Những chiếc PC “trần trùng trục” làm đau lòng Microsoft
Ai đó chớ có ham mà hố à nghen. Người ta gọi đó là loại “Naked PC” nhưng chẳng có liên quan gì tới những dịch vụ “nhạy cảm” đại loại như kênh truyền hình thời sự Mỹ Naked News với những nữ phát thanh viên xinh đẹp từ từ trút bỏ hết xiêm y theo dòng thời sự. Naked PC là những chiếc máy tính trần trụi, không được cài đặt sẵn hệ điều hành khi xuất xưởng. Và chính loại máy tính này gây nhiều tổn thất cho Microsoft và những hãng phần mềm thương mại khác.
Đành rằng mục đích chính của các nhà sản xuất PC khi đưa ra thị trường những chiếc PC “trần trụi” đó là để giảm giá thành, giúp thêm nhiều người có thể tậu được máy tính hơn. Nhưng chẳng dám nói ra mà ai cũng ngầm hiểu với nhau là họ biết tỏng sau khi trả tiền, khách hàng bèn bỏ nhỏ với người bán cài giùm mình bộ phần mềm… lậu! Nhà sản xuất vừa làm hài lòng người tiêu dùng, vừa an toàn vì chuyện cài thêm phần mềm gì đó là bởi người dùng đầu cuối!
Ngay cả các thương hiệu PC lớn như HP, Dell, Lenovo,… cũng có loại PC “trần trụi” này. Nhu cầu thực tế thị trường mà.
Theo Handoko Andi, Giám đốc nghiên cứu của hãng nghiên cứu thị trường IDC, có tới 60% số máy tính xuất xưởng tới các thị trường mới nổi ở châu Á là loại “trần trụi”. Còn ở các thị trường phát triển của châu Á – Thái Bình Dương như Nhật Bản và Úc, loại “Naked PC” này cũng chiếm tới 25%. Và để cho đỡ mắc cỡ và có thể danh chính ngôn thuận gọi là PC thật sự, nhà sản xuất cài sẵn cho loại này một hệ điều hành mã nguồn mở miễn phí như Linux. Nhưng thường hơn cả là những chiếc “FreeDOS PC” được cài sẵn hệ điều hành mã nguồn mở FreeDOS. Họ hiểu rõ rằng các bản hệ điều hành “khuyến mãi” này sẽ lập tức bị thay bằng Windows sau khi tới tay người dùng.
Hãng tin Anh Reuters (11-8-2014) cho biết: Nếu lướt qua Taobao, website thương mại điện tử nối tiếng của Trung Quốc, người ta dễ dàng thấy số chủng loại PC cài sẵn Linux nhiều hơn hẳn PC có Windows. Ngay cả tại khu trung tâm công nghệ Zhongguancun được mệnh danh là Thung lũng Silicon của Trung Quốc nằm ờ phía bắc Bắc Kinh, nhiều nhà bán lẻ máy tính sẵn sàng cài đặt cho khách mua PC mới một bộ phần mềm Windows miễn phí hay với giá chỉ khoảng 30 USD.
Từ năm 2004, Microsoft đã bắt đầu năn nỉ Lenovo – hãng Trung Quốc hiện nay là nhà sản xuất PC số 1 thế giới – làm ơn ngưng xuất xưởng các loại PC “trần trụi” nữa. Nhưng Lenovo từ chối. Hai năm sau, chỉ ít ngày trước khi Chủ tịch Trung Quốc hồi đó là Hồ Cẩm Đào tới thăm tư gia của Bill Gates ở Mỹ, Trung Quốc ban hành luật mới yêu cầu tất cả các PC phải xuất xưởng với một hệ điều hành. Tất nhiên, các hệ điều hành mã nguồn mở miễn phí cũng là hệ điều hành đó mà.
Tuy nhiên cũng nhờ vậy mà tỷ lệ xài phần mềm ăn cắp bản quyền ở Trung Quốc vào năm 2009 đã giảm xuống còn 79% (so với 92% hồi năm 2004). Theo Lenovo, hồi tháng 6-2014, hãng đã đạt được thỏa thuận với Microsoft là các máy PC Lenovo bán ở Trung Quốc – thị trường lớn nhất thế giới với hơn 1,3 tỷ dân – sẽ được cài đặt sẵn một bản Windows có bản quyền.
Chẳng biết thỏa thuận này có được thực hiện chưa thì mới đây xảy ra vụ chính phủ Trung Quốc cấm sử dụng hệ điều hành Windows 8 trong các máy tính nhà nước với lý do lo ngại về tính bảo mật.
Thật ra, chẳng cần phải bị nhà nước cấm, trước nay dân Trung Quốc không hề khoái Windows 8. Theo StatCounter, một website chuyên dò tìm các phần mềm nào được cài đặt trong các máy tính được kết nối Internet, hiện có hơn 90% số máy tính ở Trung Quốc đang chạy các hệ điều hành Windows trước phiên bản Windows 8.
Theo tổ chức vận động chống ăn cắp bản quyền phần mềm BSA mà Microsoft là một đồng sáng lập viên, các thị trường mới nổi chiếm 56% số lượng PC đang sử dụng và chiếm tới 73% trị giá phần mềm bị ăn cắp bản quyền. Mà Microsoft vẫn dựa chủ yếu vào hoạt động kinh doanh phần mềm. Trong quý đầu tiên của năm tài chính 2014 của Microsoft, có tới 56% tổng doanh thu toàn cầu và 78% lợi nhuận tới từ Windows và bộ Office – những món chưa bao giờ có trên những chiếc PC “trần trụi”.
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Saigon 12-8-2014)
+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.
+ Có trên báo Tuổi Trẻ Mobile ngày 11-8-2014 (http://m.tuoitre.vn/)