Thứ Tư ngày 22 tháng 1 năm 2025

Ngày Thầy thuốc đâu chỉ dành cho bác sĩ…

150227-thaythuoc

 

Chúc mừng các bạn đang làm trong ngành Y Dược.

Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2) thiệt ra chỉ là một cái cớ để xã hội tôn vinh và thể hiện lòng biết ơn đối với các thầy thuốc, đồng thời cũng để nhắc nhở các thầy thuốc sống sao cho xứng đáng với thiên chức cao quý của mình: cứu nhân độ thế.

Ngày Thầy thuốc hoàn toàn không phải chỉ dành cho các y bác sĩ. Danh xưng Thầy thuốc ở đây bao gồm tất cả mọi người đang làm trong ngành Y Dược, từ bác sĩ, y tá cho tới nhân viên hành chính, y công, thậm chí nhân viên bảo vệ bệnh viện. Bởi tất cả họ đều là những thành tố ắt có và đủ để hợp thành một cơ sở chữa bệnh.

Ngày Thầy thuốc Việt Nam được lập ra và duy trì tới nay tròn 60 năm (1955-2015) là để tôn vinh và tri ân những người chiến đấu với các thứ bệnh tật, chấp nhận mua thù chuốc oán với Thần chết để giành giựt lại mạng sống cho những người bệnh. Đây là ngày hạnh phúc và đầy tự hào của các thầy thuốc như người mẹ hiền thứ hai đã tái sinh và chăm lo cho các người bệnh. Xin được hiểu câu “Lương y như từ mẫu” theo nghĩa thuần Việt là “Thầy thuốc như mẹ hiền”. Không thể tránh khỏi có người, có lúc ngao ngán dịch chữ “từ mẫu” theo cái nghĩa đen thui là “bỏ mẹ”. Phương Tây có câu đại ý: khi ra biển mới thấy con người nhỏ bé biết chừng nào, lúc vào bệnh viện mới thấy con người yếu đuối ra sao. Người bệnh luôn cực kỳ khó chịu và dễ bùng nổ vừa do tâm lý, vừa bởi bệnh tật hành hạ. Vì thế, thầy thuốc không chỉ là người trị bệnh mà còn phải là một chuyên gia tâm lý (nói theo câu slogan của nhà bảo hiểm Prudential là “luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu”). Vả lại, đâu có người ngành nghề nào thấu hiểu nỗi khổ tâm, sự đau đớn của người bệnh hơn là thầy thuốc. Việc đưa ra những giải thích cho cách hành xử không đúng mực của thầy thuốc đối với người bệnh, như áp lực công việc, sự căng thẳng, mệt mỏi,… tất cả chỉ là ngụy biện. Một khi đã chọn khoác lên người chiếc áo blouse trắng, người thầy thuốc đã biết trước và chấp nhận đặc thù công việc của mình. Đâu có ngành nghề nào mà phải có thời gian đào tạo dài lâu như ngành y rồi còn phải học liên tục suốt đời nếu như thiệt sự muốn giỏi nghề, hay đơn giản là để không bị lạc hậu.

Và đây cũng là ngày gây nhột nhạt cho những kẻ khoác áo blouse trắng để mưu cầu lợi lộc cá nhân, coi người bệnh như những con mồi, như những nguồn lợi làm giàu cho mình. Họ chính là những con sâu làm rầu nồi canh, làm hoen ố hình tượng người thầy thuốc và xúc phạm các đồng nghiệp chân chính của mình. Sẽ may mắn biết bao cho cuộc đời và cho con người nếu như những kẻ “giả hình” đó chỉ là số ít và ngày càng ít đi.

Chắc chắn có người nói rằng trong ngày hôm nay nên tránh nói tới mặt trái. Nhưng bất cứ tấm huy chương nào cũng đều có mặt trước, mặt sau. Huống hồ chi ngành y là một nghề nghiệp cực kỳ nhạy cảm, quyết định sinh mạng của con người.

Chúc mừng các bạn của tôi đang làm trong ngành Y Dược – những người mà tôi tin rằng hôm nay sẽ tự tin và tự hào ngẩng cao đầu nhận những đóa hoa và những lời chúc mừng của xã hội. Họ là những người khi chọn khoác lên mình chiếc áo blouse trắng, giống như những tu sĩ khoác lên người chiếc áo dòng tu, là đã xác định mình là kẻ phục vụ tha nhân, nhận lãnh thiên chức trị bệnh cứu người. Cuộc đời luôn sòng phẳng và công bằng. Sự giàu có của các thầy thuốc (ở đây nói thẳng là bạc tiền) phải tỷ lệ thuận với số người bệnh mà họ cứu sống, chớ không phải dựa trên số con bệnh mà họ lôi kéo được hay số thuốc mà họ ra toa. Họ hành nghề với những lời thề Hippocrate (Hippocratic Oath) toàn tâm toàn ý hành nghề cứu người. Ngay câu đầu tiên trong Tuyên bố Geneva (Declaration of Geneva), hay còn gọi là Lời thề Thầy thuốc (Physician’s Oath) được Đại Hội đồng Hiệp hội Y khoa Thế giới (WMA) thông qua năm 1948 tại Geneva ghi rõ: “Tôi long trọng thề hứa hiến dâng cuộc đời mình để phục vụ nhân loại”. Hay lời thề đầu tiên khi ra trường của bác sĩ ở miền Nam trước năm 1975 là “Coi nghề Thầy thuốc mà tôi đã tự chọn như một con đường cứu người và giúp đời, chứ không xem như một phương tiện thương mại.”

Họ là những Thầy thuốc chân chính mà chúng ta chúc mừng trong Ngày Thầy thuốc Việt Nam hôm nay.

Tôi xin cảm ơn các bạn Thầy thuốc. Xin chúc các bạn Thầy thuốc luôn mắt tinh (để phát hiện bệnh tật), tai thông (để nghe tiếng thở, nhịp tim), tay mát (để trị đâu khỏi đó và đi những đường dao phẫu thuật diệu kỳ), chân bền (để đến với nhiều người bệnh và trụ trong phòng phẫu thuật) dựa trên hai cột trụ Trí sáng, Tâm lành.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 27-2-2015)

+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.