Thứ Năm ngày 23 tháng 1 năm 2025

Thêm một lần thầy trò sum vầy bên nhau

140223-thkt-hopmat-nvhoa

 

Sáng Chủ nhật 23-2-2014, khoảng 200 thầy trò chúng tôi, các cựu thành viên của trường Trung học tỉnh Kiến Tường (trước 1975) đã hành hương “về thăm trường xưa” tại thị xã Kiến Tường (tỉnh Long An). Đây là lần thứ 6 thầy trò chúng tôi họp mặt chính thức kể từ lần gặp đầu tiên mùng 5 Tết Canh Dần (18-2-2010) tại nhà thầy Cao Thành Phát ở Gò Công.

Cũng giống như biết bao số phận người Việt khác phải chia ly do những biến cố lịch sử, thầy trò chúng tôi cũng tan tác kể từ sau năm 1975, kẻ ở đâu đó trong nước (gọi là về quê), người lưu lạc nơi xứ người (gọi là di tản). Nhưng dù ở bất cứ nơi đâu, làm bất cứ công việc gì, chúng tôi vẫn luôn đau đáu một tình cảm hướng về trường xưa, nhớ về những đồng nghiệp và đồng môn.

Hồi xưa ở Kiến Tường, một tỉnh lẻ nằm giữa Đồng Tháp Mười đất khẩn hoang giáp biên giới Campuchia khét tiếng vừa cũng chẳng kém vùng U Minh “muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội như bánh canh”, vừa chiến tranh khốc liệt. Các thầy cô về trường hầu hết đều mới ra trường, còn rất trẻ, vừa hừng hực lửa nhiệt tình cống hiến, vừa coi đây là nơi mình khai nghiệp. Chỉ có một số ít là “xe chạy hết lề mới về Đồng Tháp”, do bị phân công mà phải chấp hành nhận sự vụ lệnh, còn hầu hết là những thầy cô có tâm, nặng lòng với nghề. Lẽ tất nhiên, tất cả họ đều là những người dũng cảm (cho dù có người bị ép phải dũng cảm). Trong khi đó, bọn trẻ chúng tôi hầu như bị cô lập, cách ly trong cái chu vi tỉnh lẻ này, chỉ có thể giao tiếp với bên ngoài – nhất là với đô thành – thông qua các sứ giả là quý thầy cô của mình. Các thầy cô mới ra trường hay mới năm nhứt, năm hai đại học được nhận dạy giờ, tuổi tác chỉ nhỉnh hơn bọn học trò miền quê một chút, nên dễ hòa đồng với nhau trong tình anh chị em. Còn các thầy cô lớn tuổi hơn thì coi bọn học trò như con cháu trong nhà, và cũng được chúng tôi coi như cha mẹ thứ hai của mình. Các thầy cô thương lũ học trò tỉnh lẻ thiếu thốn mọi thứ từ vật chất tới tinh thần. Bọn trẻ miền quê cảm nhận được tấm lòng của những thầy cô chẳng quản ngại gian khó, hiểm nguy về dạy mình nên người. Mà những ai từng sống cận kề cái chết, luôn bị Thần Chết giơ lưỡi hái rình rập ngày đêm mới thấy hết cái giá trị của cuộc sống và tình cảm giữa nhau. Hồi đó, buổi sáng ra quán cà phê hay tới lớp còn thấy nhau là biết mình vừa sống được thêm một đêm. Hỏi làm sao mà không thương yêu nhau mút mùa Lệ Thủy cho đặng!  Và với chúng tôi, đó là quãng thời gian đẹp nhất trong cuộc đời mỗi người.

Một thời gian sau biến cố 1975, khi mọi chuyện tương đối đâu vào đó, thầy trò chúng tôi bắt đầu tìm kiếm nhau. Lẻ tẻ có những cá nhân hay những nhóm bạn đã kết nối lại được với nhau. Nhưng mãi tới từ sau Tết 2010, chúng tôi mới thật sự sum họp với nhau ở quy mô cả trường. Nghĩa là sau hơn 35 năm cách biệt, thầy trò chúng tôi mới tìm lại được nhau và lại sum họp cùng nhau khi thầy trò “tóc bạc như nhau”. Ngay chính tôi trước đó cũng đinh ninh trong lòng rằng kiếp này coi như không còn gặp được thầy cô và bạn học của mình. Như một phép lạ nhiệm mầu. Từ đó tới nay, càng ngày thầy trò chúng tôi càng kết nối được nhiều thành viên cũ hơn.

Bây giờ, ở bên kia con dốc cuộc đời, thầy trò chúng tôi có thể xúm xít bên nhau, chia vui sẻ buồn với nhau, giúp đỡ nhau tinh thần và vật chất khi gặp khó khăn hay tai ương. Tất nhiên, ngoài chính danh ông nội, bà ngoại, ai giờ cũng trở thành những “ông tám”, “bà tám”, thường xuyên rủ rỉ, hủ hỉ với nhau qua điện thoại, trên Internet. Điều khoái nhất là ai cũng vui và cũng trẻ khỏe hẳn ra. Cũng dễ hiểu vì họ hết còn đeo nặng cái cảm giác cô đơn và được trở về với những kỷ niệm và những con người thật của thời trẻ trung, hoa mộng. Chúng tôi có một thầy hiệu trưởng trước kia sống lặng lẽ, thu mình trong tổ, ngày nào cũng phải cầu viện tới thuốc với tình trạng sức khỏe mà phu nhân thầy nói rằng gia đình luôn “sẵn sàng”. Nhưng sau khi gặp lại được đồng nghiệp, học trò xưa, thầy lập tức học xài máy tính, tạo e-mail rồi sau đó chẳng cần tới viên thuốc nào mà vẫn khỏe khoắn, yêu đời, họp mặt xa mấy cũng đi được.

Chúng tôi luôn thể hiện đạo lý “tôn sư trọng đạo” và “đồng môn như huynh đệ”. Ở tuổi “tri thiên mệnh” trở lên này, trải qua bao dâu biển cuộc đời, chúng tôi hiểu thấu những đạo lý này, và thực hành chúng bằng cả tấm lòng không hề là lời nói suông. Tôi thường tâm sự: “Nếu không được thầy cô ngày xưa hết lòng dạy dỗ làm sao chúng em được như ngày nay. Công bằng mà nói, nếu ngày xưa thầy cô sống và dạy chẳng ra gì, liệu học trò có còn kính trọng, đau đáu nhớ thương tới tận ngày nay.” Làm sao mà không xúc động cho được khi bây giờ mỗi lần gặp lại thầy cô mình, có những bạn học sinh tóc đã bạc, là ông nội bà cố hay ông này bà nọ mà vẫn khép nép, đứng khoanh tay một tiếng dạ một lời thưa.

Chúng tôi hiểu là mình may mắn có được những thầy cô và đồng môn như vậy. Nhưng tất cả không phải là từ trên trời rơi xuống. Thầy trò chúng tôi là những sản phẩm của một cỗ máy giáo dục chạy trên 3 nền tảng “nhân bản, dân tộc và khai phóng”. Ngay từ khi bước chân vào cổng trường tiểu học từ lớp Năm (nay là lớp 1), chúng tôi đã in sâu vào tâm trí nguyên tắc “tiên học lễ, hậu học văn”. Học trò được dạy để “làm người” trước tiên rồi mới tới học để “thành người”. Tôi vẫn còn nhớ như in những bài học lớp đầu đời đã dạy tôi phải biết kính trên nhường dưới, yêu thương mọi người, cụ thể là ra đường phải biết nhường bước cho những người lớn tuổi hay nhỏ tuổi hơn mình, thấy xe tang chạy qua phải dừng lại lột nón đứng nghiêm cúi chào, đang đi mà nghe tiếng quốc thiều, quốc ca ở đâu đó đang chào cờ thì phải đứng nghiêm chào,… Thầy cô kiên trì dạy chúng tôi những bài học về đạo lý làm người và tình yêu con người sau đó mới cầm tay dạy chúng tôi nắn nót từng nét chữ một. Quả thật, tri thức được trao vào tay một người có lòng nhân và có tâm thì sẽ cứu nhân độ thế, còn nếu lọt vào tay một kẻ ác và vô lương tâm sẽ giết người hại đời. Mà từ ngàn xưa, người ta đã thừa nhận ” nhân chi sơ, tính bản thiện”, con người vốn có bản tính là thiện, nếu có ai trở thành ác thì phải coi lại cách dạy người.

Chủ nhật vừa rồi, tôi đã được sống lại không khí của thời thơ ấu ngay dưới mái trường xưa và giữa những thầy cô và đồng môn của mình. Hạnh phúc trên cả tuyệt vời. Và gọi là để báo đáp công ơn thầy cô và tình nghĩa đồng môn, tôi đã ráng gồng mình mà góp chút sức đã muốn mòn mỏi của mình. Bạn sẽ thấy lúc tôi cầm micro làm MC, khi hai tay hai máy không quay video thì chụp ảnh. Đơn giản vì tôi cũng như rất nhiều bạn bè khác của mình luôn sướng vô cùng khi được phục vụ thầy cô và các bạn đồng môn chung một mái trường.

Ai cũng hẹn gặp lại nhau lần tới. Nhưng tôi biết là ai cũng hiểu rằng “que sera sera” chẳng biết ngày mai sẽ ra sao, ở độ tuổi “sáu bó” trở lên này, hễ còn được trời cho gặp nhau lần nào là phải tận hưởng ngày đó.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 1-3-2014)

Ảnh của: thầy Nguyễn Văn Hòa, anh Trần Ngọc bách và anh Nguyễn Văn Dũng.

140223-thkt-hopmat-kientuong-phphuoc-240_resize

PHP và đại sư huynh tiền bối Nguyễn Trừng, người vào học tại THKT trước PHP 10 năm.

140223-thkt-hopmat-kientuong-phphuoc-241_resize

PHP và đại sư huynh tiền bối Hồ Văn, người vào học tại THKT năm 1959, khi PHP mới 2 tuổi.

140223-thkt-hopmat-ky-nvdung-038

140223-thkt-hopmat-ky-nvdung-072

140223-thkt-hopmat-ky-nvdung-097

140223-thkt-hopmat-ky-nvdung-116

140223-thkt-hopmat-ky-nvdung-118

140223-thkt-hopmat-ky-nvdung-127

140223-thkt-hopmat-ky-nvdung-134

 

PHP với thầy cô Lê Công Phúc (Bình Dương).

140223-thkt-hopmat-ky-nvdung-137

PHP và sư huynh Nguyễn Thanh Liêm học trên 2 lớp.

140223-thkt-hopmat-ky-nvdung-154

 

PHP và đồng môn lớp dưới Trần Văn Hải.

140223-thkt-hopmat-ky-nvdung-158

 

PHP với thầy Tiêu Ngọc Sơn (đang sống tại Trà Vinh).

140223-thkt-hopmat-tnbach-01

140223-thkt-hopmat-tnbach-02

PHP và đại sư huynh tiền bối Hồ Văn, người vào học tại THKT năm 1959, khi PHP mới 2 tuổi.

 

 + Nếu có quởn, kính mời bạn cùng dự họp mặt với thầy trò chúng tôi tại: http://www.youtube.com/watch?v=Pln-1X6dwtc&feature=youtu.be