Chuyện cá của một gã Song ngư
Chiều hôm qua có một gã cung tuổi Song ngư khoái ăn cá hơn thịt, từng bắt cá bằng hai tay lẫn hai chân, lơn tơn cuốc bộ tới tiệm cá cảnh mua cá con về cho cá lớn nó nuốt. Nhưng gã đành về tay không vì tới tiệm thấy có một phụ nữ tuổi 30-40 đang mua mão hết số cá con trong các thùng chứa của tiệm. May mà gã mắc cỡ nên không dám mở miệng hỏi nàng chia lại chút đỉnh, thà về nhà xin lỗi lũ cá bị bỏ đói mấy bữa rồi.
Nói thiệt lòng gã thích ngắm cá cảnh nhiều màu bơi qua lội lại nhưng hỗng thích nuôi chúng. Một phần do gã là “thiên hạ đệ nhất lười biếng lãng tử”, cái thân còn lo chưa xong huống chi lo cho mấy con cá. Nhưng cái chính là gã ghét phải mua cá nhỏ về cho cá lớn nó nuốt. Tàn nhẫn quá. Nghiệt một nỗi bọn cá nhà gã dường như là hậu duệ của lũ cá của nhà sư Lỗ Trí Thâm nên chỉ khoái chén đồng loại chớ không thèm ăn các loại thức ăn công nghiệp. Và nghiệt ngã cho gã là gã nghèo tiền bạc, nhưng giàu bao la bát ngát tình thương. Gã thương lũ cá bị đói bụng tội nghiệp. Mỗi khi mua lũ cá con về (thôi thì số chúng bị áp đặt như vậy rồi), trước khi thả vô hồ cá, gã năn nỉ lũ cá sắp “hiến thân” cho đồng loại tha thứ cho hắn và chúc chúng kiếp sau đừng có đầu thai làm kiếp cá nữa (thiệt ra gã lo xa, sống đời này nghĩ tới kiếp sau, sợ lũ cá nuôi lòng hận thù tâu lên Nam Tào – Bắc Đẩu cho gã kiếp sau đầu thai làm cá cho biết “thế nào là lễ độ”). Thả lũ cá con xong là gã hai giò ba cẳng dọt lẹ không dám chứng kiến cảnh đồng loại nuốt đồng loại. Là một kẻ không ít phen bị chính đồng loại của mình nuốt, gã rất thấm thía cái nỗi đau nhân tình thế thái.
Cũng xin giải thích cái chuyện gã tự khai mình từng “bắt cá bằng hai tay lẫn hai chân” kẻo lại bị suy diễn này nọ. Những năm đầu ngay sau năm 1975, gia đình gã phải đi kinh tế mới ở một vùng biên giới Đồng Tháp Mười giáp với Campuchia. Từ một gã thư sinh trói gà mà gà còn chạy được, gã phải học cách mần ruộng như một nông dân chánh hiệu. Thời đó, cá mú ngoài đồng, dưới sông, trong đìa còn nhiều lắm. Hàng tháng, cứ mỗi con nước ròng, gã cùng bạn bè trong xóm kéo nhau tới thượng nguồn con sông chảy qua biên giới để bắt cá. Lúc đó, hai nước láng giềng chưa công khai uýnh nhau. Người dân Khơ-me từ các phum sóc bên kia biên giới đổ qua cùng với bà con người Việt xúm xít nhau mò cua, bắt cá trên đoạn sông này. Cá nhiều tới mức gã thường dùng hai chân đạp hai con cá lún dưới sình và hai tay chộp hai con cá khác.
Ý trời, lan man chi mà gã đẩy một cái xa tới gần 40 năm trong vùng ký ức.
Sáng nay, trở lại tiệm cá cảnh kia, gã được anh chàng chủ tiệm phân bua rằng chiều qua mình lâm thế kẹt, không thể bán cá con cho gã như mỗi ngày. Gã thắc mắc hỏi cái nàng phụ nữ đàn bà con gái kia chắc nuôi cá nhiều dữ lắm nên mới mua mão hết số cá con của tiệm. Anh chàng kia cho biết: bả mua về đem đi phóng sanh đó. Cứ thỉnh thoảng bả lại ghé tiệm, hễ còn bao nhiêu cá là bả mua hết ráo, bao nhiêu tiền cũng chẳng hề chi. Nghe vậy, bỗng dưng gã muốn biến thành cá con cho cái nàng giàu lòng nhân ái đó mua hết biết! Cái khó là hỗng biết canh me lúc nào nàng ghé để “hiến thân”, lỡ bị sa vào tay kẻ khác, gã lại làm mồi cho lũ cá lớn kia nuốt sao!
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Saigon 13-12-2013)
+ ẢNH: Thần tượng của gã Song ngư. Ảnh chụp tại Trung tâm Khoa học Singapore 2011.