Chủ nhật ngày 06 tháng 10 năm 2024

Hỗn loạn như thế này tới người Mỹ cũng phải… sợ!

131117-philippines-typhoonhaiyan-tacloban-aid-011

 

Trong hai ngày cuối tuần 16 và 17-11-2013, nhiều người sống sót trong trận siêu bão Haiyan tàn phá hôm 8-11 bị mắc kẹt trên những hòn đảo nhỏ và những vùng xa xôi hẻo lánh ở miền trung Philippines đã lần đầu tiên được nhận hàng cứu trợ. Đó là nhờ những chiếc máy bay trực thăng từ những tàu chiến của Mỹ đã tới tiếp cứu nước đồng minh Đông Nam Á này.

Điều đáng tiếc – mà không dám nói là đáng trách vì chẳng biết phải trách ai – sự đói khát cùng cực và sự quẫn trí lẫn nổi giận vì tình hình cứu trợ quá chậm chạp của nhà chức trách sở tại đã khiến nhiều người dân có những hành động khiến những người đi cứu trợ phải hoảng sợ. Khi trực thăng đáp xuống, những đám đông hùng hổ xông vào giành giật những món hàng cứu trợ. Nguy hiểm cho cả họ lẫn các đội bay. Và tôi tin chắc rằng, sau khi máy bay cất cánh, tình cảnh xâu xé, giành giựt hàng cứu trợ sẽ xảy ra ở dưới đất giữa các nạn nhân với nhau. Ai cũng muốn giành phần được sống cho mình và gia đình.

Với đặc điểm ở Philippines (mà khi nào có dịp, tôi sẽ chia sẻ) cộng với thực trạng hiện nay, việc mong muốn có được một hoạt động phân phát và tiếp nhận hàng cứu trợ suôn sẻ tới tận tay nạn nhân là chuyện nằm mơ giữa ban ngày.

Bởi vậy, rút kinh nghiệm của ngày thứ Bảy 16-11, sang ngày Chủ nhật 17-11, các đội bay Mỹ phải áp dụng biện pháp “phòng tránh nhân tai” là hoặc đáp xuống ở những nơi xa khu dân cư hoặc từ trên cao thả hàng cứu trợ xuống. Có trực thăng phải cho người xuống thuyết phục dân làng đứng ở xa rồi mới đưa hàng cứu trợ xuống chất đống trên mặt ruộng. Sáng nay 17-11, phóng viên hãng tin Anh Reuters đã chụp được cảnh những người lính Không quân Philippines khi chở hàng cứu trợ tới ngôi làng hẻo lánh cách thành phố Tacloban chừng 25km phải tả xung hữu đột vất vả ngăn những dân làng liều mạng xông vào trong lúc cánh quạt trực thăng vẫn đang quay nhanh.

Càng ở những làng hẻo lánh, dân cư càng đói khát thì tình trạng hỗn loạn khi nhận hàng cứu trợ càng nguy hiểm hơn.

Nhưng cũng may cho tất cả là không phải nơi nào cũng hỗn loạn như vậy. Như tại làng Cabungaan thuộc quận Tanauan (tỉnh Leyte). Một chiếc trực thăng Seahawk của Hải quân Mỹ sáng 17-11 đã chở chuyến hàng cứu trợ đầu tiên từ sau trận bão tới cho ngôi làng hẻo lánh có hơn 200 người này. Suốt 1 tuần qua, dân làng chỉ được ăn mỗi ngày một bữa với những con cá khô, thình thoảng có thêm dừa, chứ gạo không đủ để ăn. Nhờ ở cách rất xa bờ biển, làng này không có ai bị chết vì bão, trong khi quận Tanauan có tới 1.200 người chết. Dân làng đã nhận hàng cứu trợ trong trật tự. Khi bay lên trời, Jeremy Smith, một thành viên đội bay, đã ghi vào trong sổ tay: “LZ (bãi đáp) này dễ chịu so với những nơi mà những chiếc máy bay cứu trợ bị đám đông xông vào tranh cướp”.

Tôi viết lại chuyện này cốt chỉ để cho thấy rằng việc cứu trợ những nơi bị thảm họa chẳng phải là dễ dàng đâu. Đi cứu nạn ở Philippines sau trận siêu bão Haiyan, người cứu trợ không phải chỉ đơn giản chất hàng hóa lên máy bay rồi chở tới những nơi đang cần được tiếp cứu. Không cẩn trọng và “năng động” thì từ chỗ cứu người có thể thành hại người, hại mình đó nghen.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 17-11-2013)

+ PHOTO: Cảnh trực thăng Mỹ cứu trợ những làng xa xôi hẻo lánh ngày 17-11-2013. (Nguồn ảnh: Internet. Thanks).

131117-philippines-typhoonhaiyan-tacloban-005

131117-philippines-typhoonhaiyan-tacloban-aid-001

131117-philippines-typhoonhaiyan-tacloban-aid-007

131117-philippines-typhoonhaiyan-tacloban-aid-008

131117-philippines-typhoonhaiyan-tacloban-aid-009

131117-philippines-typhoonhaiyan-tacloban-aid-010 

131117-philippines-typhoonhaiyan-tacloban-aid-us-pilots-002

Hai phi công Mỹ đang giúp vận chuyển hàng cứu trợ lên trực thăng tại Tacloban ngày 17-11-2013.