Thứ Bảy ngày 14 tháng 12 năm 2024

Trung Quốc soán ngôi Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới

141009-china-numbet-1-economy-01

 

Vậy là điều dự báo đã “on-time”: Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Không phải cô Tư bán chè đậu đen nước dừa đường cát ở xóm trên hóng hớt cửa sổ nhà phú hộ rồi “tám” bậy bạ đâu. Báo Mỹ Business Insider (8-10-2014) nói rằng chính Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) – một thể chế tài chính lâu nay bị cho là do Mỹ chi phối – vừa công bố như vậy.

Từ hồi tháng 4-2014, giới chuyên gia tài chính – kinh tế đã dự báo sắp tới ngày Trung Quốc soán ngôi Mỹ.

IMF đã dùng phương pháp tính sức mua tương đương (purchasing power parity) của các nước để phân thứ hạng từng nền kinh tế. Sở dĩ phải quy đổi cho ngang bằng vì giá cả thị trường ở mỗi nước khác nhau. Tô phở ở Việt Nam chừng 50.000 đồng, nhưng ở Mỹ có giá xấp xỉ 200.000 đồng. Nhưng một người ở Việt Nam có thu nhập kém xa người Mỹ nếu như quy đổi đơn giản từ VND sang USD. Vì thế, IMF đã tính toán so đo GDP cả về thị trường hối đoái (market-exchange) lẫn sức mua. Nếu tính theo sức mua, Trung Quốc giờ đây đã vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Theo số liệu của IMF, vào cuối năm 2014, Trung Quốc sẽ chiếm 16,48% GDP dựa theo sức mua của thế giới (17.632 tỷ USD), trong khi Mỹ chiếm 16,28% (17.416 tỷ USD).

141009-china-numbet-1-economy-02

Sức mua tương đương.

Thật ra, đây mới chỉ là một cách tính. Nếu so về sức mua, Trung Quốc là “đệ nhất võ lâm toàn cầu”. Còn nếu so với số liệu bình thường, Trung Quốc vẫn còn thua Mỹ hơn 6.500 tỷ USD. Và nếu so với giá trị tiền tệ, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc còn khuya mới bắt kịp đồng USD.

141009-china-numbet-1-economy-03

Giá trị tiền tệ trên thị trường

Cách đây hơn 4 năm, ngày 16-8-2010, Văn phòng Nội các Nhật Bản công bố GDP danh nghĩa của nước này trong quy 2-2010 là 1.288 tỷ USD. Trong khi đó, của Trung Quóc là 1.337 tỷ USD. Vậy là từ đó, Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản để trở thành nền kinh tế số 2 thế giới.

Chẳng phải “ghét nhau ghét cả tông ti họ hàng” gì đâu, nhưng cái giàu của Trung Quốc không đắc nhân tâm. Thực tế thì so về tổng số tiền kiếm được, chẳng có nước nào qua nổi Trung Quốc – nước đông dân nhất thế giới (1,3 tỷ người, so với 316 triệu người của Mỹ). Đâu phải ai cũng hễ giàu là sang đâu, giống như trọc phú trong chuyện cổ tích ngày xưa. Tôi nhớ khi Trung Quốc qua mặt Nhật Bản trở thành nước giàu thứ nhì thế giới, một học giả ở Bắc Kinh nhận định rằng: Giàu dựa theo những con số thì chẳng có giá trị thật. Vấn đề chính là chất lượng giàu ra sao. Chỉ đáng lo ở chỗ, mấy ông trọc phú mới nổi có thể vung tiền mà mua cả thế gian!

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 9-10-2014)

+ Nguồn ảnh: Internet.