Thứ Năm ngày 10 tháng 10 năm 2024

Cẩn trọng khi cho trẻ em dùng máy tính bảng

tablet-kids

 

Tôi vốn là một người viết báo đam mê công nghệ, vì thế tôi ủng hộ gấp đôi việc ứng dụng công nghệ hiện đại trong giáo dục, cũng như mọi lĩnh vực cuộc sống. Đúng như mục đích ra đời của mình, công nghệ phải được làm sứ mạng trợ giúp con người, giúp ích cho con người. Vấn đề là ứng dụng nó như thế nào mà thôi. Công nghệ không có tội. Nhà sản xuất thiết bị cũng chẳng có tội (nếu không thuộc diện tiếp tay cho ai đó lợi dụng công nghệ vào những ý đồ và mưu lợi riêng tư).

Từ lâu nay, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào ngành giáo dục nói chung, và nhà trường nói riêng là những chương trình trọng điểm quốc gia của nhiều nước trên thế giới. Ở các nước có cách tiếp cận đúng đắn, CNTT, cũng như các công nghệ khác, chỉ là công cụ hỗ trợ chứ không phải là nền tảng, và càng không phải là một thuộc tính giáo dục. Nó cũng giống như thay vì đi bộ, nay người ta dùng xe có động cơ để có thể vừa đỡ cực thân, vừa đi tới đích nhanh hơn.

Ngay ở Việt Nam, việc ứng dụng công nghệ hiện đại, trong đó có CNTT, vào giáo dục là một chương trình trọng điểm quy mô quốc gia của nhà nước. Nó không chỉ giúp việc dạy và học được tiện lợi hơn, đạt hiệu quả cao hơn, mà còn giúp thầy trò làm quen với các thiết bị hiện đại, tạo thêm điều kiện hội nhập cùng cộng đồng quốc tế.

Điều đáng tiếc, và gây nên chuyện, là do cách một số người tiếp cận với việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào giáo dục không đúng với mục đích của nó. Tệ nhất là có người coi đó như một lĩnh vực hái ra tiền nhờ quy mô thị trường quá rộng lớn, cũng như phụ huynh và học sinh không có sự lựa chon nào khác hơn là phải bỏ tiền ra mà “tiêu dùng”.

Đơn cử là chuyện đưa máy tính bảng vào nhà trường.

Bản thân việc đưa máy tính bảng vào nhà trường là chuyện đáng khuyến khích, thậm chí phải làm. Vấn đề vẫn là làm như thế nào. Tất nhiên, ai kinh doanh cũng phải có lợi nhuận, nhưng làm người thì cũng phải biết “chỗ nào cúng, chỗ nào kiến”, chỗ nào nếu không huề vốn thì cũng ăn lời vừa phải. Ở đây cũng cần tách bạch giữa nhà giáo dục và nhà kinh doanh thiết bị. Nhà giáo dục phải là người đi mua thiết bị cho mục đích tối thượng là đưa công nghệ hiện đại vào nhà trường. Họ phải là người đặt hàng theo nhu cầu đặc thù của mình và sau đó là người gác cổng. Không ai có thể chấp nhận cái gọi là “liên minh ma quỷ” giữa hai thể nhân này, biến mục đích đưa công nghệ vào nhà trường thành cơ hội trục lợi cho cá nhân.

 

KHÔNG NÊN CHO TRẺ SỬ DỤNG MÁY TÍNH BẢNG QUÁ SỚM

 

Cùng là cây bút để viết, nhưng ở mỗi cấp học có nhu cầu và cách sử dụng khác nhau. Máy tính bảng cũng vậy. Ở bậc tiểu học, đặc biệt là những lớp đầu đời, việc sử dụng máy tính bảng rất hạn chế. Nó chỉ là một công cụ hỗ trợ bổ sung, thậm chí như một món đồ chơi công nghệ.

Chỉ nói tới một chuyện là tập viết chữ. Những năm đầu tiểu học, học sinh cần phải được học nắn nót viết chữ cho đúng và đẹp. Không phải ngẫu nhiên mà các nhà sư phạm từ ngàn xưa và từ Đông sang Tây đều coi việc tập viết chữ cho trẻ em là vô cùng quan trọng – là chìa khóa cho cả một cuộc đời học tập sau này. Rèn chữ không đơn giản chỉ là viết cho đúng, cho đẹp, mà còn là rèn cả cái nết người (biết kiên nhẫn, tỉ mỉ, có óc thẩm mỹ,…) Từ khi có máy tính cá nhân, ngay cả những người trước đây có nét chữ rất đẹp, nay xài máy tính quen rồi nên viết chữ xấu như gà bới. Vì thế, ý định cho trẻ tập viết trên máy tính bảng, hay bảng tương tác, là điều không tưởng.

Vì sao xưa nay người ta khuyến khích học sinh chép bài, ít nhất cũng là chép tóm lược bài học? Bởi khi chép bài như vậy, học sinh tập trung vào bài học hơn và nhớ lâu hơn. Đó còn là một phương pháp để rèn luyện và phát triển trí nhớ cho con người ngay từ thời nhỏ tuổi. Vì thế, việc dùng bộ nhớ máy tính thay cho bộ nhớ con người là lợi bất cập hại.

Trẻ em có thể tiếp cận máy tính bảng từ tuổi nào cũng được, nhưng là với chức năng như một món đồ chơi. Còn sử dụng máy tính bảng như một công cụ học tập chính thức thì phải ở một độ tuổi nhất định nào đó, do các nhà chuyên môn nghiên cứu và khuyến cáo. Có vô số hệ lụy mà người lớn có thể lường trước được do trẻ em lạm dụng máy tính các loại. Trước hết là mắt sẽ bị ảnh hưởng nặng với nguy cơ bị các tật bệnh về mắt như khúc xạ, khô mắt,… cao hơn. Rồi những tia bức xạ nguy hiểm cho cơ thể do tiếp cận gần gũi và thường xuyên với thiết bị điện tử. Học sinh trung học, thậm chí ngay cả sinh viên đại học, còn dễ bị trộm cắp, hay bị cướp, máy tính thì nói chi tới học sinh tiểu học!

 

CẤU HÌNH PHẢI ĐẠT TIÊU CHUẨN

 

Không phải máy tính bảng nào cũng có thể được dùng cho học sinh. Ở các nước tiên tiến, tất cả các vật dụng cho trẻ em đều phải bảo đảm các tiêu chuẩn riêng. Máy tính bảng là một thiết bị nghe nhìn, điện tử và điện lại càng có những tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn.

Đại học Kentucky (UK) của Mỹ đưa ra tiêu chuẩn tối thiểu của máy tính bảng dành cho sinh viên là có CPU Dual-core 1,3GHz hay Apple A5; bộ nhớ lưu trữ 32GB; kết nối không dây Wi-Fi 802.11n; có cổng USB và nếu có thêm cổng HDMI càng tốt để dễ kết nối với màn hình lớn, máy chiếu hay bảng tương tác.

Trong khi đó Bộ Giáo dục bang Florida (Mỹ) vừa đưa ra hướng dẫn công nghệ cho nhà trường được áp dụng tới năm học 2018-2019 là máy tính bảng phải có màn hình từ 9,5 inch trở lên với độ phân giải tối thiểu 1024 x 768 pixel; RAM ít nhất 1GB; chạy hệ điều hành Android 4.0 trở lên,… Họ lưu ý là không chấp nhận sử dụng máy tính bảng có màn hình dưới 9,5 inch cho học sinh.

Trong các thành phần của máy tính bảng, quan trọng nhất là màn hình. Nhà sản xuất có thể tiết kiệm chỗ nào thì tùy, chứ không được đụng tới chất lượng màn hình. Màn hình phải dùng loại có chất lượng cao, màu sắc chính xác, độ tương phản và độ sáng tốt, sắc nét, góc nhìn rộng và ít hại mắt. Nếu không thể sử dụng màn hình công nghệ OLED (diode tự phát sáng hữu cơ) do còn quá đắt, màn hình ít nhất cũng phải dùng tấm nền IPS với đèn nền thuộc công nghệ LED. Đặc biệt với trẻ em vốn hiếu động, màn hình phải cứng cáp.

Các cấu hình khác là CPU tệ nhất là 2 nhân (dual-core) để vừa mạnh, vừa hỗ trợ tốt tính năng đa nhiệm; bộ nhớ RAM thấp nhất cũng là 1GB (nếu chạy hệ điều hành Windows thì cần bộ nhớ RAM từ 2GB); bộ nhớ lưu trữ trong từ 8GB trở lên (nếu chạy Windows thì cần dung lượng từ 32GB trở lên); hỗ trợ thẻ nhớ ngoài. Phải có kết nối không dây Wi-Fi chuẩn 802.11b/n. Có microphone và loa. Có máy ảnh tương đối tốt ở cả hai mặt.

 

140826-tablet-smart-education-04_resize

Phạm Hồng Phước và chiếc máy tính bảng Smart Education.

Xét về mọi khía cạnh, tôi nghĩ rằng mẫu máy tính bảng Smart Education vừa thấy xuất hiện ở Việt Nam thực chất chỉ là một máy tính bảng có cài thêm những cuốn sách giáo khoa điện tử mà thôi. Nó không phải là một công cụ giáo dục điện tử cả về nội dung lẫn thiết bị. Cấu hình của nó rất thấp mà quan trọng nhất là màn hình – thành phần quan trọng nhất – lại có chất lượng cực thấp: màn hình chỉ 7,85 inch, độ phân giải thấp 976 x 768 pixel, độ sáng và tương phản yếu, không sắc nét, góc nhìn hẹp, độ cảm ứng không nhạy. Nó chạy hệ điều hành cũ Android 4.2.2, không có giao diện riêng cho một công cụ giáo dục điện tử. Chỉ có một ưu điểm là nút Home được trang bị loại nút cứng ở mép trên màn hình, tránh tình trạng trẻ đụng chạm phải khi thao tác. Và ưu điểm thứ hai là giá rẻ. Nhưng tôi không chắc đây có phải nằm trong loại thiết bị được chế tạo để tận dụng những loại linh kiện đời cũ còn tồn kho?

 

MÁY TÍNH BẢNG CÓ TÍNH NĂNG GIAO DỤC HAY CÔNG CỤ GIÁO DỤC ĐIỆN TỬ?

 

Cần phân biệt 2 loại thiết bị đang có trên thị trường: máy tính bảng có cài đặt thêm sách giáo khoa, các ứng dụng dạy và học; và công cụ giáo dục điện tử. Với máy tính bảng bình thường, ai cũng có thể cài đặt thêm các sách giáo khoa và ứng dụng giáo dục mà mình mua. Còn với công cụ giáo dục điện tử (trong đó có sách giáo khoa điện tử), thiết bị phải có giao diện người dùng riêng và với những tính năng quản lý phù hợp. Với thiết bị thứ hai này, học sinh chỉ được phép sử dụng các nội dung giáo dục được cài đặt sẵn và thực hiện các tác vụ được phụ huynh hay thầy cô cho phép (nghĩa là có kiểm soát).

Theo thiển ý của tôi, trong điều kiện Việt Nam bây giờ, đừng vội đặt ra mục đích là dùng máy tính bảng để thay thế sách giáo khoa và các công cụ dạy và học trong nhà trường. Ngay cả các nước tiên tiến và giàu có cũng chẳng dám mơ như vậy. Máy tính bảng hay công cụ giáo dục điện tử vẫn chỉ nên là một công cụ hỗ trợ mang tính tùy chọn. Không ai phản đối những trường “đặc biệt” (như trường tư dành cho đối tượng phụ huynh có thu nhập cao) ứng dụng máy tính bảng cho việc dạy và học như một nét riêng của trường mình và được phụ huynh chấp nhận. Chuyện ứng dụng công cụ này ra sao và ở mức độ nào lại là chuyện khác. Cũng chẳng ai phủ nhận các tính năng hữu ích của loại hình sách giáo khoa điện từ, công cụ học tập điện tử. Nhưng cũng chẳng ai đem sách giáo khoa điện tử đi so sánh và phủ nhận sách giáo khoa truyền thống.

Nếu phải lựa chọn, tôi vẫn thích mô hình những trường lớp thông minh, nơi thầy trò có thể tiếp cận các công nghệ hiện đại để nâng cao chất lượng dạy và học của mình. Bên cạnh đó, nhà nước nên có những chương trình phát triển các công cụ giáo dục điện tử chất lượng cao với giá rẻ hết mức có thể được để tạo điều kiện có nhiều học sinh được tiếp cận với công cụ thời đại này và được kết nối cùng cộng đồng.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 27-8-2014)

+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.

+ Có thể đọc bản in trên báo Tuổi Trẻ ngày thứ Tư 27-8-2014 hay trên báo Tuổi Trẻ Online.

MỜI ĐỌC THÊM:

“Vọc” chơi máy tính bảng giá 900.000 đồng