Thứ Năm ngày 05 tháng 12 năm 2024

Một thế giói ngổn ngang nhìn từ Bắc Kinh

Decoration Flowers For APEC Summit In Beijing

 

Trong số 26 cuộc gặp thượng đỉnh luân phiên hàng năm của Tổ chức Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) gồm 21 nền kinh tế thế giới kể từ năm 1989 tới nay, có 2 lần diễn ra ở Trung Quốc (nước gia nhập năm 1991). Và tại cuộc gặp APEC 2014 ở Bắc Kinh (ngày 10 và 11-11-2014), Trung Quốc đã đóng vai trò chủ nhà với một tư thế hoàn toàn khác hẳn lần trước tại Thượng Hải tháng 11-2001. Tất cả xuất phát từ vai trò của Trung Quốc hiện nay ở khu vực và trên thế giới.

Và chính vì cái vai trò phức tạp của Trung Quốc đó mà nhiều nhà lãnh đạo thế giới đã tới Bắc Kinh với nặng trĩu tâm trạng.

Không khó để nhận ra sự khó xử của các nhà lãnh đạo tới từ những nước và vùng lãnh thổ đang bị Trung Quốc tranh chấp chủ quyền lãnh hải với các đường lưỡi bò nhiều đoạn thâu tóm 90% Biển Đông (như Brunei, Malaysia, Indonesia, Philippines, Việt Nam, Đài Loan,…), hay ở Biển Hoa Đông (với Nhật Bản). Tuy thực tế giữa các nước chung quanh Biển Đông vẫn tồn tại những tranh chấp lãnh hải với nhau, nhưng không gay gắt và nguy hiểm như giữa họ với Trung Quốc, do thái độ và cách hành xử của Bắc Kinh.

Rồi giữa một số nền kinh tế là thành viên APEC cũng đang có những vấn đề nghiêm trọng với nhau. Sự đối đầu giữa Bắc Kinh và Đài Loan thì là “chuyện trăm năm” rồi. Ngay cả hai nước láng giềng Nhật Bản và Hàn Quốc cũng chẳng êm ấm với chuyện liên quan tới Đền thờ Yasukuni, nơi Nhật Bản thờ các anh hùng dân tộc mà trong đó có những nhân vật bị Hàn Quốc coi là tội phạm chiến tranh. Lần này, nhân vật “nóng” thứ hai sau chủ nhà Trung Quốc là nước láng giềng Nga. Nước này tới Cuộc họp APEC 2014 khi đang bị Mỹ và phương Tây cấm vận kinh tế vì bị cáo buộc can thiệp vào Ukraine, đồng thời đang bị quy trách nhiệm (ít nhất là có liên quan) tới thảm kịch chuyến bay MH17 của hãng hàng không Malaysia (MAS) bị tên lửa bắn hạ khi đang bay qua vùng trời miền đông Ukraine hồi giữa tháng 7-2014 khiến toàn bộ 283 hành khách và 15 nhân viên đội bay thiệt mạng. Ngay chính Malaysia cũng nợ thế giới, đặc biệt là người dân Trung Quốc, câu trả lời về chuyến bay MH370 của hãng MAS bị mất tích bí ẩn hồi thượng tuần tháng 3-2014 với 227 hành khách và 12 nhân viên đội bay, trong đó có tới 152 hành khách là người Trung Quốc.

Mỹ cũng đến Bắc Kinh với những căng thẳng với cả chủ nhà lẫn Nga.

Cuộc họp APEC 2014 chứng kiến 2 thế lực kinh tế một mới, một cũ đang đối đầu với nhau. Hồi tháng 10-2014, theo một cách tính gây nhiều tranh cãi, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) lâu nay vẫn bị nói là do Mỹ nắm quyền đã công bố Trung Quốc lần đầu tiên qua mặt Mỹ để trở thành nền kinh tế số 1 thế giới. Hồi tháng 8-2010, Trung Quốc đã giành vị trí nền kinh tế số 2 thế giới từ Nhật Bản. Với nguồn dự trữ ngoại tệ  quá lớn (lên tới 4.000 tỷ USD), một thị trường tiêu thụ lớn nhất toàn cầu (hơn 1,3 tỷ dân), và một đại công xưởng sản xuất lớn nhất hành tinh, Trung Quốc đang ráo riết thực hiện chiến lược nắm quyền chủ động về tài chính – kinh tế thế giới. Hồi mùa hè 2014, Trung Quốc chủ xướng thành lập Ngân hàng Phát triển nhóm nước BRICS (gồm các nước Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) có trụ sở tại Thượng Hải với số vốn ban đầu 50 tỷ USD. Tới ngày 24-10-2014, đại diện 21 châu Á đã ký biên bản ghi nhớ thành lập Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng với số vốn ban đầu 50 tỷ USD. Rõ ràng là Bắc Kinh đang muốn đối đầu với các định chế tài chính truyền thống là Ngân hàng Thế giới (WB) và IMF đều do Mỹ chi phối và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) do Nhật Bản chi phối.

Chưa hết, Mỹ đang thúc đẩy hình thành một liên minh kinh tế gọi là Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership, TPP) nhằm kết dính 12 nền kinh tế nằm trên Vành đai Thái Bình Dương lại với nhau. Trong khi đó, Trung Quốc (không nằm trong TPP) đang ráo riết thành lập một lục lượng riêng đối đầu lại gọi là Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (Regional Comprehensive Economic Partnership, RCEP) bao gồm Trung Quốc, các nước Đông Á, Đông Nam Á, Ấn Độ, Úc và New Zealand).

Vì thế, cộng đồng quốc tế kỳ vọng các nền kinh tế APEC thể hiện tinh thần trách nhiệm với thế giới bằng cách tận dụng cơ hội tại cuộc gặp ngay chính Bắc Kinh này mà tìm ra được những lối thoát cho các bất đồng và bất ổn giữa nhau. Một tín hiệu đáng mừng là ngày 7-11-2014, chỉ ba ngày trước khi khai mạc cuộc họp APEC, Nhật Bản và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận thừa nhận có sự tranh chấp giữa 2 nước về một số đảo ở Biển Hoa Đông, đồng ý ngăn chặn sự leo thang tranh chấp. Thế giới chỉ an lành khi các nước thành viên chọn hợp tác thay vì đối đầu với nhau.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 11-11-2014)

+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.

+ Có thể đọc bản in trên báo CA.TPHCM ngày 11-11-2014