Thứ Sáu ngày 22 tháng 11 năm 2024

Quẳng ví da đi mà xài ví di động

mobile-wallet

 

Tháng 9-2014, cùng với việc đưa ra chiếc smartphone iPhone 6 và hệ điều hành di động iOS 8, nhà Apple lần đầu tiên chịu chấp nhận ứng dụng công nghệ kết nối gần NFC và đã công bố nền tảng thanh toán di động mới Apple Pay. Hệ thống ví di động (Mobile Wallet) mới này được đánh giá là sẽ làm thay đổi hoàn toàn phương thức thanh toán điện tử và kích thích hoạt động thương mại điện tử nhảy vọt.

Không chỉ có Apple, nhiều hãng khác cũng đang tiếp tục đưa ra những ứng dụng và dịch vụ thanh toán di động mới làm cho năm 2015 được dự báo là một năm mà thiên hạ sẽ “quẳng ví da đi mà xài ví di động”.

Một trong những câu chuyện kinh doanh thú vị nhất trong mùa mua sắm Giáng sinh 2014 và Năm mới 2015 không phải là về chuyện thiên hạ đã chi hết bao nhiêu tiền hay mua thứ gì nhiều nhất, mà là về cách người tiêu dùng đã thanh toán ra sao. Sharmila C. Chatterjee ở Học viện Công nghệ MIT (Mỹ), nói rằng: Mặc dù nhiều người đã quen với việc dùng smartphone của mình để thanh toán tiền tại các cửa hàng, như tại hệ thống quán cà phê Starbucks, chỉ mới có một số người ở Mỹ vừa thật sự bắt đầu dùng “ví di động” ở một cấp độ đáng chú ý. Các tay chơi lớn nhất trong lĩnh vực này đang cố gắng thay đổi tập quán thanh toán bằng cách đưa ra những chiêu khuyến mãi hấp dẫn trong mùa lễ tết cuối năm để lôi kéo người tiêu dùng vào phương thức thanh toán di động.

Hệ thống thanh toán di động Google Wallet, do người khổng lồ công nghệ Google đưa ra từ năm 2011, bây giờ đang cố gắng rù quến người tiêu dùng bằng cách tung chiêu khuyến mãi: mua thẻ quà tặng (gift card) được nhận một coupon 5 USD.

Còn khách hàng nào liên kết hệ thống Apple Pay với một thẻ tín dụng của Chase được quyền tải miễn phí một bài hát.

Trong khi đó, Softcard, hệ thống thanh toán di động của các công ty viễn thông, cũng dụ khị khách hàng với vô số quà khuyến mãi và giảm giá.

Người ta nói “ví điện tử” hay không bằng hên. Nó trở thành “thần cứu mạng” trong bối cảnh người tiêu dùng đang khiếp sợ việc thanh toán trực tiếp bằng các thẻ tín dụng. Trong mấy năm qua ở Mỹ xảy ra một loạt vụ tin tặc xâm nhập mạng của các hệ thống bán lẻ lớn như Target, Home Depot, Michaels,… đánh cắp vô số kể thông tin thẻ tín dụng của khách hàng. Kỷ lục 90 triệu thông tin thanh toán của khách hàng bị đánh cắp từ hệ thống TJX hồi năm 2007 đã bị phá vỡ bởi vụ xâm nhập hệ thống Target hồi cuối năm 2013 đánh cắp thông tin tới 110 triệu thẻ tín dụng (credit card) và thẻ ghi nợ (debit card). Khách hàng chưa kịp hoàn hồn đã xảy ra vụ Home Depot bị tin tặc cuỗm mất thông tin 56 triệu thẻ tín dụng và ghi nợ. Chẳng biết các nạn nhân bị thiệt hại tài chính ra sao từ tay bọn tin tặc, nhưng nhãn tiền là họ phải mất công làm lại thẻ mới trong nỗi nơm nớp lo hậu quả thẻ cũ, và nguy cơ của thẻ mới.

Xưa nay dân Mỹ đã mất thói quen mua sắm bằng tiền mặt. Vì thế, khi không còn tin tưởng vào các chiếc thẻ nhựa, họ đã mừng như bắt được vàng với các “ví điện tử” đã được tăng cường tính năng bảo mật. Công nghệ thanh toán di động mới của Apple không lưu giữ bất cứ thông tin giao dịch nào, cũng chẳng đòi người mua sắm phải trình thẻ tín dụng, mã an ninh hay tên cúng cơm của mình ra khi thanh toán tại cửa hàng hỗ trợ. Chỉ đáng tiếc, phong cách thanh toán mới “chạm để trả” (tap to pay) mới bắt đầu. Vào cuối năm 2014 mới có 220.000 trong tổng số 8 triệu cửa hàng bán lẻ ở Mỹ chấp nhận Apple Pay, trong đó có McDonald’s và Macy’s. Nhưng Apple Pay có nhiều triển vọng. Công nghệ mới của Apple đã tạo được niềm tin ở người sử dụng, chẳng hạn nó được sử dụng để mua hàng hóa trị giá 4 triệu USD hàng tuần tại hệ thống cửa hàng Whole Foods.

Bên cạnh Apple Pay và Google Wallet, hiện có thêm một tay chơi đầy sức mạnh thứ ba tham gia “ví điện tử”. Đó là Merchant Customer Exchange (MCE), một tổ hợp các nhà bán lẽ như Walmart, Best Buy,… Họ dự định sẽ công bố loại “ví di động” riêng của mình trong năm 2015 này. Cái dự án này lớn dữ lắm. Các nhà bán lẻ thuộc MCE hiện nắm tới 1 phần 4 tổng số tiền mua sắm ở Mỹ.

Hãng nghiên cứu Forrester đã xủ quẻ tiên đoán rằng công nghiệp thanh toán di động ở Mỹ sẽ đạt tới 142 tỷ USD vào năm 2019.

Có ba lý do chính để người ta tin rằng loại hình “ví di động” sẽ nhanh chóng thay thế cho ví da và thẻ nhựa:

  1. Ngày càng có nhiều hệ thống thanh toán di động chấp nhận một chuẩn công nghệ chung giúp tăng tính liên thông và tương thích với nhau. Apple Pay, Google Wallet, và Softcard đều sử dụng công nghệ liên lạc gần NFC (Near field communication). Về bản chất, NFC cũng là một dạng RFID (Radio frequency identification, căn cước thông qua tần số vô tuyến) cao tần. Nó dùng các sóng radio để truyền thông tin giữa các đối tượng ở khoảng cách tối đa 10cm. Vì thế, các smartphone có kết nối NFC sẽ dễ dàng thực hiện thanh toán với các máy đọc tại quầy thu tiền.
  2. Nhóm người dùng ở độ tuổi 18 tới 43 vốn say mê shopping ngày càng ưa chuộng các công nghệ thanh toán di động. Theo một nghiên cứu của Thrive Analytics công bố hồi tháng 10-2014, nhóm tuổi này hiện chiếm khoảng 40% tổng số giao dịch thanh toán di động. Ngay cả ở nhóm khách hàng trên 43 tuổi (hiện chiếm 4 tới 14% tổng số giao dịch thanh toán di động) cũng đang có xu hướng chuyển sang “ví di động”.
  3. Nỗi lo sợ bị tin tặc đánh cắp thông tin thanh toán điện tử ngày càng gia tăng trong người tiêu dùng. Thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ giờ đây chỉ có giá trị tiện dụng chứ không còn có độ an toàn cao nữa.

 

Tôi thì đợi tới một ngày nào đó, Tết nhất chỉ cần nhét vào phong bao lì xì cho bọn nhóc miếng memo nhỏ có in dòng chữ: đã chuyển tiền lì xì vào tài khoản rồi đó. Năm mới phát tài!

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon Tết Ất Mùi 2015)

+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.

+ Có thể đọc bản in trên tạp chí e-CHIP M số Tân Niên 2015