Thứ Năm ngày 21 tháng 11 năm 2024

Liên minh châu Âu EU khó đồng lòng về cuộc khủng hoảng di dân lậu tới hồi báo động

150420-illigal-immigarals-italia-rhodes

 

Các tàu của lực lượng phòng vệ duyên hải Ý tuần tra ở Địa Trung Hải trong hai ngày 22 và 23-6-2015 đã cứu được hơn 3.700 người nhập cư lậu từ những chiếc thuyền quá tải và không an toàn. Nhà chức trách Ý ước tính từ đầu năm 2015 tới nay đã có 60.000 người nhập cư trái phép. Theo số liệu của Liên Hiệp Quốc, có 2.000 nạn nhân đã bỏ mạng trên biển.

Ý và các nước khác trong Liên minh châu Âu (EU) đang đau đầu với cuộc khủng hoảng di dân lậu. Họ đang lâm vào tình cảnh như Mỹ từng bị ở biên giới giáp Mexico với những đạo quân nhập cảnh lậu từ nước láng giềng và vùng Trung Mỹ. Nhưng các nhà lãnh đạo EU đang chia rẽ nhau về đối sách đối với tình trạng di dân lậu này. Hôm 24-6, Áo đe dọa sẽ áp dụng lại các biện pháp kiểm soát ở vùng biên giới với Hungary. Anh thì đang xem xét việc bổ sung biện pháp an ninh chung quanh cảng Calais của Pháp.

Khối EU gồm 28 nước châu Âu đang phải hứng chịu gánh nặng hàng trăm ngàn người từ châu Phi và Trung Đông bỏ quê hương tìm đường chạy sang châu Âu để thoát khỏi cuộc sống nghèo khổ và chiến tranh. Một nhà ngoại giao EU cao cấp nhận xét: “Di dân là một thách thức biến dạng.” Những khó khăn về kinh tế trong nội bộ EU làm tăng sự ủng hộ các đảng phái chủ trương chống nhập cư. Trong khi đó, làn sóng người di dân lậu ở Địa Trung Hải ngày càng đông càng làm gia tăng những mối nguy hiểm khi họ cố gắng vượt qua vùng biển dữ này.

Sau khi Budapest từ chối nhận lại những người xin tị nạn do các nước thành viên EU khác trả lại theo luật của EU, Áo đã đe dọa thiết lập lại các trạm kiểm tra trên đường biên giới qua lại không cần hộ chiếu giữa Áo và Hungary. Trong khi đó, Hungary tuyên bố họ không còn đủ khả năng để đối phó với sự tăng vọt của dòng người nhập cư lậu băng qua biên giới ở Balkan, phần đông là từ các nước Trung Đông, bao gồm cả ngả băng qua Hy Lạp đang trong cơn khủng hoảng nợ nần.

Thủ tướng Anh David Cameron yêu cầu hạn chế việc được nhập cảnh tự do vào nước này từ công dân của các nước khác thuộc EU. Anh đang căng thẳng với Pháp về tình trạng hàng ngàn người di dân lậu tập trung quanh khu vực cảng Calais tìm cơ hội lọt sang Anh bằng những con phà hay qua đường hầm Eo biển Manche. Chính phủ Anh có ý định tăng cường lực lượng biên phòng và chó nghiệp vụ ở quanh khu vực cảng Calais và lối vào đường hầm. Sau khi bị thị trưởng thành phố Calais (Pháp) phản đối, Thủ tướng Anh Cameron đã tuyên bố: “Chúng tôi sẽ làm việc mật thiết với phía Pháp.”

Nhiều chính phủ ở châu Âu nói rằng hệ thống xử lý tình trạng nhập cư lậu đã bị phá vỡ. Nhưng quyết định của Thủ tướng Viktor Orban của Hungary về việc ngưng nhận lại những người nhập cư lậu đi qua nước này vượt biên sang các nước EU khác đã làm các nước châu Âu không hài lòng. Giới bình luận cho rằng ông Orban đang chịu sức ép nặng nề từ một đảng đối lập cực hữu chống di dân ở Hungary. Theo quy định của EU, những người nhập cư phải xin tị nạn ở nước EU đầu tiên mà họ lọt được vào. Nếu từ nước đó đi sang nước EU khác, họ có thể bị trả lại nước mà họ lọt vào đầu tiên. Hungary phân bua rằng mình đang bị quá tải sau khi có tới 61.000 người từ bên ngoài EU lọt vào nước này từ đầu năm 2015 tới nay. Ngoài ra, Ngoại trưởng Peter Szijjarto cũng khiếu nại là bị xử ép khi Áo và những nước EU khác có kế hoạch trả những người nhập cư lậu về Hungary thay vì về Hy Lạp. Lâu nay, Ý, Hy Lạp và Malta là những “bãi đáp” của những người di dân lậu sau khi vượt qua được cửa tử Địa Trung Hải.

Hiện nay các nhà lãnh đạo EU buộc lòng phải khẩn trương đưa ra những hành động cụ thể sau khi xảy ra sự cố khoảng 800 người di dân lậu bị chết chìm trên một chiếc tàu đang vượt Địa Trung Hải sang Ý hồi tháng 4-2015. Nhưng họ đang bất đồng về kế hoạch buộc họ phải chia sẻ số lượng 24.000 người Syria và Eritrea đang ở Ý và 16.000 người khác từ Hy Lạp. Họ muốn nhận số người di dân lậu này trên cơ sở tự nguyện. Các nước ở Đông Âu vốn nghèo hơn than rằng họ không đủ khả năng nếu như phải tiếp nhận số người được phân chia.

Trong khi đó, vấn đề mang tính lâu dài là EU làm cách nào tác động để giảm từ gốc làn sóng di dân lậu. Nếu chỉ giải quyết phần ngọn, họ sẽ càng kích thích người ta bỏ nước ra đi đông hơn. Một khi chiến tranh vẫn tiếp diễn và cuộc sống vẫn nghèo khổ, người ta sẽ tiếp tục tìm cách chạy sang các vùng đất hứa.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 26-6-2015)

+ Ảnh: Tiếp cứu những người sống sót sau sự cố tàu chìm làm chết khoảng 800 người di dân lậu ở Ý hồi tháng 4-2015. (Nguồn ảnh: Internet. Thanks)

+ Có thể đọc bản in trên báo CA TPHCM 26-6-2015