Thứ Bảy ngày 14 tháng 12 năm 2024

CHUYẾN BAY MH370 MẤT TÍCH BÍ ẨN: Khi mình bị người ta đổ lỗi…

 malaysia-mh370-artwork-march-18-2

 

Lại thêm một chuyện kỳ cục, hiểu được chết liền về thái độ và cách hành xử của nhà chức trách Malaysia chung quanh chuyện chuyến bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines (MAS) mất tích bí ẩn sáng sớm 8-3-2014 khi trên đường từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh (Trung Quốc) với 227 hành khách và 12 nhân viên đội bay.

Phát biểu với báo giới quốc tế ngày 2-5, Cục trưởng Cục Hàng không Dân dụng Malaysia, Datuk Azharuddin Abdul Rahman cho rằng Việt Nam đã chậm trễ trong việc nhận bàn giao tín hiệu chuyến bay MH370 nên đến giờ vẫn không biết máy bay này đang ở đâu. Theo ông này, lúc 1g19ph sáng 8-3 (giờ Malaysia), trung tâm quản lý bay (ACC) Kuala Lumpur đã bàn giao tín hiệu chuyến bay MH370 cho vùng FIR TP.HCM tại điểm Igari nhưng mãi đến 1g38ph, phía Việt Nam mới thông báo không nhận được tín hiệu của chuyến bay trên màn hình radar. “Thông lệ bình thường, quá trình này chỉ mất tối đa 5 phút, đằng này lại mất đến 12 phút. Vì sao phía Việt Nam lại mất quá nhiều thời gian để thông báo không nhận được tín hiệu cho phía Malaysia?” – ông Azharuddin nói.

Ghét quá à, tôi bèn lục lại tư liệu nào có đâu xa. mới cách đây chưa tròn 2 tháng.

1. Ngay sau khi MH370 mất tích, Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam cho báo Điện tử Chính phủ biết: Chiếc máy bay dân dụng Boeing 777-200ER của hãng MAS cất cánh lúc 16g42ph (giờ GMT) ngày 7-3, tức 0g42ph (giờ Malaysia) ngày 8-3, dự kiến chuyển giao cho FIR HCM lúc 17g22ph (giờ GMT) cùng ngày. Khi máy bay mất tín hiệu kiểm soát thì chưa được chuyển giao. Trước khi vào vùng kiểm soát không lưu của Việt Nam khoảng một phút thì mất toàn bộ liên lạc, tín hiệu radar.

2. Sau đó, ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) xác nhận, chuyến bay MH307 đã mất liên lạc vào thời điểm chuyển giao giữa vùng thông báo bay (FIR) Malaysia và FIR TP.HCM. Ông nói: “Từ thời điểm cơ quan không lưu phía bạn thông báo chuyển giao cho Việt Nam, Trung tâm quản lý bay đường dài (ACC) TP.HCM đã không nhận được thông tin về chuyến bay. ACC TP.HCM cũng chưa nhận quyền kiểm soát đã thông báo ngay cho phía bạn về tình trạng này.”

Cụ thể, theo ông Thanh, hệ thống radar hàng không không bắt được tín hiệu của chuyến bay. Giờ hiệp đồng chuyển giao giữa hai bên là 16g50ph (giờ UTC/GMT) và giờ dự kiến nhận quyền kiểm soát điều hành bay của Việt Nam là 17g22ph (giờ UTC/GMT) ngày 7-3, tức 0g22ph (giờ Việt Nam) ngày 8-3. “Nhưng ngay trước thời điểm nhận quyền chuyển giao thì ta không nhận được tín hiệu tàu bay và cũng bộ phận kiểm soát không lưu cũng không thể liên lạc được với phi công nên chưa thực hiện được quyền kiểm soát với tàu bay,” ông Thanh khẳng định.

3. Trung tâm cứu hộ hàng hải Việt Nam cho biết lúc 0g20ph (giờ VN) máy bay Malaysia bị mất tín hiệu ở vị trí 6 độ 56 phút Bắc, 103 độ 35 phút Đông thuộc vùng biển cách mũi Cà Mau 120 hải lý (khoảng 230km) về phía Tây Nam.

Trao đổi với báo giới về chuyện phía Malaysia đổ lỗi cho Việt Nam chậm trễ báo tin, ngày 3-5, Cục trưởng Lại Xuân Thanh một lần nữa khẳng định: vào thời điểm phía quản lý bay Malaysia bàn giao tín hiệu chuyến bay MH370 cho Việt Nam, cả hai cơ quan quản lý bay đều không thể xác định được máy bay đã đi qua điểm Igari để vào vùng FIR HCM do Việt Nam quản lý chưa. Cơ quan quản lý bay của Việt Nam và Malaysia đều mất tín hiệu của chuyến bay này trên màn hình radar. Ngay thời điểm phía Malaysia bàn giao tín hiệu chuyến bay MH370 cho đối tác Việt Nam và tín hiệu chuyến bay biến mất trên màn hình radar có thể phi công đã chuyển hướng bay, không vào vùng FIR HCM nên không thể cho rằng Việt Nam phải có trách nhiệm với chuyến bay MH370, – ông Thánh nói.

Các giờ giấc này được nêu trong bản báo cáo chính thức đầu tiên của chính quyền Malaysia về vụ MH370 do quyền Bộ trưởng Giao thông Vận tải Hishammuddin Hussein công bố ngày 1-5-2014. Đây là báo cáo sơ bộ (preliminary report) và được đóng dấu mật do Chánh tranh tra các tai nạn hàng không của bộ thực hiện. Báo cáo dài 5 trang và chỉ có 23 đoạn này cũng đã được gửi cho Cơ quan Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) thuộc Liên Hiệp Quốc.

Dựa trên các mốc thời gian trong bản báo cáo sơ bộ này, giới truyền thông quốc tế phát hiện 2 chi tiết khó hiểu: phải mất 17 phút để các quan chức hữu trách biết máy bay đã bị biến mất khỏi các màn hình radar và mất 4 tiếng đồng hồ để nhà chức trách Malaysia chính thức bắt đầu việc cứu nạn. Cái này thì không chối cãi được, vì có chứng cứ rành rành.

Phía Malaysia đã lập tức giải thích: Chuyện mất 17 phút đó là do đài ACC HCM của Việt Nam chậm trễ thông báo việc không nhìn thấy tín hiệu MH370 trên radar. Còn lý do mất 4 tiếng kia là phải đợi cho tới khi các ACC trong khu vực báo không thể liên lạc được với MH370, Trung tâm Điều phối Cứu hộ Kuala Lumpur (KLRCC) mới được kích hoạt. Lúc đó là 5g30ph (giờ Malaysia) sáng 8-3, tức 4 tiếng đồng hồ sau khi biết MH370 gặp sự cố. Sau đó, quyền Bộ trưởng Hishammuddin cho biết phải để cho Ủy ban Điều tra Độc lập Quốc tế (International Independent Investigating Panel, IIIP) tìm hiểu lý do của khoảng trống 4 giờ này. Ủy ban này gồm các chuyên gia hàng không trên khắp thế giới do Datuk Kok Soo Chon, cựu Tổng giám đốc Cục Hàng không Dân dụng Malaysia đứng đầu. Và tiếp sau đó, tới phiên Cục Hàng không Dân dụng Malaysia nói rằng khoảng trống 17 phút kia cũng để Ủy ban IIIP quyết định.

Nếu Cục trưởng Hàng không Dân dụng Malaysia nói là do sự chậm trễ của phía Việt Nam mà họ không biết chiếc máy bay kia đi đâu thì rõ ràng ông này đọc không kỹ bản báo cáo sơ bộ của chính phủ Malaysia rồi. Trong đó ghi rõ rằng: Vào lúc 1g19ph24gi (giờ Malaysia), đài radar Lumpur của Trung tâm KLATCC hướng dẫn MH370 liên lạc với Trung tâm ATCC HCM ở tần số 120.9MHz và được đội bay đáp đã nhận: “Good night Malaysian Three Seven Zero”. Vào lúc 1g21ph04gi, MH370 vẫn xuất hiện trên radar của KLATCC khi nó bay ngang qua điểm kiểm tra Igari waypoint. 9 giây sau, cái nhãn ghi MH370 biến mất khỏi màn hình radar của KLATCC. (Đó là thời điểm lẽ ra MH370 và HCMATCC đã thiết lập xong liên lạc để máy bay chịu sự điều hành của phía Việt Nam.) Sau này, xem lại băng ghi lại của hệ thống radar quân sự Malaysia, người ta phát hiện một máy bay lạ có vẻ là MH370 vào thời điểm đó đã rẽ bay về phía Tây Malaysia, bay ngang qua Bán đảo Malaysia. MH370 đã có cuộc liên lạc bằng hệ thống thông tin tự động ACARS lần cuối lúc 1g7ph29gi, xuất hiện trên màn hình radar thứ cấp (của ngành hàng không) lần cuối lúc 1g21ph13gi, và liên lạc với vệ tinh lần cuối lúc 8g19ph (nghĩa là gần 7 tiếng sau khi biến mất khỏi màn hình radar hàng không).

Chắc chắn phía HCMATCC sẽ phải giải trình chi tiết vì sao mãi tới 1g38ph (giờ Malaysia), nghĩa là 17 phút sau thời điểm mình phải tiếp nhận MH370 mới báo cho phía Malaysia biết họ không nhìn thấy tín hiệu cũng như không thể liên lạc được với chuyến bay này. Phía Malaysia sẽ vịn cớ rằng nếu như được báo tin ngay vào lúc giao nhận là không thấy tín hiệu MH370 và không liên lạc được với chuyến bay đó, họ sẽ lập tức báo động để bắt đầu tìm kiếm, phía quân đội sẽ biết thông tin để không “bỏ qua” chiếc máy bay lạ vừa bay qua bầu trời nước mình kia. Tôi cũng không rõ là vào thời điểm 1g21ph kia, khi tên chiếc MH370 biến mất khỏi màn hình radar KLATCC, phía Malaysia đã liên lạc và được phía Việt Nam xác nhận đã nắm quyền điều khiển chuyến bay không? Sẽ là những chuyện khác nếu HCMATCC chưa xác nhận mà KLATCC đã phủi tay, hay nếu HCMATCC chưa thấy tín hiệu MH370 trên màn hình radar của mình mà đã vội xác nhận, hoặc nếu HCMATCC thấy tín hiệu rồi nhưng sau đó biến mất mà lại không cấp báo ngay,…

Cũng có cái để thắc mắc là cớ sao “chuyện động trời” như vậy mà phía Malaysia đợi tới bây giờ, sau gần 2 tháng, mới đưa ra? Phải chăng họ muốn “chia lửa” cho phía Việt Nam gánh bớt giữa lúc họ bị thân nhân các nạn nhân Trung Quốc (chiếm tới 2 phần 3 số người trên chuyến bay) chỉ trích dữ dội, đặc biệt với việc MAS kêu mọi người ai trở về nhà nấy để chờ tin, từ nay hãng không chịu tiền khách sạn tại Kuala Lumpur và Bắc Kinh cho họ ở nữa.

Thêm một điều cũng đáng để thắc mắc nữa là tuy mới công bố ngày 1-5-2014, nhưng bản báo cáo sơ bộ này đã được Chánh thanh tra các tai nạn hàng không thuộc Bộ Giao thông Vận tải Malaysia hoàn tất ngày 9-4-2014, nghĩa là gần 1 tháng trước đó. Hóa ra chỉ công bố những điều mà thiên hạ đã biết từ lâu.

Về phần mình, là những người thật lòng và hiểu phải trái, chẳng người Việt Nam nào lại dính chùm cái thái độ “trước sau không như một” và “đầy khó hiểu” của phía Malaysia với việc Việt Nam tham gia tìm cứu MH370 một cách tích cực và cực kỳ tốn kém mà mình đã làm. Cái nào ra cái nấy. Cứ liên hệ tùm lum tà la càng thêm nặng lòng dễ khiến tẩu hỏa nhập ma.

Và cũng là người cầu thị, có cái gì mần chưa ngon, chưa tốt, ta cũng mạnh dạn nhìn nhận để mà còn được miễn chấp và khắc phục. Chỉ có lấp liếm hay biện minh này nọ hòng trốn tránh trách nhiệm mới là điều đáng bị lêu lêu…

Thôi thì, nếu như người ta không phải có thâm ý xấu với mình hoặc bị ai đó xúi giục hay gây áp lực, mình cũng nên thông cảm lúc “tang gia bối rối có điều chi sơ suất, xin được miễn chấp”!

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 4-5-2014)

 

+ Ảnh: Báo cáo sơ bộ của chính quyền Malaysia về vụ MH370 do báo Aljazeera (2-5-2014) cung cấp.

mh370-preliminary-report-01

mh370-preliminary-report-02

mh370-preliminary-report-03

mh370-preliminary-report-04

mh370-preliminary-report-05