Thứ Năm ngày 10 tháng 10 năm 2024

Google đã giấu tới hơn 100.000 kết quả tìm kiếm ở châu Âu

google-search

 

Lâu nay người ta tin tưởng vào khả năng tìm kiếm, thậm chí thuộc đẳng cấp “bới lông tìm vết” của công cụ tìm kiếm online Google Search. Bởi vậy mới có cái câu: “Dân ta phải biết sử ta. Cái gì không rõ thì tra Google”.

Nhưng thiệt ra, từ mấy tháng nay, Google Search đã bị chặt tay, tề chân với những kết quả tìm kiếm có liên quan tới châu Âu. Bị ảnh hưởng nặng bởi cái “quyền được bỏ quên” (right to be forgotten) mà Liên minh châu Âu (EU) ban hành hồi tháng 5-2014, tới nay, Google đã phải giấu nhẹm hơn 100.000 kết quả tìm kiếm có liên quan tới những người châu Âu đã chính thức yêu cầu được loại bỏ những thông tin nào đó ra khỏi kết quả tìm kiếm, nghĩa là không để cho những người dùng Internet biết. Theo báo Mỹ Wall Street Journal, cho tới nay có 91.000 người đã yêu cầu Google rút bỏ đường dẫn đối với 328.000 địa chỉ trang web (URL). Tuy nhiên, Google vẫn chưa xử lý được tất cả các yêu cầu đó. Điều này khiến nhiều khổ chủ “lên máu” vì nếu kéo dài (hỗng chừng do Google câu giờ à nghen), tới khi “được vạ thì má đã sưng”, lúc đường link bị gỡ bỏ thì cả thế giới đều đã tỏ tường ráo trọi rồi.

Google thừa nhận rằng mình đã gỡ bỏ kết quả của hơn 50% trường hợp được đề nghị. Họ giải thích với các quan chức giám sát rằng họ đã phải yêu cầu tới 15% trường hợp cung cấp thêm chi tiết.

Vừa qua, Microsoft với công cụ tìm kiếm Bing cũng theo cách làm của Google, áp dụng chính sách “quyền được bỏ quên” riêng của mình. Giới bình luận cho rằng Microsoft đang nghiêng ngó coi các đối thủ của mình thực sự che giấu tới bao nhiêu phần trăm kết quả tìm kiếm. Bởi lẽ, giấu ít quá thì phạm luật, còn làm thẳng băng thì bị người dùng tẩy chay.

Thật ra, cho tới nay người ta vẫn đang tranh cãi về quyết định của EU quy định người dân châu Âu có quyền yêu cầu các công cụ tìm kiếm online loại bỏ những thông tin cá nhân dính tới mình mà họ coi là bất lợi, không muốn bày ra trước thế giới. Những người phê bình nói rằng EU muốn áp đặt một kỷ nguyên kiểm duyệt Internet mới. Nhà sáng lập bách khoa từ điển online Wikipedia, Jimmy Wales, vừa qua cũng tham gia việc phản đối này, nói rằng Google không được “kiểm duyệt lịch sử” với các quyết định mà họ buộc phải làm.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 28-7-2014)

+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.

+ Có trên báo Tuổi Trẻ Mobile ngày 27-7-2014 (http://m.tuoitre.vn/)