Chủ nhật ngày 22 tháng 12 năm 2024

Chuyến bay MH370 bí ẩn: giải mã Ấn Độ Dương

140308-mh370-flight-path

 

Ngay sau khi có lời đề nghị chính thức của Malaysia và kết hợp với những thông tin và nghi vấn mới cho rằng chuyến bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines với 239 người trên khoang sáng sớm 8-3-2014 đã thay đổi đường bay sau khi biến mất trên màn hình radar và bặt liên lạc với các đài kiểm soát không lưu, Ấn Độ đã chính thức huy động lực lượng không quân và hải quân hùng hậu để lùng sục chiếc Boeing 777-200ER này ở vùng Biển Andaman và Vịnh Bengal thuộc Ấn Độ Dương.

Trong số 14 nước tham gia tìm kiếm cho tới nay, có lẽ Mỹ và Ấn Độ là hai nước đã sử dụng công nghệ hiện đại nhất và tiến hành một cách bài bản nhất.

Ngày 15-3, ngày thứ ba của cuộc tìm kiếm của Ấn Độ, hàng chục tàu chiến, tàu tuàn tra, máy bay trinh sát và trực thăng đã tiếp tục càn quét Biển Andaman. Nhưng V.S.R. Murthy, một quan chức lực lượng bảo vệ duyên hải Ấn Độ, cho biết: “chúng tôi vẫn không tìm được cái gì”.

Theo thông cáo của Bộ Quốc phòng Ấn Độ ngày 15-3: Cuộc tìm kiếm của hải quân phối hợp với máy bay và trực thăng cho tới nay đã bao phủ khu vực hơn 250.000km vuông (100.578 dặm vuông) ở Biển Andaman và Vịnh Bengal “mà không nhìn thấy hay dò tìm được gì”. Phạm vi tìm kiếm đã được mở rộng ra tới khu vực trung và đông của Vịnh Bengal.

Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết hôm 15-3, họ đã tung ra những con át chủ bài chuyên tìm kiếm tầm xa. Hai chiếc máy bay chuyên dụng trinh sát đường biển tầm xa P8i và một chiếc C 130J Hercules đã được phái tới khu vực này. Máy bay trinh sát tầm gần Dornier cũng đã được huy động.

Ngày hôm trước, tức 14-3, Ấn Độ đã dùng thiết bị cảm biến nhiệt gắn trên máy bay để quét trên hàng trăm đảo không người ở trong vùng Biển Andaman, kéo dài tới phía nam Myanmar, trong một khu vực dài 720km (447 dặm) và rộng 52km (32 dặm). Chỉ có 37 hòn đảo trong tổng số 572 đảo ở vùng biển này là có người ở. Số đảo hoang bị rừng dày bao phủ. Trong nhóm quần đảo này có 4 sân bay, nhưng chỉ có sân bay chính ở đảo Port Blair là đủ điều kiện để máy bay phản lực thương mại lớn đáp xuống.

Mahbubul Haque Shakil, sĩ quan phụ tá của Thủ tướng Bangladesh, cho biết nước này cũng đã điều 2 máy bay tuần tra và 2 tàu khu trục nhỏ tham gia tìm kiếm ở Vịnh Bengal.

Khu trục hạm USS Kidd của Mỹ chở theo những chiếc trực thăng Sea Hawk chuyên hoạt động trên biển từ ngày 14-3 đã có mặt tại khu vực tây-bắc của Eo biển Malacca để giúp tìm kiếm ở vùng biển này. Hãng tin Mỹ AP sáng 16-3 dẫn một thông cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết Mỹ đã đưa một chiếc máy bay P-8A Poseidon, loại máy bay săn tàu ngầm tầm xa hiện đại nhất thế giới, tới tham gia cuộc tìm kiếm ở vùng Ấn Độ Dương.

Cho tới nay có 14 nước với 43 tàu và 58 máy bay đã tham gia cuộc tổng tìm kiếm chiếc máy bay MH370 đang bị mất tích.

Ngày 15-3, Thủ tướng Najib Razak của Malaysia trong lần xuất hiện đầu tiên tại một cuộc họp báo quốc tế về cuộc tìm kiếm chuyến bay MH370 đã đọc một bài phát biểu viết sẵn, trong đó tuyên bố chính thức ngừng tìm kiếm ở khu vực Biển Đông. Ông cho biết: Cơ quan hàng không dân dụng Malaysia và các chuyên gia hàng không quốc tế có thể khẳng định rằng hai hành lang mà chiếc MH370 có thể bay tiếp sau khi biến mất trên radar dân sự và các hệ thống liên lạc là hành lang phía bắc kéo dài từ miền bắc Thái Lan đến biên giới Kazakhstan và Turkmenistan, và hành lang phía nam kéo dài từ Indonesia đến nam Ấn Độ Dương. Các dữ liệu vệ tinh cho biết MH370 đã ở ngay giữa 2 hành lang này trong lần liên lạc cuối cùng.

Trong khi đó, các nhà điều tra xác định máy bay đã đi qua các điểm dẫn đường hàng không Igari, Vampi, Gival, Igrex, theo đường P628 đi qua quần đảo Andaman ở Ấn Độ Dương. Như vậy có thể khẳng định MH370 đã đi về phía Ấn Độ Dương, như phía Mỹ trước nay phân tích dựa trên các chứng cứ thu thập được.

Và điều Kuala Lumpur đã làm cho cả thế giới, đặc biệt là gia đình các nạn nhân và các nước hỗm rày hì hục tham gia lùng sục muốn nát cả Biển Đông, khó mà không “khó chịu” là ngay từ rất sớm, nhà chức trách của họ đã biết được thông tin chuyến bay MH370 đã chuyển hướng vẫn còn bay nhiều giờ nữa sau khi bị coi là mất tích. Phía Malaysia đã ra sức phân bua rằng cần phải mất thời gian cho các chuyên gia phân tích dữ liệu vệ tinh. Phải chăng điều này giải đáp “thắc mắc biết hỏi ai” là vì sao lâu nay giới chức trách chính của Malaysia lại có vẻ không mặn mà với chuyện tìm kiếm ở khu vực Biển Đông, mà chỉ ư hử, té nước theo mưa để cho các nước khác dốc sức tham gia “diễn tập” tìm kiếm nhưng không cứu hộ (vì có gì mà cứu).

Thật ra chẳng ai ngây thơ tới mức không hiểu rằng nếu như MH370 vẫn còn ở trên trời, cho dù có tắt hết mọi tín hiệu liên lạc, nó vẫn không thể thoát khỏi hệ thống radar quân sự. Nếu hệ thống radar phòng thủ của Malaysia và các nước mà máy bay này bay qua không hề phát hiện được nó thì thiệt là một thảm họa cho an ninh chủ quyền nước đó.

Thôi thì, chuyện đó hạ hồi phân giải, quân tử 3 năm tính sổ chưa bị expired, bây giờ dầu sôi lửa bỏng vẫn là cùng giúp nhau tìm ra tung tích chuyến bay MH370 càng sớm càng tốt. Tuy thù ghét khủng bố và không tặc, nhưng hầu như ai cũng cầu mong cho chiếc máy bay xui xẻo này bị chúng bắt cóc và bắt giữ con tin chớ đừng có bị rơi ở đâu đó. Mạng người là quý hơn tất cả.

Riêng phần mình, từ thực tế của chuyến bay bí ẩn MH370 này, tôi như thoát ra được một nỗi ám ảnh bao năm nay luôn đè nặng trên mình. Xưa nay tôi nghe người ta hù dọa rằng hệ thống giám sát vệ tinh như mắt thần suốt ngày đêm dòm ngó cả hành tinh tới từng chi tiết nhỏ xíu, con muỗi bay ngoài trời cũng có thể bị chúng phân biệt được con nào đực, con nào cái, con nào pêđê, huống chi việc đi chơi với người yêu này sao thoát khỏi bị những người yêu khác phát hiện. Hóa ra lâu nay tôi bị thần hồn nát thần tính, sợ hảo! Sở dĩ tôi phải dùng tới “dụ ngôn” này trong cái tình cảnh nhạy cảm này là để tự giải thích thắc mắc thầm kín trong lòng mình khi chứng kiến cảnh nhà chức trách bất lực trước sự biến  mất của một chiếc Boeing 777-200ER to đùng. Liệu có gì khuất tất phía sau câu chuyện này? Tôi vẫn không trả lời được điều đó, chỉ biết rằng từ nay mình cứ an tâm mà… nhong nhong!

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 16-3-2014)

140315-mh370-beijing-family

Một người mẹ Trung Quốc có con trai trên chuyến bay MH370 đang ngóng chờ tin con tại Bắc Kinh ngày 15-3-2014. (Nguồn ảnh: Internet. Thanks.)

140313-mh370-malaysia-ariforce-malacca

Bên trong một chiếc máy bay của Không quân Malaysia tìm kiếm ở Vịnh Malacca ngày 12-3-2014. (Nguồn ảnh: Internet. Thanks.)

140312-sepang-journalists

Các nhà báo quốc tế có mặt ở Malaysia luôn có quá nhiều câu hỏi và quá nhiều sự không thỏa mãn với những câu trả lời từ phía chủ nhà. (Nguồn ảnh: Internet. Thanks.)

140308-mh370-flight-path-2

Trong vòng tròn là khu vực máy bay có thể bay trong 4 giờ và tới khi cạn nhiên liệu. (Nguồn ảnh: Internet. Thanks.)

140308-mh370-flight-path

Bản đồ cho thấy tín hiệu máy bay MH370 đã được ghi nhận ở các điểm kiểm tra trên đường ra Ấn Độ Dương. (Nguồn ảnh: Internet. Thanks.)