Chủ nhật ngày 06 tháng 10 năm 2024

ASEAN trong “giấc mơ bá vương” của Bắc Kinh

disputes-asia

 

Trước nay, Bắc Kinh luôn lập luận rằng chuyện tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa họ và các nước láng giềng là chuyện riêng tư, giữa 2 nước với nhau. Họ phản đối sự can thiệp của Khối các nước Đông Nam Á ASEAN.

Nhưng theo thông lệ quốc tế và hiến chương của các nhóm nước, việc đụng chạm tới lợi ích chính đáng của một nước thành viên đều được coi là chuyện của cả nhóm. Huống chi trong chiến lược bành trướng lãnh thổ của mình, Bắc Kinh đã tranh chấp chủ quyền với nhiều nước ASEAN như Malaysia, Singapore, Brunei, Indonesia, Philippines và Việt Nam. Như vậy là trong 10 nước thành viên ASEAN, có tới 6 nước bị Bắc Kinh tranh chấp chủ quyền.

Tham vọng của Trung Quốc được thể hiện cụ thể qua việc họ tự vẽ ra cái gọi là đường lưỡi bò 9 khúc (nine-dash line) kéo từ đảo Hải Nam của họ vòng qua lãnh hải các nước Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Brunei và Philippines tới tận bãi đá cạn Scarborough Shoal ngoài khơi Philippines. Với cái đường ranh giới này, Trung Quốc giành chiếm tới 90% diện tích biển Đông cho dù cả Trung Quốc và Đài Loan cộng lại chỉ có 20% bờ biển giáp biển Đông.

nine-dash line-china

Có lẽ biết rằng các tuyên bố kiểu tổ tiên từng có mặt ở đó không được các tòa án quốc tế chấp nhận là cơ sở cho những vụ kiện tụng tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, Bắc Kinh đã dùng kế sách lấy thịt đè người, dùng sức mạnh quân sự áp đảo kết hợp với sự ngạo mạn bất chấp công pháp quốc tế để chiếm giữ những vùng lãnh thổ mà họ tuyên bố là của tổ tiên mình để lại. Hành động này không chỉ gây căng thẳng trước mắt trong quan hệ ngoại giao và khiến các vùng tranh chấp bị nhận chìm trong nguy hiểm, mà còn có nguy cơ bùng nổ chiến tranh nếu như Bắc Kinh được đằng chân lân đằng đầu lấn tới và nước bị tranh chấp không còn có thể kiềm chế được nữa.

Trang The Diplomat chuyên về các vấn đề châu Á – Thái Bình Dương ngày 17-5-2014 ghi nhận rằng tình hình giữa Việt Nam và Bắc Kinh căng thẳng tới mức lần đầu tiên nhà chức trách Việt Nam cho phép các báo chí nhà nước phản đối mạnh mẽ hành động xâm lấn mới của Bắc Kinh ở vùng quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng từ năm 1974. Nhà nước Việt Nam cũng lần đầu tiên sau năm 1979 cho phép quần chúng biểu tình phản đối Bắc Kinh, tất nhiên các hoạt động này phải diễn ra trong ôn hòa, trật tự. Cũng như bất cứ nước nào, nhà chức trách đã xử lý mạnh những kẻ lợi dụng các cuộc biểu tình này để phục vụ cho mục đích cá nhân của mình và kích động bạo lực, gây bạo động. Đặc biệt là trong tình huống và thời điểm này, tình trạng rối ren bên trong kèm theo bạo động, đặc biệt là điên cuồng chống người nước ngoài, hoàn toàn có lợi cho các thế lực đang chống phá Việt Nam, làm xấu đi hình ảnh của người Việt trong mắt cộng đồng quốc tế – nhất là những người xưa nay vốn có không ít định kiến sẵn. Càng tệ hại hơn nữa khi chúng làm cho những nước đang ủng hộ Việt Nam chuyển sang ác cảm vì công dân của họ bị tổn hại ở Việt Nam, cũng như đánh lạc hướng dư luận từ tập trung vào hành động của Bắc Kinh sang hiện trạng bất ổn của Việt Nam.

Đối với Việt Nam, Bắc Kinh có vẻ dè chừng nhất nhưng cũng ngang ngược nhất. Việt Nam là nước duy nhất trong số các nước ASEAN mà Bắc Kinh đang tranh chấp chủ quyền có cả đường biên giới trên đất liền với Trung Quốc. Đây cũng là nước duy nhất không phải là đồng minh của Mỹ. Khi chọn thời điểm đưa giàn khoan Haiyang 981 vào sâu trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam hồi đầu tháng 5-2014, Bắc Kinh đã lợi dụng lúc đồng minh truyền thống của Việt Nam là Nga đang bị Mỹ và phương Tây lên án và trừng phạt vì gây bất ổn ở Ukraine, Moscow chuyển sang tay trong tay với Bắc Kinh để cùng chống lại Mỹ, đẩy Việt Nam vào thế kẹt phải tự thân vận động. Và trên tất cả, Việt Nam là nước duy nhất có cả một lịch sử kiên cường đánh bại nhiều cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc từ ngàn xưa. Lịch sử quan hệ Việt – Trung là một lịch sử đối kháng: chiến thắng của bên này là thất bại của bên kia. Sau khi đánh đuổi, xâm chiếm đất đai của tộc Lạc Việt khiến tổ tiên người Việt phải di chuyển sâu xuống phía nam sông Dương Tử, nhà Hán chẳng buông tha đã đánh chiếm đô hộ nước Việt cả ngàn năm rồi sau đó không ngừng xua quân đánh nước ta. Và tổ tiên ta đã từ đời này sang đời nọ ngoan cường đánh cho banh giáp, tả tơi mọi bọn giặc ngoại xâm phương bắc. Ngay cả rợ Mông Cổ từng làm cả châu Âu bạt vía dưới vó ngựa của Thành Cát Tư Hãn cũng phải ôm đầu máu tháo chạy khi đụng tới nước Việt. May mắn cho họ là dân tộc Việt Nam mình kiên cường không đối thủ trong bảo vệ đất nước, nhưng lại hòa hiếu, yêu chuộng hòa bình, chẳng hề “có gien hiếu chiến”, và đặc biệt là biết cách để có thể tồn tại khi Trời đặt cho phải ở bên một nước khổng lồ xấu tính bẩm sinh. Miễn là người ta biết điều chẳng phạm tới mình. Chỉ có điều, xưa nay cả thế giới đều hiểu người gốc Hán tộc thâm hiểm và thù dai “thiên hạ vô đối”. Chắc chắn là hễ cầm cuốn sách lịch sử nào lên là hậu duệ “người lạ” lại nổi máu Trương Phi thở phì phì.

Ernest Bower, Chủ tịch Nhóm Nghiên cứu Đông Nam Á của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nhận xét: “Đã rõ ràng rằng hành động mới của Trung Quốc đang làm bùng nổ những mối lo lắng trong các nước láng giềng của họ.” Trong một cuộc trả lời phỏng vấn của báo DW (Đức), ông này nói rằng hành động này đang làm cho các nước ASEAN xích lại gần nhau hơn vì họ nhận ra mình có chung một mối đe dọa và có những lợi ích chung.

Giới bình luận quốc tế nói rằng: Nếu ASEAN thật sự muốn giải quyết vấn đề này một cách nghiêm túc, đây có lẽ là thời điểm thích hợp cho một mặt trận công chúng thống nhất đối đầu với những tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc. Còn nếu ASEAN không thể làm được điều đó, từng nước thành viên sẽ phải đối phó riêng với Bắc Kinh mà vừa lâm vào thế yếu hơn, vừa chắc chắn sẽ gây ra chia rẽ trong nội bộ cả khối nước (nước nào mà chẳng có tính toán và lọi ích riêng). Chuyên gia về Đông Nam Á Ernest Bower cảnh báo: Khi vào biển Đông, Trung Quốc muốn có một ASEAN yếu kém và chia rẽ. Bài học ngụ ngôn bó đũa là đây.

Người ta cho rằng sự mạnh miệng và hung hãn của Bắc Kinh là để che giấu sự yếu kém về cơ sở pháp lý trong tranh chấp chủ quyền. Bắc Kinh vẫn luôn tìm cách tránh né các vụ kiện tụng ra tòa án quốc tế. Cho tới nay, Malaysia, Singapore và Indonesia từng kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế và cam kết chấp nhận phán quyết của tòa. Hồi đầu năm 2013, Philippines cũng tuyên bố đưa việc Trung Quốc tranh chấp lãnh thổ ra tòa án Liên Hiệp Quốc.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 20-5-2014)

+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.