Thứ Ba ngày 10 tháng 12 năm 2024

Theo dòng di động: Vì sao Android là số 1?

 

Vì sao Android là số 1?

OLYMPUS DIGITAL CAMERA

 

Theo số liệu do hãng nghiên cứu thị trường IDC đưa ra, dựa vào số lượng smartphone được xuất xưởng trên toàn cầu trong năm 2013, Top 3 nền tảng di động thế giới lần lượt là Android, iOS và Windows Phone.

Cụ thể, thị phần của Android là 78,6%; iOS chiếm 15,2%; Windows Phone 3,3%; và BlackBerry 1,9%.

Vì sao Android vẫn là số 1 trên thị trường di động? Nguyên nhân chính là tính phong phú, dễ kiếm và dễ xài của các ứng dụng, cũng như sự phổ cập của các thiết bị chạy nền tảng này.

Google Play dành cho thiết bị Android là chợ phần mềm ứng dụng di động lớn nhất thế giới. Vào thời điểm tháng 7-2013, cửa hàng trực tuyến này có hơn 1 triệu ứng dụng và hơn 50 tỷ lượt download.

Tuy cũng không thua kém bao nhiêu về số lượng (vào thời điểm tháng 10-2013 có 1 triệu ứng dụng, trong đó có 475.000 ứng dụng dành riêng cho iPad), App Store dành cho thiết bị iOS chỉ giới hạn cho các thiết bị của hãng Apple và không có nhiều ứng dụng miễn phí như của hệ Android.

Tất nhiên xét về số lượng thiết bị đang sử dụng, dù cho có chạy hết mã lực, iOS cũng không thể theo kịp Android. Có nhiều nguyên nhân, như thiết bị iOS chỉ mình ên Apple sản xuất, số chủng loại thiết bị chỉ nằm trên đầu ngón tay mỗi năm mới có một hay hai phiên bản mới, thiết bị chỉ ở phân khúc high-end đắt tiền, phần lớn ứng dụng – nhất là những ứng dụng cần thiết và xài được – thuộc loại phải trả tiền,…

Trong khi đó, Android là hệ điều hành mã nguồn mở, cho phép nhà nhà sản xuất ra hằng hà sa số thiết bị chạy nó. Chủng loại thiết bị lại bao trùm khắp thị trường từ bình dân tới thượng lưu, quý tộc. Phần lớn ứng dụng thuộc dạng tình thương mến thương,…

Tuy được xếp thứ ba, ngay sau iOS, nhưng Windows Phone mới chỉ đạt được mức thị phần cách xa vời vợi (3,3% so với 15,2% của iOS). Cho dù số lượng thiết bị xuất xưởng trong quý 4-2014 của nền tảng này đạt mức tăng cao nhất (46,7% so với cùng kỳ năm trước), trong khi iOS chỉ tăng 6,7%, nhưng thực tế có số lượng không nhiều. Windows Phone cũng có một số nhược điểm giống iOS, tuy có nhẹ hơn chút đỉnh. Một phần do sinh sau đẻ muộn, tới tháng 12-2013, cửa hàng Windows Store cho các thiết bị Windows Phone, Windows 8 và Windows 8.1 chỉ có khoảng 142.000 ứng dụng. Đa phần chúng lại thuộc loại có phí sử dụng. Windows Phone là một hệ điều hành đóng và chỉ có một số ít nhà sản xuất đã có vài ba mẫu thiết bị chạy nó. Nếu như Microsoft không mua lại được ngành điện thoại của hãng Nokia để phát triển thương hiệu Lumia, hệ Windows Phone ắt vẫn tiếp tục èo uột. Đây là hệ điều hành di động chỉ dành cho những ai có chút hiểu biết về công nghệ; và khi được kết hợp với Nokia, nó sẽ lấy lòng được những ai mê chụp ảnh chất lượng cao bằng di động. Sẵn đây cũng xin nói rõ rằng, những ai mua thiết bị Windows Phone với ý định cho nó dễ đồng bộ với máy tính chạy Windows ắt sẽ thất vọng, vì đây là hai hệ điều hành hoàn toàn khác nhau và chớ hề tương thích với nhau (chỉ giống nhau ở cái tên Windows và cùng do Microsoft phát triển).

Theo nhận định của tôi, chắc chắn bảng thứ hạng di động này sẽ vẫn được giữ nguyên trong những năm tới. Do đặc thù của mình, iOS sẽ không thể cạnh tranh được với Android nhưng có thể bị thách thức bởi Windows Phone.

 

Hàng dưới 200 USD là “thiên hạ đệ nhất vô địch”

 

Giới quan sát thị trường cho biết nhiều thị trường di động trên thế giới đang có xu hướng bão hòa và ngày càng nhiều người dùng tìm mua điện thoại dưới 200 USD phù hợp với hầu bao của mình trong tình hình kinh tế còn khó khăn.

Có một tình cảnh tưởng như nghịch lý: trong khi các hãng điện thoại tập trung chi tiền quảng cáo cho các mẫu high-end có giá trên trời, người tiêu dùng lại kéo nhau đi mua điện thoại có giá phải chăng dưới đất.

Cũng theo số liệu vừa được hãng IDC công bố, trong năm 2013, phân khúc thị trường điện thoại có giá dưới 200 USD bùng nổ với tăng trưởng tới 42,6%. Các mẫu điện thoại này chiếm đại đa số trong gần 1 tỷ thiết bị di động được xuất xưởng trong năm 2013. Đây là mảnh đất của hệ điều hành Android. Trong số gần 800 triệu chiếc smartphone chạy Android được xuất xưởng, có khoảng 430 triệu chiếc thuộc phân khúc thị trường đại trà. Android dẫn đầu thị trường smartphone dưới 200 USD với 39,5% thị phần.

 

Có phải điện thoại tương lai là loại màn hình cong?

 

curved-phones

 

Cuộc chạy đua điện thoại màn hình cong (curved display) hiện chỉ mới diễn ra giữa hai đối thủ xứ Hàn Quốc là Samsung và LG.

Samsung trở thành nhà sản xuất đầu tiên trên thế giới đưa ra smartphone cong với mẫu Galaxy Round có màn hình AMOLED 5,7 inch Full HD 1080. Nó được tung ra đầu tiên ở thị trường Hàn Quốc qua nhà mạng SK Telecom. Dân chơi Mỹ muốn mua phải cà thẻ tới 1.130 USD.

Nối tiếp là LG với chiếc G Flex màn hình 6 inch HD 720. Nó cũng được phát hành đầu tiên ở Hàn Quốc. Từ ngày 24-1-2014, G Flex bắt đầu được phân phối ở Mỹ qua nhà mạng AT&T với giá 299,99 USD theo hợp đồng thuê bao 2 năm.

Tuy cũng là màn hình cong, nhưng cả 2 thiết bị này lại có kiểu cong khác nhau. Galaxy Round cong theo chiều ngang, còn G Flex cong ở chiều rộng. Cong theo chiều ngang thì tiện cho gọi điện, còn cong theo chiều dọc thì hợp với xem phim.

Cũng có tin đồn rằng Apple đang nghiên cứu về dòng iPhone mới có màn hình cong.

Một số người phê bình rằng điện thoại màn hình cong là ý tưởng “đồng bóng”. Nhưng những người ủng hộ lại cho đó là một sáng tạo thú vị. Thậm chí tạp chí kinh doanh Mỹ Forbes còn viết cả một bài phân tích vì sao điện thoại màn hình cong không phải là một ý tường điên rồ (crazy idea).

Tôi thì cho rằng cái vụ màn hình điện thoại cong vào thời điểm hiện nay chỉ mang tính quảng cáo, làm thương hiệu là chính. Thực tế không chỉ đắt mà nó còn gây khá là bất tiện cho người dùng khi phải nhét túi mang theo người. Bạn thử hình dung mình diện cái quần jean mà nhét thêm cái alo cong vòng thì sẽ thấy nó dị tới chừng nào. Nhưng mà có lẽ tôi có thể nghĩ lại nếu tôi đủ giàu để sắm xe hơi và mặc đồ vest đi làm thuê!

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 28-2-2014)

 

+ Có thể đọc bản in trên tạp chí e-CHIP M! 26-2-2014.