Thứ Sáu ngày 22 tháng 11 năm 2024

Tàu đổ bộ sao chổi Philae đã ngủ đông

141111-comet

 

Sáng sớm thứ Bảy 15-11-2014, không khí buồn bã hiện trên khuôn mặt của những người làm việc tại các trung tâm điều khiển của dự án đổ bộ sao chổi Rosetta của Cơ quan Không gian châu Âu (ESA). Con tàu đổ bộ Philae đang ở trên bề mặt sao chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko đã cạn pin, đành phải nói lời từ biệt Trái đất. Nhưng trước khi chìm vào một giấc ngủ đông (hibernate), giống như cái style của các bộ phim Hollywood, con tàu Philae đã có hành động thiệt là anh hùng kịp gởi về Trái đất tất cả các dữ liệu mà nó thu thập được trước khi cái chữ “The End” xuất hiện trên màn hình. Trên tài khoản @Philae2014 của mạng xã hội Twitter, con tàu đã gửi về tweet cuối cùng: “Tôi đang cảm thấy khá mệt mỏi. Các bạn đã nhận được tất cả các dữ liệu của tôi rồi đó chứ? Có thể tôi phải chợp mắt một cái đây…”

Sau 57 giờ tiến hành các thí nghiệm khoa học theo sự điều khiển từ Mặt đất, tàu Philae đã mất liên lạc với Trái đất vào lúc 0:36 GMT (tức 7:30 sáng theo giờ VN) ngày 15-11-2014.

Vì hạ cánh vào ngay một cái hang (cách địa điểm hạ cánh được chọn khoảng 1km, do bị bật nảy 2 lần), tàu Philae vừa bị hư hỏng các tấm pin mặt trời, vừa đáp ở vị trí không đủ ánh nắng cho các tấm pin mặt trời sạc lại năng lượng.

Sau khi được thả ra từ tàu vũ trụ Rosetta của ESA,  thiết bị hạ cánh Philae đã chạm lần đầu tiên xuống bề mặt sao chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko vào lúc 15:33 giờ GMT (tức 22:33PM giờ VN) ngày 12-11-2014, sau cuộc hành trình dài tới 6,5 tỷ km trong vòng 10 năm trời. Lúc đó, sao chổi ở cách Trái đất hơn 500 triệu km.

Theo các nhà nghiên cứu, các dữ liệu mà tàu Philae thu thập trên sao chổi và gửi về Trái đất có thể tiết lộ các thành phần phân tử đã tạo nên sự sống trên Trái đất. Do các sao chổi là những vết tích còn lại từ việc hình thành hệ Mặt trời cách đây 4,6 tỷ năm, các thành phần của chúng cũng là những thành phần nguyên thủy của các hành tinh.

Cho dù con người có tài giỏi, thông minh tới chừng nào, chúng ta vẫn có nhiều hạn chế trước những bí ẩn và sức mạnh của tự nhiên. Chúng ta đã thành công trong việc đưa tàu thám hiểm Rosetta bay tới sao chổi được chọn và đã cho tàu Philae đáp được xuống bề mặt sao chổi (lần đầu tiên trong lịch sử có một vật thể do con người tạo ra đáp xuống một sao chổi), nhưng lại không thể điều khiển được nó như ý muốn.

Bây giờ, các nhà khoa học đành chờ xem liệu tàu Philae có thể sống lại được không. Sao chổi này hiện đã vượt qua sao Hỏa, và tới tháng 8-2015 sẽ gần với Mặt trời hơn, lúc đó sẽ có ánh nắng mạnh hơn, nên hy vọng có thể đủ sạc được các tấm pin mặt trời.

Trong khi đó tàu mẹ Rosetta vẫn tiếp tục là một người bạn đồng hành cùng sao chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko trong 20 tháng tới. Nó sẽ tiếp tục công việc nghiên cứu sao chổi này và chờ đợi những tín hiệu hồi sinh từ tàu con Philae.

Bất luận thế nào, từ cái ngày lịch sử 12-11-2014, sao chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko sẽ lang thang trong Ngân hà với một vật tạo tác của loài người nằm trên bề mặt của nó.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 16-11-2014)

+ Nguồn ành: Internet. Thanks.

Philae_on_the_comet_Front_view

Tàu đổ bộ Philae trên bề mặt sao chổi qua nét vẽ của họa sĩ.

Rosetta_Philae_03 rosetta-philae