Thứ Hai ngày 23 tháng 12 năm 2024

Mỹ lại nóng vì chuyện cảnh sát da trắng bắn dân da đen

THẾ GIỚI TUẦN QUA

walter-scott-killed-01

Nạn nhân Scott bị cảnh sát còng sau khi bị bắn chết.

 

Nước Mỹ lại nóng lên khi có thêm một người da đen nữa bị giết chết bởi cảnh sát da trắng. Vụ mới nhất này xảy ra ngày 4-4-2015 tại thành phố North Charleston (bang South Carolina). Sĩ quan cảnh sát Michael T. Slager, 33 tuổi, đã chặn xe của một người da đen Walter L. Scott, 50 tuổi, lại rồi sau đó xả súng bắn chết nạn nhân với lý lẽ nạn nhân đã cố gắng cướp cây súng điện của viên cảnh sát này. Nhưng thiên bất dung gian, toàn bộ sự việc đã bị một người nào đó quay video và gửi cho nhà chức trách. Rõ ràng, Scott bị bắn từ sau lưng khi đang bỏ chạy và sau đó dù đã chết vẫn bị tay cảnh sát còng lại và dàn dựng một vụ cướp súng. Với chứng cứ này, ngày 7-4, cảnh sát Slager đã bị tòa truy tố về tội giết người. Theo báo The Post and Courier của Charleston (6-4-2015), Scott từng bị bắt khoảng 10 lần vì không trả tiền trợ cấp nuôi con và không ra trình diện tòa án. Anh của Scott là Anthony cho rằng em mình bỏ chạy hôm đó vì còn nợ tiền trợ cấp nuôi con.

May mắn cho nước Mỹ là lần này có bằng chứng rõ ràng, không ai có thể bao che cho kẻ phạm tội. Người da đen có biểu tình cũng chỉ với quy mô nhỏ và chủ yếu lên án hành động kỳ thị chủng tộc.

Chắc chắn nước Mỹ sẽ còn lâu nữa họa chăng mới thoát ra khỏi được bóng ma kỳ thị chủng tộc. Cuộc nội chiến Mỹ hay còn gọi là cuộc chiến tranh Nam – Bắc (1861-1865) giết chết từ 620.000 tới 850.000 người bùng nổ do một số bang miền nam ly khai để chống lại việc Liên bang Hoa Kỳ (trong cuộc chiến được gọi là miền bắc) trả tự do cho nô lệ da đen. Sau khi Liên bang chiến thắng, các bang miền nam cũng chỉ bằng mặt chứ không bằng lòng với chuyện giải phóng nô lệ da đen. Và trong lòng xã hội Mỹ, tư tưởng kỳ thị chủng tộc của dân da trắng tự cho mình là cao quý nhất vẫn luôn âm ỉ. Vì thế, điều mà người ta mong đợi chỉ là làm sao ngăn chặn để tránh xảy ra những vụ xung đột vì kỳ thị chủng tộc.

Trong thời gian gần đây, sau hàng loạt vụ bạo lực từ cảnh sát, nhiều địa phương ở Mỹ đã buộc cảnh sát phải đeo máy ghi hình trên người khi làm nhiệm vụ nơi công cộng. Báo New York Times (7-4-2015) cho biết từ năm ngoái tới nay đã có một số vụ cảnh sát bạo lực ở Albuquerque, Staten Island, Cleveland,… được xử lý với những video do người dân hay camera đeo trên người cảnh sát ghi được. Một ủy ban về cảnh sát của Nhà Trắng đã yêu cầu các sở cảnh sát trang bị thêm nhiều camera gắn trên người cảnh sát.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 11-4-2015)

+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks

+ Có thể đọc bản in trên báo CA TPHCM 11-4-2015