi, 2.000 hay hơn 10.000 người như ước tính của chính quyền địa phương, nhưng theo Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên Hiệp Quốc (UNOCHA), siêu bão Haiyan đã làm ảnh hưởng tới 9,5 triệu người ở Philippines, trong đó có ít nhất 600.000 người đã được sơ tán ra khỏi các khu vực bị bão càn quét dữ dội nhất. Đây là số nạn nhân may mắn sống sót mới được nhà chức trách sơ tán trong mấy ngày gần đây để họ khỏi trở thành những nạn nhân của cuộc khủng hoảng nhân đạo có nguy cơ xảy ra. Những người sống sót được truyền thông và các cơ quan cứu trợ quốc tế mô tả là đang “cần khủng khiếp” (desperate need) nước uống và thức ăn. Họ có thể chui rúc trong những túp lều dựng tạm bằng những tấm tôn, mảnh ván hay giấy bìa lượm được từ vô số đống đổ nát chung quanh, nhưng phải có cái ăn, cái uống.

Bộ trưởng Nội các Rene Almendras của Philippines nói trong một cuộc họp báo rằng: “Trong một số trường hợp, bão phá hủy toàn bộ.” Ước tính bão Haiyan với sức gió mạnh tới 235 km/giờ và giật tới 275 km/giờ (mạnh nhất trong lịch sử Philippines) đã tàn phá từ 70 tới 80% các cấu trúc trên mặt đất trong đường đi của nó dọc hai tỉnh duyên hải Leyte và Samar ở miền trung nước này. Nhân viên cơ quan viện trợ Mỹ USAID tới Philippines và báo cáo rằng có những nơi có tới 90% số nhà cửa đã bị phá hủy hoàn toàn. Hội Chữ thập Đỏ Philippines ước tính có khoảng 22.000 người đang bị mất tích. Tổ chức Phân tích Thảm họa Pháp y CEDIM ở Đức ước tính ban đầu rằng thiệt hại của bão Haiyan ở Philippines ở mức từ 8 tới 19 tỷ USD.

Những nạn nhân tí hon

 

Có tới 80 đứa trẻ mới sinh đang vật lộn với những khó khăn, thiếu thốn để sống sót trong ngôi nhà thờ nhỏ của trung tâm y tế khu vực Eastern Visayas, bệnh viện duy nhất còn hoạt động tại thành phố Tacloban.

Có 7 đứa bé bị sinh non sau khi mẹ chúng bị sốc quá nặng bởi trận siêu bão ngày 8-11-2013. Bé sơ sinh thứ 8, chào đời 2 ngày sau trận bão, phải sống nhờ bà nội của mình liên tục bơm bằng tay không khí vào hai lá phổi bị bệnh của nó. Mấy cô y tá cho biết: Bọn nhóc này quá yếu để có thể khóc được, cho dù chúng đã gặp phải khó khăn cùng cực ngay khi lọt lòng mẹ. Chỉ có một đứa với khuôn mặt có những vết bầm tím do những cái kẹp để lại trong lúc nhân viên y tế vội vã cứu nó ra khỏi bụng mẹ là khỏe đủ để cất tiếng khóc chào đời.

Thai phụ mới 16 tuổi Mary Jane Tevez với cái bụng nặng nề đã cùng chồng mình thoát kịp khỏi ngôi nhà đang sập để rồi lại bị mắc kẹt trong ngôi nhà của người láng giềng dổ xuống quá nhanh. Trong khi hai vợ chồng đang ẩn nấp dưới một tấm ván ép dày, Mary cảm thấy bụng dưới của mình đau không chịu nổi. Rồi đứa con trai của họ đã chào đời vào sáng sớm thứ Bảy 9-11 trong lúc mưa gió vẫn còn hoành hành. Nó được cha mẹ đặt tên là Yolando để ghi nhớ trận siêu bão Yolanda (tên của Philippines đặt cho bão Haiyan). Người cha Meller Balabog giải thích: “Bởi vì chúng tôi không muốn quên những gì chúng tôi vừa trải qua và vì chúng tôi vừa sống lại một cuộc sống khác.”

131113-philippines-typhoon-haiyan-tacloban-005

131113-philippines-typhoon-haiyan-tacloban-006

Bác sĩ Alberto de Leon, 62 tuổi, giám đốc bệnh viện, nói rằng: “Tôi lo ngại những đứa trẻ mới sinh này có thể bị nhiễm trùng cơ hội từ bệnh viện.” Ông chỉ ra phía sau, nơi có nhà xác đang chất chồng xác các nạn nhân thu gom được, cho biết đó là một trong những nguồn gây nhiễm trùng nguy hiểm nhất. Bệnh viện duy nhất này còn là nơi tập trung của tất cả những ai bị thương, ngay cả những người mất nhà cửa tìm tới với hy vọng kiếm được miếng ăn, chút nước uống. Có cả những người sống sót chạy vào bệnh viện lánh nạn để tránh nạn cướp bóc đang xảy ra ngày càng đáng sợ khắp thành phố. Người ta đang phát điên lên, có cả phẫn nộ, vì sự tiếp cứu quá chậm trễ và không đủ.

Đó là lý do mà bệnh viện đang tích cực tìm cách để sơ tán các trẻ sơ sinh tới những nơi an toàn. Người mẹ trẻ Roselle nằm trong số những người may mắn khi cùng đứa con mới sinh 1 ngày tuổi Ian Daniel Honrado lên được chiếc máy bay vận tải quân sự chở người sơ tán khỏi Tacloban.

131113-philippines-typhoon-haiyan-tacloban-004

Người mẹ trẻ Roselle và đứa con 1 ngày tuổi Ian Daniel Honrado chuẩn bị lên máy bay sơ tán khỏi Tacloban.

Trái ngược một cách nhói tim là người mẹ Maricel Cruz ngồi mất hồn trên một băng ghế của bệnh viện bồng chặt vào lòng đứa con 5 tháng tuổi của mình quấn trong một tấm chăn đen, cho dù cái xác bé bỏng đó đã bắt đầu phân hủy. Đứa bé bị bệnh trước khi trận bão đổ tới. Sau trận bão, người mẹ ngược xuôi tìm thuốc cho con, nhưng bất lực. Không được chữa trị, con chị đã lên cơn co giật rồi chết. Maricel uất nghẹn: “Không có ai giúp mẹ con tôi hết.”

Viên trung tá và cậu bé 7 tuổi

 

Trung tá Không quân Fermin Carangan cả đời sẽ không thể nào quên được chuyện mình đã sống sót trong trận bão Haiyan.

Ông và 41 sĩ quan khác đã vật lộn với sóng gió để sống sót khi bão tố đổ xuống văn phòng của họ trong sân bay Tacloban. Theo ông, lúc đó gió mạnh tới 313 km/giờ và giật tới 378 km/giờ. Trong lúc đang oằn mình vì gió quá dữ, “đột ngột nước biển và những con sóng cuốn tới xô sập những bức tường và tôi nhìn thấy các đồng đội của mình bị sóng nước cuốn đi từng người một”. Hậu quả là có 2 người chết đuối và 5 người còn mất tích.

Bản thân Trung tá Carangan thì bị sóng cuốn xa khỏi tòa nhà và ông đã may mắn bám được vào một thân cây dừa cùng với một cậu bé 7 tuổi. Trong suốt 5 giờ sau đó, hai chú cháu ôm cây dừa lênh đênh trên biển cuồn cuộn sóng gió và mưa xối xả. Trời tối mịt khiến họ không nhìn thấy gì chung quanh. “Tôi đã phải liên tục nói chuyện với cậu bé, động viên nó bởi vì nó nói rằng nó quá mệt mỏi và chỉ muốn ngủ.” Trong tình cảnh này, ngủ có nghĩa là chết. Cuối cùng, ông nhìn thấy đất liền và cùng cậu bé bơi vào một bãi biển la liệt những xác chết.

Trung tá Carangan tâm sự: “Tôi nghĩ là cậu bé đó đã cứu mạng sống của tôi bởi vì tôi đã tìm thấy động lực để cậu bé có thể sống sót.”

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 14-11-2013)

+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.