Thứ Bảy ngày 05 tháng 10 năm 2024

Những bài học từ chương trình phòng chống HIV/AIDS ở Nam Phi

aids-ribbons-soweto-south-africa

 

Vốn là nước có số người bị nhiễm virus HIV/AIDS cao nhất thế giới, Nam Phi giờ đây đang được cộng đồng quốc tế ca ngợi như một điển hình cho việc điều trị người mang virus HIV gây bệnh AIDS. Chương trình cấp thuốc miễn phí cho những người mang virus tử thần này đã nhanh chóng được mở rộng tới 2,4 triệu người, tăng hơn gấp đôi con số cách đây 3 năm, và trở thành dự án điều trị HIV/AIDS lớn nhất thế giới.

Điều lý thú còn ở chỗ nền kinh tế lớn nhất châu Phi này một khi đã “nghĩ lại” đã “chơi hết mình” cho cuộc chiến phòng chống căn bệnh dịch thế kỷ này. Khoa học kỹ thuật được ứng dụng để giúp gia tăng hiệu quả cho dự án. Chẳng hạn như tại một bệnh viện công ở Johannesburg, quy trình cấp phát thuốc được tự động hóa chỉ với một cái nhấn nút. Bác sĩ thăm khám người bệnh xong gửi toa thuốc điện tử tới nhà thuốc. Nơi đây lập tức chuyển nó cho một người máy. Nhận được lệnh, người máy lấy các loại thuốc đã được chỉ định và thả chúng vào một ngăn kéo để cho người bệnh tới nhận. Quy trình diễn ra chỉ chưa tới 90 giây. Ian Sanne, Giám đốc điều hành của Right to Care, một tổ chức phi lợi nhuận đang điều hành bệnh viện Themba Lethu, ví von: “Nó gần giống như nguyên tắc drive-thru (mua hàng không cần rời khỏi xe) của chuỗi nhà hàng fast-food McDonald’s. Bác sĩ ra y lệnh và vào lúc người bệnh đi sang cửa sổ kế tiếp thì thuốc đã có sẵn rồi.”

Để có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng của người cần thuốc đồng thời có thể phục vụ hữu hiệu hơn, Nam Phi đã triển khai việc cung cấp thuốc suốt 24 giờ trong ngày thông qua những chiếc máy giống như máy rút tiền ATM.

Sở dĩ nói “nghĩ lại” vì Nam Phi từng lừng danh thế giới về thái độ cực đoan phủ nhận virus HIV/AIDS. Hồi tháng 7-2000, trong diễn văn khai mạc Hội nghị AIDS Quốc tế tại thành phố Durban (Nam Phi), Tổng thống nước chủ nhà Thabo Mbeki đã gây sửng sốt khi chẳng hề đề cập gì tới virus HIV hay bệnh AIDS. Thay vào đó, ông tập trung nói về tình trạng cực nghèo ở châu Phi và coi đó như nguyên nhân chính khiến người dân bị suy nhược dẫn tới bị suy thoái hệ miễn dịch. Trong suốt 9 năm cầm quyền (từ 1999 tới 2008), vị tổng thống thứ 2 của Nam Phi thời hậu apartheid vẫn khăng khăng với quan điểm: HIV có thể gây ra bệnh AIDS nhưng nó không phải là loại virus duy nhất khiến hệ miễn dịch bị suy thoái. Bà Bộ trưởng Y tế Manto Tshabalala-Msimang dưới thời Tổng thống Thabo Mbeki cũng cùng quan điểm với sếp của mình. Bà từng nổi tiếng khi đưa ra “bài thuốc chữa bệnh AIDS” bằng tỏi, dầu olive và chanh. Tháng 8-2007, Tổng thống Mbeki và Bộ trưởng Y tế Tshabalala-Msimang đồng lòng bãi chức Thứ trưởng Y tế Nozizwe Madlala-Routledge với nguyên nhân công khai là tham nhũng. Nhưng công luận ở Nam Phi đều biết rằng nguyên nhân sâu xa chính là nữ Thứ trưởng Y tế này luôn vững tin rằng AIDS do virus HIV gây ra. Mặc dù bị nhiều nhà khoa học và nhà chính trị yêu cầu bãi chức, Bộ trưởng Y tế Tshabalala-Msimang vẫn tại vị cho tới khi Tổng thống Mbeki phải từ chức vào tháng 9-2008 khi chỉ còn 9 tháng nữa là mãn nhiệm kỳ thứ hai.

Dưới thời Tổng thống Mbeki, bất chấp việc được các hãng dược quốc tế cung cấp thuốc điều trị virus HIV miễn phí hay giá rẻ, Bộ Y tế Nam Phi vẫn không mặn mòi với các chương trình này. Trước năm 2003, những người mang virus HIV chỉ được các bệnh viện công chữa trị các bệnh cơ hội chứ không thể được cấp thuốc kháng HIV. Tình hình chỉ bắt đầu thay đổi khi vào năm 2002, tòa án Nam Phi phán quyết chính phủ phái cung cấp miễn phí thuốc kháng virus HIV gọi là anti-retroviral (ARV) cho các thai phụ mang virus HIV để giúp ngăn ngừa lan truyền virus sang trẻ sơ sinh. Người ta ước tính rằng chính cái chính sách kỳ cục của Tổng thống Mbeki đã khiến hơn 300.000 người châu Phi bị chết oan uổng.

Sau khi chương trình cấp phát miễn phí thuốc kháng HIV được đẩy mạnh, tuổi thọ bình quân của người dân Nam Phi đã tăng lên, hiện nay là 60 tuổi (so với 51,6 tuổi hồi năm 2005).

Theo một khảo sát hồi năm ngoái, có khoảng 6,4 triệu người Nam Phi (chiếm 12,3% số dân) đang sống với virus HIV hay đã chuyển sang bệnh AIDS.

Mừng cho Nam Phi, nhưng nhiều nhà hoạt động AIDS và nhiều chuyên gia cảnh báo rằng chương trình phòng chống HIV/AIDS ở đây đang gặp phải những thách thức mới.

Sau khi khảo sát hơn một nửa trong số 3.800 trung tâm y tế trên khắp Nam Phi, Tổ chức Thầy thuốc không biên giới (MSF) báo động rằng có tới 1 phần 5 số trung tâm y tế bị thiếu hụt thuốc kháng virus ARV.

Bên cạnh đó, sự thành công vượt bực của Nam Phi trong việc điều trị HIV có thể khiến người dân nước này, đặc biệt là giới trẻ, thiếu cẩn trọng với tình dục an toàn. Nhiều cuộc thăm dò công chúng cho thấy đã xuất hiện tư tưởng “hết sợ HIV rồi”. Một số người nói rằng: “Nếu lỡ bị nhiễm HIV, tôi có thể được điều trị.” Mongezi Sosibo, một nhà hoạt động AIDS ở Johannesburg, lo lắng trước hiện tượng giới trẻ ngày nay lo sợ hơn cả là chuyện “dính bầu”. Ngày càng có thêm nhiều sinh viên tới bệnh viện không phải để xét nghiệm HIV mà là xin thuốc ngừa thai khẩn cấp (morning-after pill).

Trong khi đó, Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc UNICEF cho rằng quan điểm kỳ thị người mang virus HIV/AIDS vẫn còn nặng nề trong xã hội Nam Phi. Chính những định kiến này đã khiến giới trẻ không dám đi xét nghiệm HIV sớm. Rick Olson, chuyên gia về HIV của UNICEF, cũng nói rằng quy trình xét nghiệm HIV hiện còn những vấn đề, thí dụ như thiếu sự bí mật cần thiết.

Theo hãng tin Pháp AFP (30-11-2013), Bộ trưởng Y tế Aaron Motsoaledi thừa nhận rằng HIV/AIDS hiện “không còn bị coi là một bản án tử hình” ở Nam Phi. Nhưng ông nhấn mạnh tới chương trình giáo dục phòng chống AIDS đang được mở rộng của nước mình. Mục tiêu của chương trình này là 12 triệu học sinh. Tuy nhiên, một kế hoạch phân phát bao cao su (condom) ở các trường học đã khiến một số nhà hoạt động và phụ huynh nổi giận. Năm ngoái, Nam Phi đã phân phát miễn phí khoảng 480 triệu bao cao su an toàn tình dục – một con số không hề nhỏ đối với một đất nước có 53 triệu dân.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 1-12-2013)

 HIV testing in South Africa

Thử máu xét nghiệm HIV tại một bàn xét nghiệm lưu động trên đường ở Cape Town. (Ảnh: Rodger Bosch/AFP)

Rachel_teaching_HIV_AIDS_class_to_students_in_Limpopo_South_Afirca

Một buổi giáo dục phòng chống HIV/AIDS tại một trường phổ thông ở Johannesburg (Nam Phi). (Ảnh: Tổ chức The Family International).

south-africa-aids-arv-pills

Chương trình cấp phát miễn phí thuốc kháng virus ARV đang được mở rộng ở Nam Phi. (Ảnh: Tổ chức Clinton Foundation)