Chủ nhật ngày 22 tháng 12 năm 2024

CẬP NHẬT TAI NẠN MÁY BAY ĐÀI LOAN: Những người hùng cứu nạn và những người may mắn

150205-ge235-crashed-taiwan-07

 

Theo tin của hãng tin Pháp AFP, tới tối 5-2-2015, số người chết được khẳng định trong tai nạn chuyến bay GE 235 của hãng hàng không Đài Loan TransAsia Airways sáng 4-2-2015 tại Đài Bắc đã lên tới 31 người. Có 12 người còn mất tích. Chỉ có 15 người sống sót. Trong số 25 người chết được ghi nhận đầu tiên, có 14 người chết tại chỗ, số còn lại bị thương nặng và chết trên đường tới bệnh viện.

Đây là một trong những vụ tai nạn máy bay hiếm hoi được ghi lại hình ảnh lúc máy bay đang lâm nạn. Những camera hành trình gắn trên những chiếc xe hơi đang chạy trên cầu đã ghi được cảnh tượng mà nhiều người ban đầu không tin, hoặc nói là video giả hay ghép, hoặc tưởng trích từ một bộ phim cảm giác mạnh nào đó. Nhiều xe hơi ở Đài Loan được gắn loại camera này có chức năng ghi lại hình ảnh đang diễn ra trước mũi xe để làm chứng cứ sau này nếu lỡ xảy ra tai nạn hay va quẹt trên đường, cũng như giúp chống lại những sếp cảnh sát giao thông có hành vi không tốt.

Chiếc máy bay hai động cơ phản lực cánh quạt cỡ trung ATR 72-600 chuyến bay GE 235 sáng 4-2-2015 đang thực hiện chuyến bay thường lệ từ Đài Bắc tới đảo Kinmen (Kim Môn) nằm ngoài khơi thành phố Xiamen (Hạ Môn) của Trung Quốc. Trên máy bay có 53 hành khách và đội bay 5 người. Có 31 hành khách là công dân Trung Quốc, hầu hết từ Kinmen sang Đài Loan du lịch nay trở về. Máy bay đã đâm xuống sông Keelong vào lúc 10g55ph giờ địa phương (tức 9g55ph theo giờ VN) chỉ ít phút sau khi cất cánh từ sân bay Taipei Songshan.

Việc cứu hộ khi vừa xảy ra tai nạn gặp khó khăn do trời lạnh và triều cường dâng cao.

Số nạn nhân may mắn được cứu sống đều ngồi ở phần đuôi máy bay. Đây là phần nổi lên mặt nước lâu nhất và có một lỗ thủng tạo ra do đuôi máy bay va vào thành đường cao tốc trên cao (elevated expressway) trước khi đâm xuống sông. Thiệt ra trong cái rủi có cái may. Nếu như không có cú va chạm cuối cùng đó để tạo ra lỗ thủng, không biết số phận những nạn nhân kia ra sao.

Có tin kể rằng một ông bố tên Lin Ming-wei ngay trước khi cất cánh đã yêu cầu tiếp viên cho đổi ghế của gia đình mình ngồi ở hàng ghế bên trái gần động cơ máy bay xuống hàng ghế trống bên phải phía sau đuôi (máy bay có 72 ghế. chuyến này có 53 hành khách) nhờ đó mà vợ chồng anh và đứa con trai nhỏ đã thoát nạn. Lin kể mình quyết định đổi ghế ngồi vì tiếng động cơ máy bay làm anh khó chịu. Khi máy bay rơi xuống sông, Lin ở tư thế ngồi chổng đầu xuống dưới. Anh đã xoay xở tháo dây an toàn cho mình rồi tháo dây an toàn cho vợ để giúp chị thoát ra (chị bị gãy xương bàn tay trái). Rồi anh tìm con trai 2 tuổi rưỡi của mình ở giữa làn nước bùn đục ngầu đã dâng lên tới ngực. “Nó là đứa con duy nhất của chúng tôi. Tôi không thể để mất nó được”, – Lin nói. Chừng 3 phút sau anh mới tìm thấy đứa trẻ bị kẹt trong ghế. Khi đưa đứa bé ra khỏi máy bay, tim nó đã ngưng đập và môi đã tím tái. Lin đã làm hô hấp nhân tạo cho con và cuối cùng thần chết đã chịu khuất phục trước lòng dũng cảm và tình thương con của ông bố trẻ.

Phải chăng đi máy bay ngồi sau đuôi an toàn hơn? Thực tế, phần đuôi là chỗ những hành khách nào xui xẻo nhất mới bị xếp ngồi ở đó, đặc biệt là ở hàng ghế cuối cùng dựa lưng vào cái nhà vệ sinh. Đây là khu vực bị rung lắc dữ dội nhất trên máy bay, nhất là khi máy bay lên xuống hay rơi vào vùng nhiễu động không khí. Hành khách ngồi ở phần đuôi máy bay giống như ngồi xe đò về đường huyện ngày xưa đầy ổ voi, ổ trâu. Trong tai nạn chuyến bay OZ214 của hãng hàng không Hàn Quốc Asiana Airlines khi đáp xuống sân bay quốc tế San Francisco (Mỹ) sáng thứ Bảy 6-7-2013, chiếc Boeing 777-200ER chở 307 người đã quẹt phần đuôi xuống bờ kè biển đầu sân bay khiến nguyên phần đuôi đứt lìa làm một số hành khách và tiếp viên ngồi ở sau đuôi bị văng xuống đường băng tử vong và bị thương. Nói chung là hên xui thôi. Nhưng tốt nhất là nên ngồi ở ghế gần lối đi và gần cửa thoát hiểm. Và bất luận thế nào, đi máy bay – phương tiện an toàn nhất trong số các loại hình vận chuyển – mà gặp tai nạn thì cầm chắc 99% “đi không lo gì xác rơi” như nhạc sĩ Văn Cao viết trong ca khúc Không Quân Việt Nam Hành Khúc hồi đầu thập niên 1940.

Một hành khách không chỉ thoát chết mà đã trở thành người hùng cứu nạn. Đó là ông Huang Chin-shun, một cựu bác sĩ quân y Trung Quốc 72 tuổi. Trong cơn thập tử nhất sinh, ông còn kịp giúp mở dây lưng an toàn cho 4 hành khách khác để họ thoát ra ngoài. Do công việc, mỗi tháng ông thường bay qua lại Đài Bắc 6 lần vì thế rất quen với loại máy bay này. Ông kể trên đài truyền hình Đài Loan: “Tôi cảm thấy có điều gì đó bất thường với động cơ máy bay ngay sau khi cất cánh và đã nói cô gái ngồi bên cạnh nhanh chóng tháo dây lưng an toàn ra… và rồi máy bay rơi xuống.” Thiệt ra, đây cũng là chuyện hên xui và việc tháo dây an toàn trước như vậy hoàn toàn trái với quy định an toàn hàng không. Dây lưng an toàn (seat belt) chính là một trong những công cụ giúp bảo vệ hành khách khi máy bay gặp sự cố, kể cả trong tình huống va chạm mạnh, bị rơi xuống. Vì thế khi máy bay lên xuống hay khi bay vào vùng không khí xấu, tiếp viên đều yêu cầu hành khách cài chặt dây an toàn. Trong chuyến bay bi kịch Asiana Airlines OZ214 hồi tháng 7-2013, mấy nữ sinh Trung Quốc ngồi phía sau do không cài dây an toàn nên đã bị văng xuống đường băng tử vong. Nhưng cũng chính dây lưng an toàn khi bị kẹt lại là nguyên nhân gây tử vong cho không ít hành khách vẫn còn sống sau khi xảy ra tai nạn do không thể thoát ra khỏi xác xe hay máy bay. Vấn đề chung quy lại vẫn nằm ở chỗ hên xui và có thể cài và mở dây an toàn chính xác, kịp thời.

Có lẽ may mắn nhất trong số các nạn nhân sống sót là nữ tiếp viên hàng không 26 tuổi Huang Jin-ya. Cô ngồi ở phía sau đuôi và được giải thoát. Trong chuyến bay GE 222 cũng của hãng TransAsia Airways lâm nạn hồi tháng 7-2014 khi đang đáp xuống sân bay ở đảo Penghu giữa trời mưa bão khiến 48 người chết (máy bay chở 58 người), Huang đã có tên trong đội bay nhưng sau đó xin đổi sang chuyến khác.

Bình thường hễ nghe ai thề “tao nói láo cho máy bay đụng đi”, bạn bè hiểu rằng anh ta là một “đệ tử bác Ba Phi”, nói chuyện không có. Nhưng sáng 4-2, tài xế taxi 52 tuổi Chou Hsi-tung và một phụ nữ hành khách của ông đã trải qua tình huống hi hữu đó. Chiếc xe Volkswagen màu vàng của họ đang chạy trên đường trên cao thì bị chiếc máy bay ATR 72-600 gây tai nạn làm hư toàn bộ phần nắp capô phía trước và vỡ nát kính chắn gió. Hai người trên xe may mắn chỉ bị thương nhẹ do mảnh kính văng phải. Sau khi bị đụng, tài xế Chou gọi điện báo cho tổng đài của công ty taxi Crown Taxi: “Có một máy bay bay ngang qua và đụng tôi.” Nhân viên tổng đài hỏi lại: “Máy bay mô hình điều khiển từ xa hả?” Tài xế trả lời: “Xe tôi bị hư hoàn toàn rồi. Đó là một chiếc máy bay có người lái.” Gia đình Chou cũng không tin khi ông gọi điện về báo: “Tôi OK. Xe của tôi gặp tai nạn. Nó bị máy bay đụng.” Thật ra, khi xem kỹ đoạn video ghi được, có lẽ chiếc xe taxi đó bị những mảnh vỡ do máy bay quẹt vào đường cao tốc văng trúng.

Một trong những trường hợp bi thương nhất là Wang Qinghuo, 26 tuổi, người dẫn đoàn khách du lịch từ Xiamen. Anh đã không bỏ các du khách và đồng hương của mình trong chuyến hành trình về bên kia thế giới. Trong số 31 hành khách Trung Quốc, chỉ còn 3 người còn sống và bị thương. Wang đã không có mặt trong lễ cưới của mình vào Chủ nhật 8-2-2015.

Hai người hùng được ca ngợi nhất trong tai nạn sáng 4-2-2015 là phi công trưởng 41 tuổi Liao Chien-tsung và phi công phó. Ngay sau khi cất cánh, phi công đã gọi điện báo cho đài kiểm soát: “Cấp cứu, cấp cứu, một động cơ máy bay bị mất điện.” Nhân viên kiểm soát không lưu đã yêu cầu phi công cố gắng khởi động lại, nhưng liên lạc đã bị mất. Một khi máy bay đã bay ổn định, dù chỉ còn một động cơ hoạt động, phi công cũng có thể điều khiển máy bay bay tiếp tới nơi có thể đáp xuống. Nhưng lúc máy bay vừa cất cánh, chỉ cần một động cơ ngưng hoạt động là máy bay không đủ lực nâng để bay lên. Qua phân tích hình ảnh ghi được tại hiện trường, đặc biệt là video do những người lái xe ghi được khi máy bay lâm nạn, Daniel Tsang, một nhà phân tích hàng không tại Hong Kong đã nói với hãng tin Pháp AFP (5-2-2015) rằng: “Viên phi công đã làm một nỗ lực có ý thức để tránh gây thêm những thương vong nhiều hơn và không cần thiết bằng cách cho máy bay rơi xuống sông. Đó là một hành động rất dũng cảm.” Bởi nếu máy bay rơi xuống con đường cao tốc trên cao hay đâm xuống bờ sông, số hành khách chết chắc chắn sẽ cao hơn và có thể có cả những người dưới đất bị họa lây. Nhiều người nói rằng phi công Liao đã cố gắng cho máy bay không đâm vào những tòa nhà cao tầng gồm những chung cư và cơ sở thương mại nằm cạnh con sông. Hai viên phi công đã tử vong trên ghế lái của mình. Khi được tìm thấy trong buồng lái, cả hai người đều đang nắm chắc cần lái với đôi chân bị gãy nát.

Khi xác máy bay vẫn còn nằm dưới sông, đông đảo thân nhân đứng trên bờ gọi tên những người thân bất hạnh của mình. Trong khi đó, các nhà sư tụng kinh và vẫy quần áo của các nạn nhân ở phía trước xác máy bay trong nghi thức tôn giáo dẫn đường cho các linh hồn về nhà mình.

Cục Hàng không Dân sự Đài Loan đã ra lệnh cho toàn bộ 22 chiếc máy bay ATR của hai hãng hàng không phải ngưng bay để kiểm tra an toàn. Chiếc lâm nạn sáng 4-2 là ATR 72-600, phiên bản mới nhất của loại máy bay ATR do liên doanh Pháp – Ý chế tạo. Nó mới được bàn giao cho hãng hàng không trong năm 2014 và vừa được kiểm tra, bảo trì ngày 26-1-2015. Hãng tin Anh Reuters lúc 5 giờ chiều 6-2-2015 cho biết: dữ liệu từ hộp đen máy bay cho thấy phi công đã gọi điện cấp cứu chỉ 35 giây sau khi phát hiện một động cơ bị sự cố. Báo Anh Daily Mail chiều 6-2-2015 dẫn lời Thomas Wang, Giám đốc Hội đồng An toàn Hàng không Đài Loan, cho biết: “Dựa trên dữ liệu mà chúng tôi có được cho tới nay, có một thời gian cả hai động cơ đều ngưng hoạt động. Động cơ bên phải ngừng hoạt động chỉ khoảng 37 giây sau khi cất cánh và phát tín hiệu báo động nơi buồng lái. Động cơ bên trái bị tắt theo lệnh và viên phi công đã cố gắng khởi động lại động cơ nhưng bất thành.” Theo kỹ thuật, sau khi một động cơ bị tắt, các phi công có thể tắt động cơ còn lại trước khi khởi động lại cả hai. Nhưng máy bay đã rơi quá nhanh.

Xin mời xem clip:

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 6-2-2015)

+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.

150205-ge235-crashed-taiwan-00

Rescuers remove a body by boat after a TransAsia Airways plane crash landed in a river in New Taipei City

150205-ge235-crashed-taiwan-01

150205-ge235-crashed-taiwan-02

Taiwan Plane Crash

150205-ge235-crashed-taiwan-04

Relatives of the victims pray during a Buddhist ritual near the wreckage of TransAsia Airways plane Flight GE235 after it crash landed into a river, in New Taipei City

Rescue personnel examine the wreckage of TransAsia Airways plane Flight GE235 after it crash landed into a river, in New Taipei City

150205-ge235-crashed-taiwan-07

150205-ge235-crashed-taiwan-08

150205-ge235-crashed-taiwan-09

150205-ge235-crashed-taiwan-10

150205-ge235-crashed-taiwan-11