Sự thật đến từ 60 tấm bản đồ cổ của châu Á
Trong lúc Trung Quốc đang hối hả xây dựng trái phép các công trình trên đảo Gạc Ma và một số bãi ngầm của Quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Philippines vừa công bố một bộ sưu tập 60 tấm bản đồ cổ của châu Á mà nhà chức trách nước này khẳng định chúng giúp “lột trần” mưu đồ của Bắc Kinh hòng tuyên bố cái gọi là “chủ quyền lịch sử” đối với Biển Đông, đặc biệt là bãi cạn Scarborough nằm ở phía tây của Philippines.
Báo Mỹ International Business Times (12-9-2014) cho biết ngày 6-6-2014, Phó chánh án Tòa án Tối cao Philippines, Antonio Carpio đã có một bài diễn thuyết trước công chúng và đưa ra những tấm bản đồ cổ để chứng minh những sự thật lịch sử thật sự và lột trần những điều dối trá của Bắc Kinh. Ông hy vọng rằng những tấm bản đồ này, có niên đại xưa nhất là năm 1136 dưới triều đại Nam Tống, cuối cùng sẽ giúp giải quyết được tranh cãi về chủ quyền ở Biển Đông, theo đó khẳng định được chủ quyền của Philippines đối với những vùng mà Trung Quốc đang tranh giành. Quan tòa Carpio nhấn mạnh: “Chúng ta tôn trọng các sự thật lịch sử chứ không phải những dối trá lịch sử.”
Bộ sưu tập 60 bản đồ cổ mà Philippines vừa cho công bố đều cho thấy đảo Hải Nam là lãnh thổ cực nam của Trung Hoa trước đây. Không hề có bất cứ một lãnh thổ trên biển nào khác, chứ đừng nói chi tới các Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. (Tham khảo bộ sưu tập bản đồ cổ tại: http://www.imoa.ph/imoawebexhibit/)
Mãi cho đến năm 1947, Cộng hòa Trung Hoa của Quốc dân đảng lúc đó đã tự ý vẽ thêm đường lưỡi bò 9 khúc lên bản đồ Biển Đông, trong đó khoanh luôn đảo Đài Loan, để tự tuyên bố chủ quyền tới 90% vùng biển này. Điều nghiệt ngã là chính quyền Quốc dân đảng đã trở thành nạn nhân của chuyện “gắp lửa bỏ tay người” bị “gây ông đập lưng ông” khi giờ đây Trung Quốc sử dụng cái bản đồ “đường 9 khúc” đó để khẳng định đảo Đài Loan thuộc chủ quyền của mình.
Có lẽ do ngày càng nhận ra sự “yếu nền móng” của những “chứng cứ lịch sử” do mình đưa ra, Trung Quốc đang tăng cường theo chiến thuật thay đổi hiện trạng, tạo sự đã rồi, không chỉ chiếm đóng mà còn xây dựng các công trình của mình trên các vùng tranh chấp. Từ những bãi ngầm sẽ mọc lên những hòn đảo nhân tạo. Rồi đây có thể họ sẽ đưa người ra sinh sống ở đó để tạo thành chứng cứ “nhà của ta, người của ta” nên suy ra là “đất của ta”. Một khi đã có người dân của mình sinh sống, họ sẽ mạnh miệng tuyên bố các vùng đặc quyền kinh tế trên vùng biển chung quanh. Có thể nói rằng, Trung Quốc đã làm “quá tốt” điều này ở quần đảo Hoàng Sa. Hiện nay, lên Internet tìm kiếm dữ liệu về Hoàng Sa, người ta sẽ chỉ thấy hầu như toàn là hình ảnh các công trình và con người Trung Quốc. Với quần đảo Trường Sa thì còn có những hình ảnh của Việt Nam.
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Saigon 14-9-2014)
+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.