Thứ Tư ngày 25 tháng 12 năm 2024

Điều gì đằng sau việc Bắc Kinh gây hấn với các nước láng giềng?

nine-dash line-china

 

Người ta không thể không ngạc nhiên khi thấy Trung Quốc trong những năm gần đây đột nhiên giương nanh vuốt ra đe dọa và gây hấn với hàng loạt nước láng giềng, rồi lo ngại do Bắc Kinh ngày càng leo thang cường độ. Trong khi miệng luôn lớn tiếng cam kết tuân thủ các luật lệ quốc tế, Bắc Kinh lại có những hành động vi phạm trắng trợn công pháp quốc tế, sẵn sàng đối đầu với công luận quốc tế. Giới quan sát chính sách đối ngoại Trung Quốc hiện đang cố gắng tìm hiểu xem Bắc Kinh đang nghĩ gì?

Trang báo điện tử The National Interest của Mỹ có 30 năm chuyên nghiên cứu về chính sách đối ngoại ngày 20-5-2014 nói rằng: Bắc Kinh đang có những vấn đề của mình khi sức mạnh của họ ngày càng tăng lên. Đó là lý do họ gây chiến với quá nhiều nước láng giềng của mình.

Trong một bài báo dài có cái tựa là “Đại thảm họa chiến lược của Trung Quốc (China’s Grand Strategy Disaster), Brad Glosserman, Giám đốc điều hành của Diễn đàn Thái Bình Dương CSIS, ngày 20-5 đã cố gắng giải mã những gì phía sau hành động đối ngoại hung hăng của Bắc Kinh. Theo ông, Bắc Kinh sẽ khó có thể xây dựng một chính sách đối ngoại tốt hơn cho phù hợp với những lợi ích dài hạn của Trung Quốc.

Suốt nhiều năm trước, Bắc Kinh làm theo lời khuyên răn của Đặng Tiểu Bình rằng: “Hãy giấu sức mạnh của mình và mai phục chờ thời cơ tới”. Vì thế, trong thập niên 1990, với chính sách “ngoại giao nụ cười”, Trung Quốc giao hảo với các nước ở khắp vùng Đông Á và làm cho họ tin tưởng vào “ý định tốt lành” của mình. Bắc Kinh đã giải quyết hầu hết các vụ tranh chấp biên giới và hợp tác với các nước láng giềng để phát triển các giải pháp đôi bên cùng có lợi đối với các vấn đề để tỏ rõ thiện chí của mình.

Nhưng những năm gần đây, trong khi vẫn luôn miệng nói “những lời tốt đẹp” như vậy, Bắc Kinh lại thay đổi chính sách trở nên hung hăng, hiếu chiến hơn. Trung Quốc từng bước leo thang để ép Philippines phải bật ra khỏi vùng lãnh thổ hai bên tranh chấp ở biển Đông, đồng thời đẩy Nhật Bản vào cuộc tranh chấp với mình về nhóm đảo Senkaku (mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) ở biển Hoa Đông. Có lẽ thấy như vậy vẫn chưa đủ, Bắc Kinh đã chính thức đưa thêm Việt Nam vào danh sách đối thủ của mình và từ đầu tháng 5-2014 đã ngang nhiên đưa giàn khoan dầu khí khổng lồ Hải Dương 981 vào cắm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đánh chiếm hồi năm 1974. Với hơn 100 tàu, trong đó có tàu hải quân, tàu hải giám, và máy bay quân sự, có cả máy bay tiêm kích, triển khai trong khu vực này gọi là để bảo vệ dàn khoan, Bắc Kinh cho thấy sự leo thang tới mức độ can thiệp quân sự trong các cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ.

Trước đó, lợi dụng việc tìm kiếm chuyến bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines mất tích hồi thượng tuần tháng 3-2014 với hơn 150 hành khách là người Trung Quốc, Bắc Kinh đã đưa tàu chiến và máy bay quân sự vào lãnh hải và bầu trời những nước trong khu vực, đặc biệt là Malaysia và Việt Nam. Bắc Kinh cũng tuyên bố chủ quyền với vùng lãnh hải gần Indonesia, lôi Jakarta vào cuộc tranh chấp chủ quyền ở biển Đông. Và gần đây nhất, lợi dụng lúc lực lượng tuần duyên Hàn Quốc đang tập trung vào việc cứu hộ phà Sewol bị chìm hồi giữa tháng 4-2014 ở vùng biển Hoàng Hải làm chết hơn 300 người, tàu đánh bắt cua biển của Trung Quốc đã xâm phạm lãnh hải Hàn Quốc.

Tranh thủ lúc Nga đang bị Mỹ và phương Tây lên án và trừng phạt vì vấn đề Ukraine và Bán đảo Crimea, Bắc Kinh nhanh chóng thắt chặt hơn nữa mối quan hệ với Moscow để tăng thêm sức mạnh đồng minh. Đây cũng là thời điểm Nga nhìn thấy ở Trung Quốc những cái lợi cho quyền lợi của mình.

Cũng theo chuyên gia Brad Glosserman, những hành động gây rùm beng ở bên ngoài của Bắc Kinh còn để đánh lạc hướng dư luận trong và ngoài nước về những vấn đề nội tại của Trung Quốc. Mặc dù là nước có GDP lớn thứ 2 của thế giới (chỉ sau Mỹ), Trung Quốc vẫn là một nền kinh tế bấp bênh. Nguy cơ nổ tung đang chực chờ bong bóng bất động sản và khu vực tài chính. Tình hình ô nhiễm không khí, nước và đất đã lên tới mức thảm họa quốc gia. Phiến quân khủng bố và ly khai trong nước cũng tăng cường hoạt động, đặc biệt là ở vùng Tân Cương, Tây Tạng.

Toshiaki Haginoya, một người Nhật Bản, nhận xét: “Đối với Trung Quốc, một cuộc chiến tranh với bên ngoài là cách tốt nhất để giải quyết các vấn đề nội bộ của mình.”

Nhiều ý kiến của người nước ngoài cảnh báo rằng: Trung Quốc đang có trong tay các sức mạnh quân sự, ngoại giao và kinh tế để ép các nước láng giềng phải thần phục mình. Bắc Kinh đã lật bài ngửa lộ rõ tham vọng độc chiếm toàn bộ biển Đông.

Bí quyết thành công của người Hoa xưa nay là phải hội đủ 3 yếu tố: thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Bắc Kinh giờ đây quá tự tin với 2 yếu tố thiên thời và địa lợi nên bất chấp yếu tố nhân hòa. Xem xét tình hình mọi mặt, có thể nói là đây là một thời cơ vàng của Bắc Kinh để thực hiện giấc mộng bá vương, bành trướng sang lãnh thổ các nước láng giềng. Tiềm lực quân sự (quyền lực cứng) và tài chính (quyền lực mềm) của Trung Quốc đang ở mức độ cao nhất xưa nay, hơn hẳn – thậm chí bỏ xa – hầu hết các nước láng giềng của mình. Sức mạnh khoa học – kỹ thuật của Trung Quốc cũng đâu phải chỉ là những món đồ chơi điện tử bày bán ven đường.

Trong số 3 tay chơi chính trên bàn cờ thế giới là Mỹ, Nga và Trung Quốc, hai tay chơi Mỹ và Nga đang phải oằn mình giải quyết các vấn đề của họ. Mỹ vẫn chưa phục hồi lại nền kinh tế bị suy thoái quá dài và có quá chừng chuyện nội bộ phải giải quyết. Trên trường đối ngoại, Mỹ vẫn còn gánh nặng hậu quả của cuộc chiến tranh Iraq và đang tìm cách kết thúc cuộc can dự ở Afghanistan (deadline để rút quân là cuối tháng 12-2014). Cuộc khủng hoảng hạt nhân của Iran, chính sách hung hăng của Bắc Triều Tiên, những hệ lụy của thế giới Arập Hồi giáo sau cuộc cách mạng Mùa xuân Arập, vũng lầy Syria,… vắt kiệt sức của Mỹ. Ngay trong thời điểm này, sau khi Nga can dự vào cuộc khủng hoảng Ukraine và thâu tóm lại được Bán đảo Crimea, Mỹ lại phải tất tả căng mình ra trấn an các nước đồng minh của mình trong khu vực biển Đen và vùng biển Baltic trước nguy cơ tới từ Nga. Trong tình thế đó, Mỹ chắc chắn sẽ không thể toàn tâm toàn ý lo cho khu vực biển Đông và biển Hoa Đông, nơi họ có nhiều đồng minh, cho dù có những thỏa thuận an ninh song phương.

Còn Nga thì đang phải trân mình mà chịu sự cô lập và trừng phạt từ phương Tây do Mỹ dẫn đầu bởi chuyện can dự vào Ukraine. Chẳng có gì phải ngạc nhiên khi Trung Quốc đã tìm được một đồng minh chính là Nga. Ngày 20-5-2014, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã sang Trung Quốc dự cuộc họp thượng đỉnh Trung – Nga. Nhà lãnh đạo Nga đã công khai với thế giới việc Nga coi Trung Quốc là “người bạn đáng tin cậy” và xác định mối quan hệ mật thiết với Trung Quốc là “ưu tiên vô điều kiện” trong chính sách đối ngoại của mình. Ngày 21-5, Nga và Trung Quốc ký bản hợp đồng khí đốt lịch sử mà theo đó Trung Quốc sẽ trả cho Nga 400 tỷ USD để mua khí đốt của Nga trong vòng 30 năm. Một số nhà bình luận quốc tế cho rằng Bắc Kinh chủ yếu muốn “trói buộc” Moscow vào mình, bởi Nga cần tiền của Trung Quốc hơn là Trung Quốc cần khí đốt của Nga. Trong tình thế hiện nay và với mối “giao hảo” mới củng cố với Bắc Kinh, Moscow sẽ phải cân nhắc thiệt hơn nếu phải can thiệp giải vây cho “những anh em” của mình. Chẳng ai mơ hồ để nhận lầm Nga bây giờ là Liên Xô ngày xưa. Cũng như bất cứ nước nào khác, Nga luôn phải đặt lợi ích của đất nước mình lên trên hết. Có người viện dẫn rằng Nga đang có nhiều nguồn lợi từ thương vụ hợp tác khai thác dầu khí với Việt Nam. Nhưng nếu thực tế thì sẽ hiểu vấn đề chính là nguồn dầu khí ở bên dưới thềm lục địa thôi, ai sở hữu nó chẳng phải là quan trọng. Huống hồ giờ đây Nga đã có hợp đồng khai thác khí đốt dài tới 30 năm với Trung Quốc. Khí đốt thì cũng nằm trong dầu khí mà thôi!

Những hành động hung hăng, gây hấn hơn bao giờ hết của Trung Quốc trong những ngày gần đây, mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong cuộc trả lời phỏng vấn của hai hãng tin Mỹ AP và Anh Reuters ngày 21-5 đã đánh giá là “cực kỳ nguy hiểm, đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hợp tác và phát triển ở khu vực và thế giới”, được coi như một phép thử mà nếu trót lọt sẽ thừa thắng xông lên. Bắc Kinh muốn thử xem Mỹ sẽ hành động ra sao sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama trong chuyến công du châu Á hồi hạ tuần tháng 4-2014 đã tái cam kết sẽ bảo vệ các nước đồng minh của mình trong khu vực trước nguy cơ từ những nước khác. Chắc chắn Bắc Kinh phải né đụng tới những nước đang có thỏa thuận an ninh song phương với Mỹ, vì có gì, Mỹ có thể danh chính ngôn thuận mà nhảy vào. Còn thì nói chung, Mỹ chỉ can thiệp nếu như bị đụng tới các lợi ích của mình hay có thể nhìn thấy một triển vọng tương lai. Tạp chí Mỹ Time (23-5-2014) đã cho đang một bài viết với cái tít: “Mỹ cuối cùng đang kết bạn với Việt Nam” (The U.S. Is Finally Making a Friend of Vietnam.) Báo Nhân Dân (22-5) đưa tìn: Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ngày 22-5 đã tiếp đoàn đại diện Tập đoàn Dầu khí Exxonmobil (Mỹ) do 2 phó chủ tịch tạp đoàn này dẫn đầu và khẳng định Việt Nam ủng hộ các hoạt động hợp tác của doanh nghiệp Mỹ với đối tác Việt Nam trong lĩnh vực dầu khí. Exxonmobil vừa tiếp xúc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi, nhằm xúc tiến kế hoạch đầu tư cụm điện khí trị giá 20 tỷ USD tại Khu kinh tế Dung Quất.

140523-vietnam-us-friend-time

Bởi vậy, hơn bao giờ hết, người dân của từng nước láng giềng với Trung Quốc phải đoàn kết một lòng bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của mình mà tổ tiên đã dày công và đổ bao xương máu để lại. Họ phải dẹp qua một bên những toan tính riêng tư và những lấn cấn giữa nhau. Tổ quốc là của chung và Tổ quốc là trên hết. Thế thủ sẽ được tăng cường bội lần nếu như ngoài sức mạnh toàn dân của mình, từng nước biết coi trọng tới việc tranh thủ sự ủng hộ từ cộng đồng bên ngoài. Các nước láng giềng cũng sẽ phải chung sức với nhau tạo thành một sức mạnh tập thể chống lại nguy cơ chung. Mặc dù trong khối ASEAN có vài ba nước này nọ, biết làm sao được khi ngay cả trong một gia đình còn chưa phải ai cũng một lòng với nhau, nhưng nhìn chung toàn khối sẽ chẳng thể làm ngơ khi có một thành viên lâm nạn. Hơn nữa một nước như Việt Nam mà còn bị này bị nọ thì sớm muộn gì cũng tới lượt họ rơi vào cái vết dầu loang từ Bắc Kinh.

Bất luận thế nào, phép thử của Bắc Kinh sẽ như một con dao hai lưỡi. Vị thế của họ vốn chẳng vững vàng và chưa được “tâm phục khẩu phục” trên trường quốc tế sẽ bị sa sút. Nền kinh tế, đặc biệt là xuất khẩu, sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng do cả bị quốc tế trừng phạt lẫn các cộng đồng tẩy chay. Và nguy hiểm nhất là việc Bắc Kinh đang phải tập trung đối phó với bên ngoài sẽ là thời cơ cho các thế lực ly khai, chống đối bên trong nổi lên. Cho dù là một nước đông dân nhất hành tinh và có GDP hiện đang đứng số 2 thế giới, thậm chí có khả năng qua mặt Mỹ, nhưng Trung Quốc chưa bao giờ được coi là một nước lớn, một cường quốc bởi cách nghĩ, kiểu làm của họ.

China_Vietnam_MaritimeBorders

Với những gì Bắc Kinh đã bộc lộ và đang hành động, chẳng ai còn có thể mơ hồ gì với cái mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gọi đích danh là “sự hữu nghị viễn vông”. Tình hữu nghị thật sự giữa các dân tộc với nhau thì chẳng một chính quyền nào có thể ép buộc, áp đặt được, mà nó phải tự thân vận động, tích tụ và trải nghiệm qua biết bao thế hệ. Chỉ có những ai không thức thời hoặc còn ngủ mê mới tin vào những chữ “phun châu nhả ngọc” nay hóa ra người ta tặng mình bằng “vàng dỏm”. Khi dạy con cháu “bán anh em xa, mua láng giềng gần”, cha ông ta muốn nói tới những láng giềng có thể “tối lửa tắt đèn có nhau”. Chớ thực tế thì đồng minh xa mà tốt thì còn hơn ngàn vạn lần láng giềng gần mà cứ hết dòm con lại ngó vợ hàng xóm với hai bàn tay cứ táy máy này nọ.

Lịch sử đối nội và đối ngoại của các thế hệ cầm quyền ở Bắc Kinh luôn khiến các nước láng giềng bất an. Đặc biệt là lịch sử nhiều ngàn năm giữa Việt Nam và Trung Quốc là một lịch sử đối kháng, tất cả đều xuất phát từ các thế lực cầm quyền phương bắc. Trong sách lịch sử mà các thế hệ hậu duệ ở hai nước ngày nay vẫn phải học thuộc lòng, chiến thắng của nước này là chiến bại của nước kia. Nếu ai không hiểu đó là bi kịch của lịch sử thì khó mà cơm lành, canh ngọt với nhau. Việt Nam may mắn đã có được bề dày kinh nghiệm và truyền thống từ các triều đại ngàn xưa, không bao giờ gây hấn với phương bắc, nhưng cũng chẳng đời nào để bị xâm lấn bờ cõi. Trong di chúc của mình, hoàng đế Trần Nhân Tông (1258-1308) đã nhắc nhở: “….cái họa lâu đời của ta là họa nước Tàu” và dạy rằng “Một tấc đất của Tiền nhân để lại, cũng không được để lọt vào tay kẻ khác”. Nhưng sau khi đẩy quân xâm lược ra khỏi giang sơn, các thế hệ cầm quyền ở Việt Nam biết khôn khéo giữ hòa khí để một nước nhỏ như mình có thể tồn tại được bên cạnh một nước khổng lồ, nhất là khi đó là một nước chẳng phải là trượng phu hay quân tử mà luôn có quá nhiều tham vọng và toan tính. Nhỏ mà không hèn kém, yếu mà chẳng nhu nhược. Đó là bài học “biết để sống” nên tới tận bây giờ, Việt Nam vẫn là một đất nước độc lập.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 23-5-2014)

+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.