Chủ nhật ngày 22 tháng 12 năm 2024

Vì sao người Mỹ và châu Âu trở thành những tay súng thánh chiến Hồi giáo?

isis-british

 

Ngay cả Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) cho tới nay vẫn còn mù mờ về những kẻ lãnh đạo và thực lực của lực lượng Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria (ISIS). Các ước tính về quân số của lực lượng thánh chiến Hồi giáo (Jihad) này dao động từ 10.000 tới 40.000 người. Hầu hết là người các nước Trung Đông, chủ yếu là Iraq và Syria – địa bàn hoạt động chính của ISIS. Nhưng có khoảng 2.300 tên là công dân những nước khác. Và gây ngạc nhiên lớn khi có cả ngàn tay súng thánh chiến là người châu Âu và Mỹ.

Số lượng tay súng của ISIS đang tăng lên do lực lượng này đang tích cực chiêu mộ thêm quân từ khắp thế giới.

Lâu nay, người ta đặt câu hỏi vì sao lại có những công dân Mỹ và châu Âu tham gia lực lượng Hồi giáo cực đoan mà cả thế giới đang lên án và chung tay tiêu diệt?

Báo International Business Times (5-9-2014) cho rằng động cơ khiến những người Hồi giáo nước ngoài tham gia ISIS cần phải được xem xét theo tâm lý học của khủng bố. John Horgan, một nhà tâm lý học và giáo sư tại Đại học Massachusetts (Mỹ) có hơn 20 năm nghiên cứu về bọn khủng bố, nói rằng: “Chúng ta có khuynh hướng nghĩ rằng chúng điên khùng. Vì những gì mà bọn khủng bố làm, chúng ta cho rằng có thể giải thích thông qua bệnh lý học của chúng, nhưng việc cố gắng giải thích chủ nghĩa khủng bố như là một chứng bệnh tâm thần quả là sai lạc.”

Không có gì ngạc nhiên khi có nhiều người Hồi giáo luôn mang nặng khát khao được phổ cập đạo mình cho khắp thế giới. Trào lưu Hồi giáo nguyên gốc muốn áp dụng luật Hồi giáo gắn chặt với Kinh Koran như hồi ban đầu của đạo này ở thế kỷ thứ 7 và không chấp nhận một tôn giáo nào khác. Tổ chức khủng bố Hồi giáo quốc tế al-Qaeda và ISIS quả là “gãi đúng chỗ ngứa” của những người này. Giáo sư Horgan cho biết nhiều tay súng nước ngoài nói mình gia nhập ISIS để “được thuộc về một cái gì đặc biệt”. ISIS giúp chúng thực hiện khát vọng xây dựng một vương quốc Hồi giáo và tiêu diệt những kẻ ngoại đạo. Hồi tháng 8-2014, trong một cuộc phỏng vấn của Vice Media, nhiều trẻ em Iraq và Syria nói chúng muốn gia nhập ISIS để được giết hết “bọn tà giáo”.

Trong khi đó, báo Christian Science Monitor (10-9-2014) cho biết người Hồi giáo từ Mỹ và châu Âu gia nhập ISIS nói rằng không phải do mình quá yêu đạo Hồi, mà chủ yếu là muốn có được một sự đồng nhất xã hội mạnh mẽ. Chỉ có ở trong những tổ chức “thánh chiến” như vậy mới giúp chúng có được cái cảm nhận mình thật sự sống giữa xã hội Hồi giáo.

Tay súng thuộc “Nhà nước Hồi giáo” (IS) vừa qua cắt đầu 2 nhà báo Mỹ bị bắt làm con tin là một công dân Anh. Hàng trăm “chiến binh thánh chiến” đến từ phương Tây, nói tiếng Anh, Pháp hay Đức, vẫn cất giữ hộ chiếu của mình để dễ dàng quay trở lại quê nhà truyền bá lý tưởng “thánh chiến”.

Giới học giả cho rằng khoảng 70% “chiến binh thánh chiến” hoạt động bên ngoài nước mình có lẽ là để trốn thoát một cuộc khủng hoảng cá nhân nào đó. Cuộc sống của chúng ở Mỹ và châu Âu thiếu một mục đích mạnh mẽ. Tình trạng suy thoái kinh tế kéo dài, tỷ lệ thất nghiệp cao, những tệ nạn xã hội bị coi là tội lỗi theo giáo lý đạo Hồi, sự phân biệt đối xử và nghi kỵ của xã hội đối với người Hồi giáo – đặc biệt sau cuộc tấn công của khủng bố Hồi giáo vào nước Mỹ ngày 11-9-2001. Tất cả khiến một số người Hồi giáo ở Mỹ và châu Âu căng thẳng và rơi vào khủng hoảng, bế tắc.

Theo giới nghiên cứu, người Hồi giáo ở Mỹ ít có khuynh hướng cực đoan hơn ở châu Âu. Xã hội Mỹ dù gì cũng thoáng hơn và họ có thể hội nhập tốt hơn. Còn ở châu Âu, các cộng đồng Hồi giáo thường bị cô lập và khổ sở giữa những xã hội già nua, bảo thủ. Vậy là những tổ chức cực đoan Hồi giáo ở nước ngoài trở thành cứu cánh cho những phần tử này. Điều nghiệt ngã và cũng là nguy hiểm ở chỗ trong khi các nước phương Tây tập trung vào cuộc chiến chống chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo ở xứ người, họ không chỉ chống lại những công dân của nước mình trong hàng ngũ những tổ chức đó, mà ngay ở trong nước họ cũng ẩn chứa những mầm mống Hồi giáo cực đoan chờ thời cơ là bùng phát. Đó là lý do mà các nước phương Tây cần thiết có những đối sách phù hợp với cộng đồng Hồi giáo ở nước mình để họ an tâm và hội nhập.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 12-9-2014)

+ Có tjhể đọc bản in trên báo CA.TPHCM ngày 11-9-2014

+ Ảnh: Một nhóm “chiến binh thánh chiến Hồi giáo” từ Anh sang gia nhập ISIS. (Nguồn ảnh: Internet. Thanks.)