Thứ Sáu ngày 22 tháng 11 năm 2024

Bái kiến Đại sư phụ ở Đường Hoa Hàm Nghi

150217-tetatmui-duonghoa-php-074_resize

 

Quả là thỏa lòng khát khao bao năm nay, chí ít cũng tròn một con giáp. Sáng nay lơn tơn trên Đường Hoa Hàm Nghi Saigon, tôi đã được bái kiến và kính thưa các loài dê.

Năm Ất Mùi cầm tinh con dê, sẽ chẳng có gì phải rên la khi dê thả đầy đường (chỉ cần lưu ý là “dê thả” chớ hỗng phải “thả dê”). Cũng vì lẽ đó, cái danh hiệu “dê đại lộ” xưa nay vốn dành cho cháu trăm đời của Trư Bát Giới và hậu duệ của Bùi Kiệm hôm nay có một ý nghĩa mới “dê trên đại lộ Hàm Nghi”.

Bao đời nay, người Việt mình coi cái con giáp ở giữa hai con ngựa (Ngọ) và khỉ (Thân) là con dê (Mùi). Nhưng có nước, như Trung Quốc, người ta không gọi đây là năm Dê (The Year of the Goat) mà là năm Cừu (The Year of the Ram hay The Year of the Sheep). Mà Ram là con cừu đực chưa thiến (nghĩa là không phải hoạn quan, nghĩa là còn nguyên bản lĩnh đàn ông sung độ).

Báo Hong Kong South China Morning (17-2-2015) dẫn lời sư phụ Ho Che-wah, Giáo sư trưởng khoa Ngôn ngữ và Văn chương Trung Hoa tại Đại học Chinese University, một nhà ngôn ngữ học Trung Hoa hàng đầu, nói rằng: năm âm lịch này không phải do bất cứ loài cừu nào cầm tinh, mà chính là năm của loài dê. Theo ông, ở Trung Hoa cổ đại, người ta ăn thịt 6 loài động vật ngựa, bò, dê, heo, chó và gà. Họ không ăn thịt cừu và chỉ nuôi cừu để lấy lông làm len. Cho dù các nhà khảo cổ học đã tìm thấy nhiều xương cừu trong các di chỉ của văn hóa Yangshao (Ngưỡng Thiều) vốn rất thịnh dọc theo sông Hoàng Hà (Yellow River) ở giữa năm 5000 tới năm 3000 trước Công nguyên, cừu vẫn không phải là loài để ăn thịt.

Người Trung Hoa gọi năm này là “Dương” (yang). Đó chính là từ ngữ để chỉ con dê.

150217-tetatmui-duonghoa-php-004_resize

Sở dĩ tôi phài dông dài một chút vì ở ngay cổng chính của Đường Hoa, giáp chợ Bến Thành, người ta dựng tượng 3 con vật: hai con lớn là con dê và con nhỏ trông giống con cừu. Điều đáng nói là cả hai con dê đều là dê đực (đều có cặp sừng cong vút). Vậy là một suy diễn đã lập tức tràn ngập cộng đồng mạng: đây là một gia đình dê gồm 2 con dê đồng tính (pêđê) nhận một con cừu về làm con nuôi. Phải chăng ai đó muốn đánh dấu sự kiện pháp luật Việt Nam giờ đây tuy vẫn chưa công nhận hôn nhân đồng tính, nhưng không cấm và không còn coi đó là chuyện phạm pháp. Còn một lý do liên hệ nữa mà vì sự tế nhị mang tầm quốc tế, tôi chớ hề dám nói ra.

Thiệt ra, có một số rất ít giống dê mà cả con đực lẫn con cái đều có sừng, nhưng nó không phải phổ biến. Vì thế, hai con dê ở Đường Hoa với cặp sừng cong vút dễ làm người ta nghĩ tới loài dê đực. Con dê con thì na ná con cừu non nên dễ bị lầm. Nhưng điều theo tôi đáng quan tâm là hai con dê lớn trên đường Hàm Nghi là giống dê lông dài sống ở xứ lạnh. Phải chăng đó là dê lấy mẫu từ “xứ lạ”? Đành rằng tướng tá dê lông dài này coi “ngon cơm” hơn dê lông ngắn ở xứ Việt, nhưng nó đâu có giống hình ảnh mấy con vật ta quen mắt tại mấy quán… thịt dê!

NÓI THÊM CHO RÕ: Theo các nhà thiết kế, hình mẫu 3 con dê này được dựa trên loài dê núi Ninh Bình (chủ yếu nuôi để làm các món ăn đặc sẳn ở đó). Dê núi (tiếng Anh là Ram) là loài có lông dài, kể cả bộ lông cằm rất “bản lĩnh đàn ông”, có cặp sừng cong vút. Đây là loài dê có hình dáng khác hẳn dê ở miền Nam nên trở thành “rất lạ” trong mắt người Saigon. Dù sao, cũng rất mừng vì gia đình dê ở đầu Đường Hoa Hàm Nghi là “product of Vietnam”. Tôi xin phép giữ nguyên những gì mình viết ban đầu. Một là nó cho thấy bể học mênh mông, kiến văn có hạn, tôi viết khi chưa từng biết là có loài dê núi Ninh Bình. Hai là, chuyện dê gì chỉ là một trong các lớp layer chữ nghĩa của tôi.

denui-tuyenquang-nguyendai

Dê núi ở miền Bắc. (Ảnh: Nguyễn Đại)

 

Trên đường hoa, các nghệ nhân thỏa sức sáng tạo ra đủ kiểu dê. Nhưng thiệt tình là tôi đã mắc cười và khai thiệt là sướng cái bụng khi nhìn thấy tác phẩm nghệ thuật sắp xếp bằng các loại hạt ngũ cốc, rau củ của một khách sạn có tựa đề “Hào khí Việt Nam”. Đó là hình ảnh một đàn dê cẩn bằng các loại hạt đậu lũ lượt nối đuôi nhau trèo cao lên chinh phục sân thượng của một building cao tầng. Haha, “hào khí dê”.

150217-tetatmui-duonghoa-php-245_resize

Tôi khoái cái bụng vì tôi có căn (hay nghiệp chướng) với loài dê. Biết đâu kiếp trước tôi lại chẳng phải là hắn ta. Bởi vậy, kiếp này, tôi chớ dám ăn thịt dê (chẳng biết do kiêng ăn thịt đồng loại hay chẳng dám mạo phạm tới đại sư phụ). Mấy ông bạn biện minh rằng ăn gì bổ nấy. Những người ra vẻ rành y học 6 câu vọng cổ phán rằng: ai thiếu thứ gì, ăn thứ nấy. Vậy suy ra, tôi không ăn thịt dê hoặc là tôi không có máu dê hay đã dư thừa cái gien dê. Hên xui. Thêm một khai báo trước ngày Giao thừa nữa là “làn da châu Á” của tôi rất hạp với các loại sữa tắm có trộn sữa dê, cứ có cái feeling giống như thể ta trét sữa mình lên da ta vậy đó! Đáng tiếc là để bà con trên Facebook có thể ăn tết, tôi không dám chụp hình minh họa người thiệt, việc thiệt vụ này.

150217-daotrongthai

Anh Đào Trọng Thái.

150217-tetatmui-duonghoa-phphuoc-02_resize

Sáng nay tình cở gặp anh bạn Đào Trọng Thái cũng xách đồ nghề phó nhòm lang thang ở Đường Hoa. Chọc phá nhau bấy lâu nay trên không gian ảo Facebook, nay mới “diện đối điện” lần đầu tiên. Ngay từ 3 nốt nhạc, hai anh em đã rất hạp nhau ở chỗ cùng quan tâm tới các Đại Sư phụ. Vậy là, hai người chup qua chụp lại cho nhau những hình ảnh bái kiến Đại Sư phụ của mình. Tôi nghiệm ra một điều mà có thể khiến anh bạn già sướng hơn uống sữa dê: ở ngoài đời, anh Thái trẻ hơn trong ảnh nhiều. Hy vọng không phải do ống kính máy ảnh bị méo, hay anh không ăn ảnh, hoặc mắt tôi có vấn đề!

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 17-2-2015, ngày 29 Tết)

150217-tetatmui-duonghoa-php-072_resize

150217-tetatmui-duonghoa-php-073_resize

150217-tetatmui-duonghoa-php-074_resize

150217-tetatmui-duonghoa-php-078_resize

150217-tetatmui-duonghoa-php-262_resize