Thứ Năm ngày 10 tháng 10 năm 2024

Những nhà báo sinh nghề tử nghiệp

journalist-in-ukraine-crisis-june 014-02

 

Hai nhà báo làm việc cho Kênh truyền hình Nhà nước Nga Rossiya 24 hôm 17-6-2014 đã trúng đạn pháo chết trong khi đang tác nghiệp tại làng Metalist bên ngoài thành phố Lugansk (Đông Ukraine).

Nhóm phóng viên Nga này gồm 3 người đang ghi hình ảnh những người tị nạn Ukraine bồng bế nhau sơ tán khỏi vùng giao tranh – nơi được nói là do quân nổi dậy thân Nga chiếm đóng. Một quả đạn pháo được cho là của quân đội Ukraine đã rơi xuống gần phóng viên Igor Kornelyuk, 37 tuổi, và kỹ sư âm thanh Anton Voloshin. Trong khi Voloshin chết ngay tại chỗ, Kornelyuk sau đó đã chết trên bàn mổ tại một bệnh viện địa phương. Nhà quay phim Viktor Denisov đứng xa hơn nên thoát chết.

Tổ chức Nhà báo không biên giới (RWB) có trụ sở tại Paris (Pháp) cho biết Kornelyuk là nhà báo thứ 4 bị giết chết ở Ukraine kể từ đầu năm 2014 tới nay. Johann Bihr, người đứng đầu Văn phòng Đông Âu và Trung Á của RWB, nhấn mạnh: “Bạo lực ảnh hưởng tới các nhà báo ở Ukraine đang lên tới mức độ chưa từng thấy. Chúng tôi một lần nữa kêu gọi các bên tham chiến làm bất cứ điều gì cần thiết để bảo vệ các nhà báo theo đúng luật quốc tế quy định.”

Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã chia buồn với gia đình các nhà báo tử nghiệp ở Ukraine và yêu cầu mở cuộc điều tra thấu đáo về tình trạng bạo lực chống lại những người làm truyền thông. Hội đồng Bảo an cũng đề cập tới cái chết của phóng viên nhiếp ảnh Ý Andrea Ronchelli và người phiên dịch người Nga của anh hôm 24-5-2014. Họ cũng bị trúng đạn pháo khi tác nghiệp bên ngoài thành phố Sloviansk.

Đại sứ Ukraine tại LHQ Yuriy Sergeyev cho biết Tổng thống Petro Poroshenko của nước này đã gửi lời chia buồn tới gia đình các nhà báo Nga và ra lệnh mở cuộc điều tra về cái chết của họ. Theo Đại sứ Sergeyev, sáng 17-6, một nhóm khủng bố đã tấn công vào lực lượng thực thi luật pháp Ukraine ở gần Luhansk. Quân đội đã phản công giết chết 10 tên khủng bố và bắn bị thương nhiều tên khác. Về trường hợp của nhóm phóng viên truyền hình Nga, Đại sứ Sergeyev nói rằng: “Tôi không rõ họ vào Ukraine một cách hợp pháp hay không, nhưng họ không tuân thủ các hướng dẫn dành cho tất cả các nhà báo” để được nhận diện là nhà báo. Họ cũng không mặc áo giáp và đội mũ sắt.

Nhà báo là người đưa tin cho công chúng. Trách nhiệm nghề nghiệp buộc họ phải lăn xả vào những nơi nguy hiểm, đầu sóng ngọn gió để lấy tin. Đó là những nơi chỉ dành cho những người chuyên nghiệp được huấn luyện kỹ lưỡng. Thí dụ như chiến trường là chốn của những người lính. Trong khi đó, nhà báo chỉ là người chuyên nghiệp trong lĩnh vực báo chí. Bởi vậy, khi tác nghiệp ở hiện trường, họ là những người gặp nhiều nguy hiểm nhất.

Theo số liệu thống kê của Ủy ban Bảo vệ các nhà báo (CPJ) có trụ sở tại New York (Mỹ), từ năm 1992 tới nay trên thế giới có 1.056 nhà báo hy sinh khi đang tác nghiệp. Chiến tranh là nguyên nhân làm nhiều nhà báo mất mạng thứ nhì, chiếm 37%, sau chính trị (44%). Trong số 20 nước có nhiều nhà báo mất mạng nhất, đứng đầu là Iraq (164 người), kế đó là Philippines (76 người), Syria (64 người),…. Thấp nhất trong số này là Israel và vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng cũng có 12 nhà báo sinh nghề tử nghiệp.

Trong năm 2013 có ít nhất 70 nhà báo trên thế giới đã hy sinh vì nghề nghiệp, trong đó có 29 người mất mạng khi đưa tin về cuộc nội chiến ở Syria, 10 người chết ở Iraq. Robert Mahoney, phó giám đốc tổ chức CPJ, nhận định: “Trung Đông đã trở thành “cánh đồng giết người” đối với các nhà báo. Trong khi số nhà báo tử nghiệp giảm ở một số nơi, cuộc nội chiến ở Syria và tình trạng bạo lực giáo phái ở Iraq lại có số nhà báo tử vong cao hơn.” Tính từ khi bùng nổ bạo lực hồi tháng 3-2011 tới cuối năm 2013, có ít nhất 63 nhà báo đã bị giết chết khi tới đưa tin ở Syria. Trong năm 2013 có 60 nhà báo bị bắt cóc ở Syria, trong đó có hàng chục người bị mất tích. Ngoài 70 nhà báo đã được CPJ xác định sinh nghề tử nghiệp, trong năm 2013 còn có 25 nhà báo khác đang được điều tra xem cái chết của họ có liên quan gì tới nghề báo hay không.

Phần lớn số nhà báo tử vong trong các cuộc chiến tranh và xung đột bạo lực. Nhưng nhà báo ở nhiều nước cũng bị sát hại do đưa tin về những vấn đề nhạy cảm. Theo CPJ, các nhà báo đưa tin về những chuyện xấu của cảnh sát, tham nhũng chính trị hay buôn lậu ma túy và những đề tài nhạy cảm khác dễ phải trả giá bằng chính sinh mạng của mình. Tình trạng này xảy ra ở các nước Brazil, Colombia, Philippines, Ấn Độ, Bangladesh, Pakistan, Nga,…

Trong năm 2013, hai nhà báo thuộc đài Phát thanh Quốc tế Pháp (RFI) đã bị bắt cóc và giết chết sau khi tới gặp một thủ lĩnh của những người bộ tộc Tuareg ly khai ở Kidal (Mali). Các tay súng dân quân Iraq đã giết chết 5 thành viên của ban tin thời sự thuộc đài truyền hình Salaheddin TV trong một vụ đánh bom tự sát ngay tại văn phòng của đài ở Tikrit.

Tổ chức bảo vệ nhà báo CPJ kêu gọi: “Cộng đồng quốc tế phải thuyết phục tất cả các chính quyền và các nhóm vũ trang tôn trọng vị thế dân thường của các nhà báo và truy tố các kẻ giết nhà báo.”

Để có được những hình ảnh và thông tin trung thực nhất ngay tại hiện trường, các nhà báo đã phải mạo hiểm bằng cả tính mạng của mình. Đặc biệt nguy hiểm là những phóng viên ảnh và phóng viên truyền hình. Mong rằng mỗi khi được nhìn thấy một hình ảnh nóng bỏng tính thời sự từ một điểm nóng nào đó, bạn sẽ dành một chút suy nghĩ cho tác giả những tác phẩm báo chí đó với hy vọng họ vừa thoát nạn.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 21-6-2014)

+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.

+ Có thể đọc bản in trên báo Ấp Bắc thứ Sáu 20-6-2014.

 

journalist-in-ukraine-crisis-june 014-01

Nhà báo tác nghiệp tại Ukraine.

journalist-in-ukraine-crisis-june 014-03

Nhà báo tác nghiệp tại Ukraine.

Journalists Karcha and Fujimoto run for cover next to an unidentified fixer in a street in Aleppo's district of Salaheddine

Nhà báo quốc tế tác nghiệp trong cuộc chiến Syria.

-

Nhà báo tác nghiệp ở Syria.

journalists-in-syria-03

Nhà báo tác nghiệp ở Syria.