Thứ Sáu ngày 22 tháng 11 năm 2024

Nhân có cô em “hữu cơ”

 

 

Cách đây lâu lâu, vợ chồng cô em đồng nghiệp đồng hương Phạm Hồng mời tôi dự buổi khai trương cừa hàng bán yến sào. Bận đi ta bà, tôi đành như “chim yến lặn”… (hỗng có dính dáng gì tới chuyện “rợp trời chim én liệng” của nhạc sĩ Hoàng Hiệp trong Mùa Chim Én Bay đâu).

Rồi cách đây chưa lâu lâu, vợ chồng cô em lại phóng thư mời ông anh cà tửng cà tưng tới dự khai trương cửa hàng kinh doanh thực phẩm hữu cơ (organic food). Có lẽ tưởng ông anh vốn sống đạm bạc “cơm nguội, cá kho khô khét truyền thống” có thể “hôi cao lương, tanh mỹ vị” (cũng hỗng liên can chi tới cái vụ “hôi cơm tanh cá” nghen), nên lần này chắc mẫm gã có mặt. Dè đâu, gã lại mắc chuyện cày bừa không thể bỏ con trâu ngoài ruộng đặng.

Bây giờ, vợ chồng cô em lại báo tin khai trương thêm cửa hàng thực phẩm hữu cơ thứ ba. Vậy là ăn nên mần ra rồi. Chúc mừng hai em. Mà vợ chồng nhà hắn làm ăn bài bản, có build thương hiệu hẳn hoi với cái logo hợp tình và bắt mắt Organica – nghe có hương vị châu Mỹ Latinh rồi.

organica

Thực phẩm hữu cơ là các loại thực phẩm được sản xuất và chế biến theo phương pháp tự nhiên, không đụng tới hóa chất. Nó thuộc dạng thực phẩm sạch: thân thiện với môi trường, có lợi cho sức khỏe. Chuyện ăn uống thực phẩm hữu cơ có giúp tăng cường sức khỏe hay không là “hên xui”, nhưng chắc cú là chúng không gây hại cho sức khỏe.

Thực phẩm hữu cơ là một xu hướng và thị hiếu tiêu dùng trong ẩm thực hiện nay ở Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới. Lần nào qua Mỹ, tôi cũng đều có dịp “thưởng hưởng” (thưởng thức và hưởng thụ chớ hỗng phải “thượng hưởng” đâu) những món thực phẩm hữu cơ, và đều có khuân về xứ. Những lần lang thang trên đường phố ở San Francisco, tôi vẫn thường gặp những hãng kinh doanh thực phẩm hữu cơ cho xe đi tặng những gói thực phẩm hữu cơ khuyến mãi cho mọi người làm quen. Tất nhiên, nào thiếu bóng tôi. Mà họ cho nhiều lắm, có khi tới mức về khách sạn ăn không hết, tôi phải tặng lại cho nhân viên phục vụ (đồ nguyên bao bì à nghen). Coi như “chia sẻ cho nhau chút lộc Trời”. Lần ở bang Colorado, mấy thầy trò tôi từng tạt xe ghé vào một điểm bán thực phẩm hữu cơ ven đường của một nông trại để mua nho, cherry, táo, plum,… Nhiều nơi cũng mở cả những khu chợ, siêu thị bán thực phẩm hữu cơ.

130911-phphuoc-sanfrancisco-idf-intel-144_resize

 

Xe khuyến mãi thực phẩm hữu cơ tại San Francisco.

130911-phphuoc-sanfrancisco-idf-intel-160_resize

130911-phphuoc-sanfrancisco-idf-intel-162_resize

Bên trong một túi quà khuyến mãi thực phẩm hữu cơ nhiều như thế này nè.

130919-phphuoc-colorado-036_resize

Mua thực phẩm hữu cơ tại Denver (Colorado).

130919-phphuoc-colorado-037_resize

130919-phphuoc-colorado-044_resize

Đặc biệt là ở những nơi có cộng đồng người Amish, người ta thích những loại thực phẩm hữu cơ do họ sản xuất. Người Amish (hiện sinh sống tại 18 bang ở Mỹ) thuộc giáo hội Thiên chúa giáo truyền thống từ châu Âu (Thụy Sĩ, Hà Lan, Đức,…) di dân tới bang Pennsylvania (Mỹ) hồi đầu thế kỷ 18. Họ nổi tiếng với lối sống đơn giản và luôn sống ở những vùng xa xôi, cách biệt. Cho tới tận ngày nay, người Amish ở Mỹ vẫn chống lại lối sống hiện đại hóa, cấm hay hạn chế sử dụng các thiết bị dùng điện, điện thoại, xe có động cơ,… cũng như có những quy tắc riêng về ăn mặc, cực kỳ đơn giản. Họ cũng chẳng mua bảo hiểm hay tham gia An sinh Xã hội. Vì thế, họ canh tác theo các phương pháp cổ truyền, không đụng chạm gì tới các thứ hóa chất. Thực phẩm của họ là loại “hữu cơ tận gốc”.

Các bạn ở Mỹ cũng cảnh báo tôi phải cẩn trọng vì cái label thực phẩm hữu cơ bị lạm dụng dữ lắm. Phải mua từ những nơi có uy tín. Chắc cũng giống như cái vụ “rau sạch mà dơ” ở xứ mình thôi, kẻ bán ghé “dịch vụ bán sâu” mua ít con sâu bỏ vào mớ rau để chứng minh là nó “sạch”. Hiện nay, Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Canada, Mexico, Nhật Bản,… và nhiều nước khác đều đưa thực phẩm hữu cơ vào vòng quản lý nghiêm ngặt. Để được dán label “organic food”, thực phẩm phải được cơ quan chức năng kiểm nghiệm chặt chẽ và phải hội đủ nhiều điều kiện, tiêu chuẩn (chẳng rõ có quy định gì liên quan tới chiêu khuyến mãi thêm mấy con sâu không).

Căng lắm à nghen. Nhiều nước không phải chỉ có kiểm nghiệm thành phẩm (đầu ra) đâu, mà còn kiểm soát cả quy trình sản xuất (đầu vào) nữa. Nông trại phải có đủ các phương tiện sản xuất thực phẩm hữu cơ. Quy trình sản xuất phải có chế độ tưới tiêu lành mạnh và các khâu cơ khí hóa hợp lý để thúc đẩy việc tái tạo, phục hồi các nguồn tự nhiên, tăng cường cân bằng sinh thái và bảo đảm đa dạng sinh học. Trong quá trình sản xuất không được dùng tới thuốc trừ sâu bệnh tổng hợp và phân hóa học; ngay cả thuốc trừ sâu bệnh gốc hữu cơ cũng chỉ được sử dụng dưới sự kiểm soát chặt chẽ. Các thành phẩm thực phẩm hữu cơ không được xử lý bằng phương pháp bức xạ, các chất hòa tan công nghiệp hay các chất phụ gia thực phẩm tổng hợp.

Tất nhiên, do quy trình sản xuất như vậy, thực phẩm hữu cơ luôn đắt hơn các loại thực phẩm khác. Nhưng cũng phải tính thêm tình trạng một số nhà kinh doanh lợi dụng các mác hữu cơ để làm giá moi tiền của người tiêu dùng. Trong thời buổi thực phẩm bị ô nhiễm tràn lan như hiện nay, thực phẩm sạch bao giờ cũng được ưa chuộng hơn.

Ngay từ lần đầu được tiếp cận với những loại thực phẩm hữu cơ ở Mỹ, tôi đã nhận ra tiềm năng của chúng. Trong đầu tôi đã có một “kế hoạch hậu chiến” để triển khai khi “ngòi bút cạn mực”. Tôi đã bàn với một vài bạn ở Mỹ để lúc đó cùng hợp tác đưa các loại thực phẩm hữu cơ từ Mỹ về bán ở Việt Nam. Không phải chỉ là chuyện “cơm áo gạo tiền” mà với tôi, đó còn là thêm một cơ hội cuối đời “làm được cái gì đó có ích lợi cho cộng đồng”.

Vì thế, khỏi nói là tôi tâm đắc và mừng vui như thế nào khi vợ chồng cô em mình đã “đi trước”. Mà anh em mình chớ hề cạnh tranh đâu nghen, “buôn có bạn, bán có phường” và “trăm người bán, vạn người mua” mà. Chỉ có điều, để tôi kiểm tra xem cây bút mình còn bi nhiêu mực!

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 25-1-2015)