Thứ Năm ngày 26 tháng 12 năm 2024

Thành phố “tâm bão” Tacloban một tháng sau siêu bão Haiyan

131110-supertyphoon-haiyan-philippines-tacloban-000

 

Cho dù là trận bão mạnh nhất và giết chết nhiều người nhất trong lịch sử Philippines, siêu bão Haiyan đổ bộ vào miền trung quần đảo này ngày 8-11-2013 cũng phải chìm dần vào ký ức để người ta có thể gượng đứng dậy tiếp tục cuộc sống. Tròn một tháng sau thảm họa thiên tai, thành phố Tacloban (tỉnh Leyte) – nơi tâm bão – đang hồi sinh.

Chính quyền địa phương đã làm việc trở lại, các ngôi chợ đã họp lại với trái cây, thịt heo, cá và bánh mì. Những thân cây bị phạt ngọn, xé tét đang nhú những chiếc lá mới. Có khác chăng so với trước khi siêu bão ập tới là những tiếng ồn ào đặc trưng của những hoạt động tái thiết. Đó là tiếng gầm rú của những chiếc xe tải chở nặng những đống đổ nát, tiếng rít của những chiếc xe ủi đang nạo dọc những vỉa hè, tiếng cồm cộp của những chiếc búa đóng đinh,…

Phóng viên hãng tin Mỹ AP Oliver Teves tường thuật từ Tacloban ngày 8-12 cho biết: các dấu hiệu của sự hồi sinh của thành phố tang thương này trộn lẫn với những hồi ức về tang tóc và thiệt hại đã từng trải, cũng như những thách thức đang ở phía trước. Ngay cả dưới những đống đổ nát vẫn còn có những thi thể nạn nhân xấu số chưa tìm thấy. Hàng vạn người vẫn đang phải sống giữa những đống đổ nát và dưới những mái lều tạm làm bằng những gì nhặt nhạnh được sau siêu bão.

Tecson Lim, người đứng đầu chính quyền thành phố Tacloban, nói rằng điều quan trọng là cái cảm giác “bình thường” đã trở lại với các cư dân, những người sống bao đời nay trong cái “rốn bão tố Thái Bình Dương” năm nào cũng hứng chịu nhiều trận bão. Hiện nay đã có 19 trong tổng số 26 cơ quan chính quyền thành phố hoạt động trở lại và khoảng 15% thành phố đã có điện. Và thêm một điều đáng nói nữa là người ta bắt đầu nói về một triển vọng lạc quan. Ông Lim nói rằng: “Cơ hội để chuyển đổi thành phố chúng tôi trở thành một thành phố toàn cầu, một thành phố có khả năng bật dậy phục hồi trong tình thế biến đổi khí hậu, và thậm chí có thể là một mô hình cho toàn thế giới.”

Có nhiều thời gian dõi theo, sống cùng Tacloban (cho dù ở xa gần 3 giờ bay), tôi không hề có ý định làm cụt hứng ông Lim. Làm người ai chẳng có ước mơ, huống chi đây là một ước mơ có lợi cho toàn cầu đang bị Mẹ Tự nhiên trừng phạt vì tội ngoan cố phá hoại môi trường thiên nhiên. Hơn nữa, bất luận thế nào, một thành phố Tacloban hồi sinh cũng sẽ mang dấu ấn toàn cầu khi cả thế giới đang chung tay cứu giúp các nạn nhân của siêu bão Haiyan.

Theo ước tính, công cuộc tái thiết các vùng bị siêu bão Haiyan tàn phá sẽ mất ít nhất là 3 năm (dĩ nhiên với điều kiện nơi đây không bị thiên tai nặng như vậy nữa). Giới quan sát quốc tế nhấn mạnh rằng mức độ thành công sẽ tùy thuộc vào sự điều hành của chính quyền từ trung ương tới địa phương và hiệu quả của việc tiếp cận các nguồn vốn, các quỹ hỗ trợ quốc tế. Mỹ và các cơ quan LHQ đang tiếp tục đi đầu trong công cuộc trợ giúp Philippines. Ngày 6-12, Ngân hàng Thế giới (WB) đã thông qua một ngân sách hỗ trợ trị giá 500 triệu USD để chính phủ Philippines có thể sử dụng cho các chương trình phục hồi và tái thiết ngắn hạn. Hôm Chủ nhật 8-12, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera và Ngoại trưởng Úc Julia Bishop đã không hẹn mà cùng bay tới thành phố Tacloban để xem xét tình hình thực tế và kiểm tra hiệu quả của việc hỗ trợ từ nước họ ra sao.

Chính phủ Phillipines trong thời gian qua đang phối hợp với các tố chức quốc tế thực hiện các chương trình cứu trợ cấp bách như “làm việc lấy thực phẩm” (food-for-work) và “làm việc lấy tiền” (cash-for-work) để tạo công ăn việc làm trước mắt cho hàng ngàn nạn nhân đã bị bão cướp đi kế sinh nhai. Họ sẽ tham gia dọn dẹp, làm vệ sinh các khu dân cư, đường phố vẫn còn ngổn ngang rác rến, đống đổ nát để được trả công mỗi người khoảng 500 peso (11,36 USD)/ngày.

Philippines hiện đang đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế. Nhưng tệ nạn tham nhũng thật đáng sợ và nước Đông Nam Á này vẫn còn ở mức rất nghèo với hàng triệu người sống trong những khu ổ chuột.

Siêu bão Haiyan khi tàn phá Philippines đã cướp đi mạng sống của hơn 5.700 người và hơn 1.700 người khác đang còn mất tích. Khoảng 4 triệu người đã phải sơ tán.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 9-12-2013)

+ Ảnh: Tacloban đang hồi sinh. (Nguồn ảnh: Internet. Thanks.)

philippines-typhoon-haiyan-tacloban-131208-01

Nhiều nơi ở thành phố Tacloban ngày 8-12-2013 vẫn còn ngổn ngang đổ nát. (Ảnh: Aaron Favila/AP).

philippines-typhoon-haiyan-tacloban-santo-nino-church-131208-01

Những người sống sót dự lễ sáng Chủ nhật 8-12-2013 tại nhà thờ Santo Nino của Tacloban. (Ảnh: Aaron Favila/AP).

philippines-typhoon-haiyan-tacloban-santo-nino-church-131208-02

Những người sống sót dự lễ sáng Chủ nhật 8-12-2013 tại nhà thờ Santo Nino của Tacloban vẫn còn xơ xác vì bão. (Ảnh: Aaron Favila/AP).

philippines-typhoon-haiyan-tacloban-131208-02

Một điểm hớt tóc ven đường tại Tacloban ngày 8-12-2013. Giá 50 peso (1 USD) một cái đầu. (Ảnh: Aaron Favila/AP).

philippines-typhoon-haiyan-tacloban-131208-03

Những cư dân Tacloban bày tỏ lòng cảm ơn với người Mỹ đã tích cực cứu giup1 mình như thế này. Ảnh chụp ngày 8-12-2013. (Ảnh: Aaron Favila/AP)

 philippines-typhoon-haiyan-tacloban-131207-01

Một trung tâm tạm cư mới cho những người mất nhà cửa đang được xây dựng tại Tacloban ngày 7-12-2013. (Ảnh: Aaron Favila/AP).

philippines-typhoon-haiyan-tacloban-131207-03

Cảnh đổ nát vẫn còn ngổn ngang tại một làng ven biển của Tacloban ngày 7-12-2013. (Ảnh: Aaron Favila/AP).

 philippines-typhoon-haiyan-tacloban-131207-04

Cảnh đổ nát vẫn còn ngổn ngang tại vùng ven biển của Tacloban ngày 7-12-2013. (Ảnh: Aaron Favila/AP).

philippines-typhoon-haiyan-tacloban-131207-02

Chú rể Earvin Nierva và cô dâu Riza chụp ảnh giữa cảnh đổ nát sau bão ở Tacloban ngày 7-12-2013. (Ảnh: Aaron Favila/AP).

philippines-typhoon-haiyan-tacloban-fishmen-01 

Một chiếc thuyền đánh cá chế bằng xác một chiếc tủ lạnh và những thân tre đang “làm ăn” ngoài biển ở Tanauan thuộc tỉnh Leyte, Philippines. (Ảnh: Damir Sagolj/Reuters).

philippines-typhoon-haiyan-tacloban-fishmen-02

Ngư dân Jimmy Obaldo (thứ hai từ phải qua) ở Tanauan thuộc tỉnh Leyte, Philippines, là người đầu tiên có sáng kiến chế chiếc thuyền đánh cá như thế này. (Ảnh: Damir Sagolj/Reuters)