Thứ Tư ngày 22 tháng 1 năm 2025

Tản mạn đôi điều về thảm kịch con phà Hàn Quốc

140416-skorea-sunken ferry-02

 

CẬP NHẬT 21-4-2014: Sau khi người nhái đã bắt đầu vào được bên trong chiếc phà chìm dưới biển từ chiều thứ Bảy 19-4-2014, số người chết vì tai nạn đắm phà Sewol của Hàn Quốc liên tục tăng lên do tìm được thi thể các nạn nhân bên trong. Cũng vào thời điểm đó, gần 4 ngày sau khi phà chìm, người ta không còn hy vọng tìm được nạn nhân sống sót (ai còn sống quả là phép lạ). Tính tới sáng 21-4-2014, theo hãng tin Anh Reuters, số người chết đã được xác nhận là 58 (có 25 thi thể được tìm thấy trong ngày 20-4). Số nạn nhân còn mất tích là 244 người. Kênh truyền hình Mỹ CNN dẫn nguồn tin từ lực lượng Tuần duyên Hàn Quốc sáng 21-4 cho biết có 64 người chết và 238 người còn mất tích.

 

Hôm rồi gặp nhau ở Đà Nẵng trong sự kiện Samsung Vina ra mắt trên thị trường Việt Nam chiếc TV cực nét màn hình cong Curved Ultra HD TV đầu tiên trên thế giới, anh Nguyễn Văn Đạo, Phó tổng giám đốc Samsung Vina, hỏi tôi sao chưa thấy tôi viết gì về thảm kịch chìm phà Sewol ở Hàn Quốc. Chuyện lạ vì tôi xưa nay vốn mau tay, lẹ chân đối với những chuyện ở xứ người năm châu bốn biển.

Thiệt ra, là một người viết báo, lại có máu tò mò (nhưng chớ hề tọc mạch), tôi đã theo dõi sự việc này ngay từ đầu. Nhưng tôi không thể gõ một chữ nào, vì mình không thể kiểm soát được cảm xúc của mình. Cứ chạm tay vào bàn phím là trong đầu tôi lại hiện ra hình ảnh hàng trăm em học sinh đang hoảng loạn tuyệt vọng bên trong con phà khổng lồ giữa biển khơi. Thú thiệt là tôi không dám đọc những tin nhắn mà các em gửi cho cha mẹ mình khi biết là các em sắp vĩnh viễn không còn được gặp lại họ trên cõi đời.

Tôi cũng là một người có con, có cháu nên thấu hiểu nỗi lòng “chết được sướng hơn” của các phụ huynh có con cháu đang bị kẹt trong con phà. Tôi cũng hiểu được nỗi đau bất lực của các nhân viên cứu hộ khi đã chạm tay vào thân phà mà không thể nào lọt vào được bên trong. Cho dù người Hàn Quốc xưa nay bị coi là “lạnh lùng, dễ nổi giận và không ngại thượng cẳng tay, hạ cẳng chân”, nhưng đó thật ra chỉ là tính khí và bề ngoài, con tim của họ mềm yếu tới mức luôn làm rơi lệ biết bao khán giả trên thế giới khi xem những bộ phim xứ Kim chi. Nhìn hình ảnh những người nhái mặc trang phục chuyên dụng ngồi bó chân trên những chiếc thuyền cao su đậu ngay bên cạnh con phà đã bị lật úp, tôi có thể hiểu cảm giác của họ khi phải ở bên ngoài trong lúc ở bên trong kia là hàng trăm sinh mạng đang vùng vẫy tìm cách để được sống. Hàn Quốc là một nước giàu và công nghệ tiên tiến ở châu Á mà sao cũng đành loay hoay như gà mắc tóc thế kia. Đành rằng có những tình huống nằm ngoài khả năng của con người, nhưng….

Cảnh sát đã bắt giữ tay thuyền trưởng của phà Sewol là Lee Joon-seok, 68 tuổi, với tội danh thiếu tinh thần trách nhiệm và bỏ roi người khác trong khi họ cần đến. Nữ thuyền phó ba (third mate) 26 tuổi họ Park cũng bị bắt và công tố viên cho biết chị đang trực trên đài chỉ huy chiếc phà khi nó lâm nạn. Trong lúc bối rối và có quá nhiều bức xúc, người ta đặt câu hỏi vì sao lại để cho người nữ thuyền phó này cầm lái ở một vùng biển khắc nghiệt, có các dòng hải lưu chảy rất mạnh, được nói là hoàn toàn xa lạ với chị. Park đi tuyến Incheon – Jeju đưọc 6 tháng qua và đây là lần đầu tiên chị chỉ huy ở đoạn này. Thuyền trưởng Lee phân bua là ông đang từ cabin trở lại đài chỉ huy thì tai nạn xảy ra.

Viện công tố có 10 ngày để quyết định xem có buộc tội những người này không. Nếu cần thời gian, họ có thể xin tòa cho thêm 10 ngày nữa.

Thuyền trưởng Lee hôm 19-4 khi rời tòa án để vào nhà giam nói với báo giới rằng: “Tôi xin lỗi người dân Hàn Quốc vì đã gây ra một vụ việc náo động và tôi dập đầu xin lỗi gia đình các nạn nhân.” Nhưng ông này vẫn biện hộ cho quyết định của mình là ra lệnh cho mọi hành khách ở nguyên tại chỗ trong khi phà đang chìm và mãi tới 30 phút sau mới ra lệnh sơ tán thì mọi chuyện đã quá muộn màng. Ông này kể: “Váo lúc đó, hải lưu chảy rất mạnh, nhiệt độ biển lạnh giá, và tôi đã nghĩ rằng nếu người ta rời khỏi phà mà không được suy xét thích đáng, nếu họ không mặc áo phao cứu sinh, và ngày cho dù họ có mặc đi nữa, họ cũng sẽ bị cuốn đi và đương đầu với nhiều khó khăn khác. Lúc đó tàu cứu hộ chưa tới và không có bất cứ tàu đánh cá hay tàu thuyền nào ở gần.” Nhưng thôi, thực hư ra sao và pháp luật phán xét thế nào là chuyện hạ hồi phân giải.

Ngay bây giờ, mọi người đều đã biết thuyền trưởng Lee là người bỏ chiếc phà của mình xuống con thuyền cứu sinh đầu tiên trong khi hàng trăm hành khách đang kẹt lại bên trong. Trong những lúc như thế này, sự có mặt của thuyền trưởng – người chỉ huy cao nhất có kinh nghiệm nhất và có toàn quyền quyết định trên một con tàu – là cần thiết hơn bao giờ hết. Không phải là mù quáng và cực đoan khi truyền thống hàng hải thế giới buộc thuyền trưởng phải là người cuối cùng rời tàu, nếu không chết theo con tàu. Dù có lý do gì để biện hộ, với hành động “bỏ của chạy lấy người” này, ông Lee ắt bị người đời gán cho hàng loạt tội: nhẫn tâm, hèn nhát, vô trách nhiệm,…

Bản sao một cuộc trao đổi qua điện thoại giữa phà và bờ, cũng như điều tra của hãng tin Mỹ AP, cho thấy thuyền trưởng Lee đã trì hoãn việc sơ tán tới 30 phút sau khi được lệnh rời bỏ phà. Vào lúc 9g sáng, tức chỉ 5 phút sau khi nhận được tin cấp báo từ phà Sewol, một quan chức tại Trung tâm Dịch vụ Hàng hải Jeju ra lệnh cho phà cho mọi người mặc áo cứu sinh và sẵn sàng sơ tán. Có ai đó trên phà trả lời rằng: “Mọi người khó di chuyển lắm.”

sewol-ferry

Phà Sewol thuộc công ty hàng hải Chunghaejin được đóng ở Nhật Bản vào năm 1994, dài 146 mét, tải trọng 6.825 tấn, có sức chở 921 người, 180 chiếc xe hơi và 152 container. Trong chuyến hải hành định mệnh tối thứ Ba từ cảng Incheon tới đảo du lịch Jeju dài 400km (300 mile), nó chở tổng cộng 476 người, trong đó có 339 học sinh của trường trung học Kang’s Danwon đang đi dã ngoại trên đảo Jeju. Trường này ở thành phố Ansan, ngay bên cạnh thủ đô Seoul. Tới 9g sáng thứ Tư 16-4, khi gần tới đảo Jeju, phà phát tín hiệu cấp cứu. Phà lật quá nhanh. Chỉ 30 phút sau, khi tàu và trực thăng cứu hộ tới nơi, phà đã nghiêng 60 độ về bên trái. 9g45ph, trực thăng cứu hộ đợt đầu tiên. Từ 10g tới 10g23ph, phà đã gần lật úp. Và tới 10g23ph, tàu hoàn toàn lật úp, giơ đáy phà lên trời. Tàu chìm quá nhanh, với vị thế lái tàu cắm xuống đáy biển hất ngược phần mũi lên trên. Tới 2g chiều, phà chỉ còn ló phần chỏm mũi tàu lên lên mặt biển, rồi hoàn toàn nằm sâu dưới biển. Cuối cùng người ta phải dùng những chiếc phao nổi đánh dấu vị trí phà chìm và cho quây lưới chung quanh để đề phòng các nạn nhân bị trôi giạt ra xa.

Cho tới sáng Chủ nhật 20-4-2014, có 49 người đã được tìm thấy xác và 253 người còn mất tích. Trên con phà 476 người chỉ có 174 người được cứu sống tính tới nay.

Ngày 18-4, người ta tìm thấy thi thể hiệu phó Kang Min-Kyu của trường trung học treo cổ trên cây. Có lẽ ông cảm thấy mình có tội khi được cứu sống trong khi hàng trăm học sinh và giáo viên của mình chết và mất tích. Lá thư tuyệt mạng tìm được trong túi ông viết: “Sống sót một mình là quá đau lòng trong khi 200 người khác vẫn còn mất tích. Tôi nhận lãnh toàn bộ trách nhiệm. Chính tôi đã thúc đẩy tổ chức chuyến đi này. Tôi sẽ lại trở thành một thầy giáo ở kiếp sau cho các học sinh của tôi – những người không tìm được thi thể.”

Phải tới chiều ngày 19-4, tức hơn 3 ngày sau khi phà chìm, người nhái mới phá được cửa sổ phà để lọt vào bên trong bắt đầu tìm kiếm và đưa các thi thể nạn nhân ra. Tới sáng 20-4, hơn 500 người nhái đã lọt được vào bên trong phà. Họ phải vất vả chống lại dòng nước chảy rất mạnh và điều kiện tối mịt.

Không là người trong cuộc và không có mặt tại chỗ nên người ta khó đánh giá thực tế công việc cứu hộ con phà Sewol. Còn nếu theo lẽ thường tình, người ta dễ nóng ruột và phát quạu trước sự loay hoay (nếu không muốn dùng từ “cà rịch cà tang”) của nhà chức trách sở tại cho những gì được đọc, được nghe, được thấy trên các kênh truyền thông quốc tế. Một Malaysia với vụ chuyến bay MH370 bị mất tích bí ẩn và cách hành xử khó hiểu của nhà chức trách. Bây giờ hỗng lẽ nào lại thêm một con phà bị chìm đầy ngỡ ngàng với những diễn biến kỳ kỳ cũng của nhà chức trách. Cả hai thảm kịch trên trời, dưới biển này mỗi cái đều có trên dưới 300 sinh mạng.

Thôi thì tôi xin dừng lại ở đây kẻo lại đi lạc đề, viết những gì mình chớ hề muốn phải viết. Để gọi là vớt vát, xin trích ý kiến của nhà doanh nghiệp Lee Jong-eui có đứa cháu trai 17 tuổi Nam Hyun-chul nằm trong số 253 người còn mất tích: “Chính quyền lẽ ra phải khẩn trương lên và làm cái gì đó chứ, nhưng họ chỉ đã lãng phí 4 ngày, dẫn tới tình thế này. Tôi nghĩ đây càng giống một thảm kịch do con người gây ra.”

Chỉ cầu mong những chuyện như thế này ngày càng ít xảy ra, nhất là khi ngày càng có thêm nhiều phương tiện vận chuyển hoạt động ngược xuôi. Chưa cần nói tới điều tối cần thiết và là nền tảng là cái tâm, chỉ cần mỗi người được giao làm việc gì đó phải tập trung làm cho tới nơi tới chốn với ý thức và tinh thần trách nhiệm cao nhất có thể được. Càng đặc biệt cần thiết hơn khi công việc đó có liên quan tới sự sinh tồn, an nguy của người khác. Đành rằng do con người vốn hay quên chuyện chưa phải gây tổn hại tới mình, trời đất thỉnh thoảng lại phải nhắc nhở cho người ta “mất bò mới lo làm chuồng” – nhưng cũng xin nhắc… nhè nhẹ thôi!

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 20-4-2014)

 

Nguồn ảnh: Internet. Thanks.

140416-skorea-sunken ferry-02 South Korea Ship Sinking South Korea Ship Sinking 140416-skorea-sunken ferry-06 140416-skorea-sunken-ferry-01

140416-skorea-sunken ferry-map2 140416-skorea-sunken ferry-map

140416-skorea-sunken ferry-08

Lực lượng cứu hộ hùng hậu bất lực nhìn con phà chìm dần với khoảng 300 người bên trong.

140416-skorea-sunken ferry-07

Lực lượng cứu hộ dùng phao nổi đánh dấu vị trí phà chìm.

140419-skorea-sunken ferry-captain-01

Ảnh chụp ba người phụ trách con phà bị bắt giữ: thuyền trưởng Lee Joon-seok (thứ ba, từ trái) và nữ thuyền phó 3 (thứ hai từ phải) bị bắt giữ sáng 19-4-2014. (Ảnh: AP Photo/Yonhap).