Chủ nhật ngày 22 tháng 12 năm 2024

Châu Phi ở đâu cũng thấy đạo quân “quyền lực mềm” của Trung Quốc

china-in-africa-02

 

Với lợi thế là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới (chỉ đứng sau Mỹ), Trung Quốc lâu nay đã tung đạo quân viễn chinh tài chính ra khắp thế giới, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Châu Phi là một mục tiêu lý tưởng do là châu lục nghèo nhất hành tinh, còn nhiều tiềm năng phát triển, không chỉ là một thị trường tiềm năng đầy hấp dẫn mà còn là nguồn cung cấp tài nguyên thiên nhiên và vựa nông sản khổng lồ.

Thương vụ mới nhất của Trung Quốc ở châu Phi vừa diễn ra ngày 11-5-2014. Trung Quốc đã ký với Kenya – nền kinh tế lớn nhất ở Đông Phi – một “đại hợp đồng” (mega deal) xây dựng một tuyến đường sắt dài 609km nối cảng Mombasa bên bờ Ấn Độ Dương tới thành phố Nairobi. Điều đáng chú ý đây là chặng đầu của một tuyến đường sắt quốc tế sẽ dần dần vươn ra nối dài tới các nước Uganda, Rwanda, Burundi và Nam Sudan. Trong công trình có chi phí 3,8 tỷ USD này (chỉ tính phần trên lãnh thổ Kenya), Ngân hàng Exim Bank of China sẽ cung cấp tới 90% chi phí và Kenya chịu phần nhỏ xíu còn lại. Theo đúng kế sách tay phải trao tiền, tay trái thu lại, công trình xây dựng tuyến đường sắt Mombasa-Nairobi, dự kiến khởi công từ tháng 10-2014 và hoàn thành sau 3 năm rưỡi, do Công ty Xây dựng Giao thông Trung Quốc (CCC) là nhà thầu chính.

Trước đó, ngày 5-5 tại thủ đô Addis Ababa của Ethiopia, trong chuyến thăm 4 nước châu Phi lần đầu tiên sau khi lên nắm quyền hồi năm ngoái, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tuyên bố sẽ viện trợ thêm cho châu Phi ít nhất là 12 tỷ USD nữa. Nhà lãnh đạo Trung Quốc mô tả “một giấc mơ mà trong đó tất cả các thủ đô của châu Phi được nối với tuyến đường sắt cao tốc”. Dĩ nhiên, ai cũng hiểu tuyến đường huyết mạch này sẽ do Trung Quốc xây dựng.

Lâu nay nhiều nhà bình luận quốc tế nói rằng mục tiêu chính của Trung Quốc ở châu Phi là nguồn khoáng sản và dầu khí khổng lồ chưa khai phá ở đó. Thủ tướng Lý Khắc Cường hôm 5-5 một lần nữa lại nhấn mạnh tới yếu tố quan hệ 2 bên cùng có lợi rằng: “Sự phát triển của Trung Quốc tạo cơ hội cho châu Phi; châu Phi phát triển và Trung Quốc cũng có lợi.”

Theo số liệu của Hiệp hội Chính sách Đối ngoại (FPA) có bề dày 96 năm hoạt động, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu khoáng sản thô từ châu Phi sang Trung Quốc trong thời kỳ 1998-2006 đã tăng 2.126% (trong khi sang Mỹ tăng 402% và châu Âu tăng 139%). Điều này cho thấy nguồn tài nguyên thiên nhiên từ châu Phi chạy sang Trung Quốc nhiều tới cỡ nào.

Bây giờ ở châu Phi, hầu như nhìn đâu cũng thấy những công trình và ảnh hưởng của Trung Quốc. Châu lục lớn thứ 2 thế giới này có 54 nước thì có tới 50 nước đã có bóng dáng các nhà đầu tư Trung Quốc. Trong một thập niên từ 2000 tới 2011, Trung Quốc đã tham gia khoảng 1.700 dự án ở châu Phi với tổng nguồn vốn hơn 84 tỷ USD. Trong khi cùng thời gian đó, Mỹ đầu tư vào châu Phi khoảng 90 tỷ USD. Trong số các dự án của Trung Quốc ở châu Phi, chiếm nhiều nhất là về chính quyền, xã hội (215 dự án), kế đó là y tế (192), giáo dục (161), giao thông (115), nông nghiệp (106), năng lượng (83), khai mỏ (44),…

Tất nhiên cũng chẳng có gì là ầm ĩ khi nếu có nhiều tiền, người ta có thể đầu tư làm ăn ở bất cứ nơi nào mà mình thấy có lợi. Vấn đề tốt cho tất cả là các bên cùng có lợi một cách thỏa đáng. Nhưng theo giới quan sát quốc tế, thực tế đầu tư Trung Quốc ở châu Phi không phải là như vậy. Cùng với xuất khẩu văn hóa, những khoản tiền đầu tư của Trung Quốc ra nước ngoài tạo thành một thứ “quyền lực mềm” có tác động dần dần nhưng sâu rộng vào nền tảng xã hội của những nơi mà Bắc Kinh nhắm tới. Kết quả một cuộc thăm dò do hãng nghiên cứu thị trường Infinite Insight Kenya hoạt động trên khắp châu Phi thực hiện năm 2010 cho thấy có 47% số người Nigeria được hỏi nói rằng sự can dự của Trung Quốc ở châu Phi là một hình thức chủ nghĩa thực dân khác, 25% nhìn thấy Trung Quốc đối xử với các nước châu Phi như các đối tác.

Trên lãnh thổ màu mỡ chưa khai phá của châu Phi, Trung Quốc có nguồn nguyện liệu dồi dào và giá rẻ cho các ngành công nghiệp của mình. Họ cũng có nguồn sản xuất lương thực mênh mông để phục vụ cho số dân đông nhất hành tinh, hiện hơn 1,3 tỷ người. Không chỉ khai thác sức lao động rẻ tiền ở châu Phi (trong khi Trung Quốc vốn được biết đến là một đại công xưởng toàn cầu với nhân công giá rẻ, châu Phi lại còn rẻ hơn), Trung Quốc còn coi châu Phi như một nơi sử dụng lao động của mình. Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết trong năm ngoái có 214.534 lao động của Trung Quốc đã được đưa sang châu Phi, tăng 18% so với năm 2011. Danh chính ngôn thuận thôi khi ở châu Phi nhan nhản những nhà máy do Trung Quốc đầu tư. Martyn Davies, CEO của hãng tư vấn Frontier Advisory, nói rằng Trung Quốc làm ăn ở châu Phi không chừa một phân khúc thị trường nào. “Bạn có thể thấy các doanh nghiệp Trung Quốc ở thị trường cấp thấp tại Ethiopia và ở thị trường cấp cao tại Nam Phi.”

Các nhà bình luận quốc tế cho biết sau thời gian đầu choáng váng với những nguồn tiền tử Trung Quốc đổ qua, ngày càng có thêm nhiều nước và nhiều người ở châu Phi bình tĩnh lại nhận ra những nguy hiểm tiềm tàng cho đất nước họ từ những đồng tiền đầu tư của Trung Quốc. Làm gì có chuyện Bắc Kinh cho không ai cái gì khi mà truyền thống làm ăn của người Trung Quốc luôn là “nhất bản, vạn lợi” chứ chẳng phải chỉ có “một vốn, bốn lời” đâu.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Singapore 15-5-2014)

 

+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.

china-in-africa-01

Các công trình do Trung Quốc đầu tư có mặt ở khắp châu Phi.

china-in-africa-02

Trang minh họa của báo Ze Habesha (Ethiopia).

china-in-africa-05

Những công trình thủy điện của Trung Quốc ở châu Phi.

Afrographique_SinoAfricanTrade_2012 china-in-africa-03

china-in-africa-06-140505-ecns.cn

Thông tin của trang mạng Trung Quốc ecns.cn ngày 5-5-2014.