Thứ Sáu ngày 03 tháng 1 năm 2025

Liên minh châu Âu EU nặng gánh tham nhũng

europe-corruptions-01

 

Tệ nạn tham nhũng trong Liên minh châu Âu (EU) gồm 28 nước thành viên gây thiệt hại mỗi năm khoảng 120 tỷ euro. Một số tiền tương đương với toàn bộ ngân sách hàng năm của EU. Tình trạng này đã được bà Cecilia Malmstroem, Cao ủy các vấn đề Nội vụ của EU, thừa nhận hôm 3-2-2014.

Kết quả một cuộc khảo sát cho biết: cứ 12 công dân EU thì có 1 người từng trải nghiệm qua chuyện hối lộ trong năm qua. Có 4 phần 10 số công ty coi tham nhũng là trở ngại trong kinh doanh ở EU.

Trên báo Thụy Điển Goeteborgs-Posten (3-2), bà Malmstroem viết rằng: “Quy mô của vấn nạn tham nhũng ở EU khiến người ta phải nín thở. Nạn tham nhũng làm xói mòn lòng tin vào các thể chế dân chủ, bòn rút kinh tế hợp pháp của các nguồn lực và là mảnh đất béo bở cho tội phạm có tổ chức.”

Trong báo cáo đầu tiên về tham nhũng cho Ủy ban châu Âu (EC), bà Malmstroem nhấn mạnh rằng số liệu này chỉ là “ước tính” chứ con số thực tế “có lẽ còn cao hơn nhiều”.

Đó là lý do mà người chịu trách nhiệm về vấn đề nội vụ của EU kêu gọi các nước thành viên hãy hành động nhiều hơn nữa để xóa sổ vấn nạn này. Bà nói rằng: “Cái giá của việc không hành động đơn giản là rất cao.”

Báo cáo này không xếp hạng tình trạng tham nhũng của các nước EU, cũng như không khuyến nghị các biện pháp về pháp lý. Bà Malmstroem cho biết: Những điều đó sẽ được đưa ra sau khi có những cuộc trao đổi với các nước thành viên. Nhưng bà nói rằng: “Có một điều rất rõ ràng là không có một vùng không tham nhũng (corruption-free) nào ở châu Âu.”

Theo giới quan sát, trong khi Ủy viên các vấn đề Nội vụ của EU từ chối chỉ rõ mức độ tham nhũng của từng nước cụ thể, EU từ lâu nay đã có những mối quan ngại về tình trạng tham những ở Bulgaria và Romania, đặc biệt là về việc hai nước Đông Âu này sử dụng các nguồn quỹ EU. Cả hai nước này đã phải chịu đặt dưới một cơ chế giám sát đặc biệt khi họ gia nhập EU hồi năm 2007.

Trong báo cáo của bà Malmstroem, người ta thấy ghi rằng “cuộc chiến chống tham nhũng lâu nay là sự ưu tiên hàng đầu đối với Bulgaria”, nhưng bất chấp những nỗ lực cao nhất, vấn nạn này “vẫn còn lan rộng”.

Một cuộc khảo sát cho thấy có tới 84% người Bulgaria được hỏi đồng ý rằng nạn tham nhũng là phổ biến, trong khi hồi năm ngoái có 3 cuộc biểu tình lớn của dân chúng phản đối các mối quan hệ của chính quyền với những kẻ đầu sỏ chính trị giàu có.

Ủy ban EC đã đề nghị Bulgaria bảo vệ các cơ quan chống tham nhũng khỏi bị ảnh hưởng chính trị và bổ nhiệm ban lãnh đạo các cơ quan này theo một tiến trình minh bạch và dựa trên phẩm chất. Cơ quan lãnh đạo EU cũng đề nghị thông qua một quy ước đạo đức cho các thành viên Quốc hội của Bulgaria.

Còn ở Romania, báo cáo của EC cho biết tệ nạn tham nhũng vẫn còn là một vấn đề nổi cộm. Những nỗ lực xử lý vấn nạn này kém hiệu quả. Ủy ban EC đề nghị Romania bảo đảm các cuộc điều tra tham nhũng được độc lập thật sự và phát triển các quy ước hành xử toàn diện cho các quan chức được bầu cử.

Theo kết quả một cuộc thăm dò ở Romania, có tới 93% số người được hỏi đồng ý rằng tệ nạn tham nhũng đang lan rộng.

europe-corruptions-02

Trong số các nước khác, báo cáo của EC nêu tên Đan Mạch và Phần Lan đứng đầu bảng tham nhũng. Ở Pháp, EC khuyến cáo rằng “các nguy cơ liên quan tới tham nhũng trong khu vực mua sắm công và trong các giao dịch kinh doanh quốc tế đã không được đề cập tới”. Còn ở Đức, nền kinh tế lớn nhất EU, tuy nằm trong số những nước tốt nhất EU, nhưng “vẫn còn có thể làm tốt hơn nữa”. EC đề nghị Đức áp dụng những hình thức trừng phạt nghiêm khắc hơn đối với tội tham nhũng của các quan chức dân cử. Đề cập tới một vấn đề đang gây nhiều chú ý của dư luận trong nước, EC cũng đề nghị Đức phát triển một chính sách để xử lý hiện tượng gọi là “cửa quay” (revolving door), trong đó những quan chức nhà nước bỏ cơ quan của mình ra làm việc cho những công ty mà trước đó họ từng giúp đỡ. Thụy Điển được EC đánh giá nằm trong số các nước EU có tình trạng tham nhũng nhẹ nhất.

Bản báo cáo của EC đã xem xét lại các luật lệ và chính sách hiện hành hoạt động ra sao và đưa ra những khuyến nghị về những gì các nước EU cần phải làm thêm nữa trong cuộc chiến phòng chống tham nhũng. Bà Malmstroem nhấn mạnh rằng khu vực mua sắm công, đặc biệt là các dự án xây dựng, là một nguyên nhân chính gây ra nhiều quan ngại.

Tổ chức giám sát Minh bạch Quốc tế (TI) đã hoan nghênh bản báo cáo về tình trạng tham nhũng ở EU và nhấn mạnh nó đánh dấu “một bước quan trọng trong sự nỗ lực của EU để gia tăng các nỗ lực chống tham nhũng của mình”. TI nhấn mạnh: “Đây là một lời khuyến cáo thẳng thắn chống lại sự tự mãn về nạn tham nhũng ở bất cứ nước EU nào.”

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 8-2-2014)

+ Nguồn minh họa: Internet.