Chủ nhật ngày 22 tháng 12 năm 2024

Tôi không lẻ loi

150701-thitotnghiep-hcm-05_resize

 

Khi quyết định lên tiếng về hiện tượng (thậm chí có khả năng trở thành một làn sóng ăn theo) “ném đá” các bạn sinh viên tình nguyện tham gia chiến dịch Tiếp sức Mùa thi 2015, tôi chấp nhận mình sẽ trở thành tấm bia sống mới cho những viên đá đó. Tôi cũng chấp nhận mình có thể bị một số bạn Unfriend vì thực tế có một số rất ít những bạn trong số Friend của tôi mấy hôm nay hoặc là đầu têu, hoặc ném phụ một mớ đá vào các bạn SVTN.

May mắn là cho tới sáng nay, 6-7-2015, hơn 12 tiếng đồng hồ sau khi tôi post bài “Sao lại “ném đá” các bạn sinh viên tiếp sức mùa thi?”, tôi vẫn chưa bị bạn nào Unfriend và chỉ bị hứ há chút chút. Số bạn chia sẻ với cách nghĩ của tôi là số đông áp đảo. Chí ít thì ý kiến của tôi và sự trao qua đổi lại của các bạn cũng đã tới được hơn 10.000 bạn “tình thương mến thương” với tôi trên Facebook và số đông các bạn đọc trang Blog của tôi (hiện có gần 3,5 triệu lượt người đọc). Đó là một điều mừng cho tất cả.

Hoạt động tiếp sức mùa thi bao gồm tùm lum tà la thứ việc. Việc các bạn tay nắm tay nhau ra đứng giữa đường làm hàng rào sống chỉ là 1 trong số đó. Hình ảnh này có thể gây phản cảm, nhưng có trực tiếp có mặt tại hiện trường mới hiểu vì sao các bạn trẻ buộc lòng phải liều và lì như vậy. Trong hoàn cảnh thực tế hiện nay, các bạn chỉ có thể đem thân mình ra để bảo vệ an toàn cho lớp đàn em mới lớn còn nhiều lớ ngớ và tâm trạng bất an trong kỳ thi quan trọng nhất đời học sinh của mình. Lẽ ra việc giữ gìn an ninh trật tự giao thông là của các cơ quan chức năng, cụ thể là cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự, trật tự viên giao thông – những người được đào tạo bài bản, được pháp luật công nhận chức năng và được trả lương để làm việc đó. Khi những người “đúng người, đúng việc” ấy đứng bên lề, xót cho đàn em, các bạn đành phải “ra đường”.

Tôi tin rằng không một bạn trẻ SVTN nào muốn làm cái công việc nguy hiểm đó đâu. Và cũng không thể chỉ ngồi trước máy tính “chém gió” mà người ta cho mình cái quyền “ném đá” (tôi thì muốn gọi đích danh là “sỉ nhục công công”) các bạn SVTN, chỉ vì cái chuyện “hàng rào sống” không thể nào khác hơn để mà xổ toẹt mọi sự cống hiến của các bạn SVTN trong TSMT.

Tùy cách nhìn, góc nhìn và nền tảng mỗi người mà người ta có thể nhìn nhận sự việc này khác nhau. Rất nên góp ý về những việc chưa hay, chưa tốt để ngày càng hoàn thiện hơn. Nhưng không ai có quyền nhân danh bất cứ điều gì để mà sỉ nhục các bạn SVTN. Góp ý chân thành không bao giờ đồng nghĩa với sỉ nhục, mạt sát người khác.

Thực tế là các bạn SVTN không phải là đối tượng để người ta “ném đá” về chuyện này. Thay vào đó, hãy phê phán cơ quan quản lý hoạt động này và những người hữu trách – nhiều năm nay chớ đâu phải chỉ lần này.

Tôi đánh giá cao bản chất của hoạt động Tiếp sức Mùa thi. Chuyện ai đó lợi dụng hoạt động này cho những mưu đồ, toan tính gì đó là chuyện của họ. Không có các bạn SVTN tiếp sức, mùa thi chắc chắn sẽ không thể đạt kết quả tốt, và từ thí sinh tới phụ huynh chắc chắn sẽ khổ sở hơn rất nhiều. Hãy đọc câu slogan in trên áo các bạn SVTN: “Hãy tự tin, chúng tôi đi cùng bạn”. Các bạn không hề làm thay, không hề nuông chiều, không hề có ý định để các đàn em mới 17, 18 tuổi của mình ỷ lại mà phụ thuộc. Các bạn chỉ tiếp sức, nâng đỡ theo truyền thống tốt đẹp người đi trước rước người đi sau; sư tỷ, sư huynh tiếp sức cho sư đệ.

Thay vì nhắm mắt nhắm mũi “ném đá”, chúng ta hãy cùng giúp các bạn SVTN tìm ra những giải pháp tối ưu cho những mùa thi tới đây. Đông tay vỗ nên kêu. Và chỉ có như vậy mới thiệt sự là vì “tương lai con em chúng ta”.

Tôi không bị lẻ loi vì có rất đông bạn bè đồng cảm. Trên báo Tuổi Trẻ ra ngày 6-7-2015 có bài sổ tay: “Cần giải pháp hơn ném đá” của bạn Phúc Nguyên cũng đáng để chúng ta ngẫm nghĩ.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 6-7-2015)