Thứ Tư ngày 25 tháng 12 năm 2024

“Nhận thức chung” của Bắc Kinh lồ lộ ra kìa

south-china-sea-claims

 

Cái gọi là “nhận thức chung” ỏ đây thật sự là gì? Đối với giới cầm quyền Trung Quốc, họ luôn khẳng định Trường Sa và Hoàng Sa là của họ. Họ đã đưa điều này vào sách giáo khoa để các thế hệ người Trung Quốc sau này “nhận thức” như vậy.

Tường thuật về chuyến thăm chính thức của ông Tập Cận Bình đến Mỹ hồi tháng 9-2015, báo Mỹ International Business Times (28-9-2015) dẫn lời nhà lãnh đạo Trung Quốc tuyên bố ở Mỹ rằng: “Các đảo ở Biển Nam Trung Hoa (South China Sea, tên quốc tế của Biển Đông) từ thời cổ đại tới nay là lãnh thổ của Trung Hoa” (“Islands in the South China Sea since ancient times are Chinese territory”). Ông Tập thậm chí đầy thâm ý khi không dùng tên tiếng Anh của Trường Sa (Spratlys) mà gọi nó bằng tên tiếng Hoa là Quần đảo Nam Sa (Nansha Islands).

Mới đây nhất, theo báo Mỹ New York Times (7-11-2015), ở Singapore ngày 7-11-2015, một ngày sau khi kết thúc chuyến thăm ở Việt Nam, ông Tập đã lặp lại trong bài phát biểu tại trường Đại học Quốc gia Singapore (NUS) rằng: “các đảo ở Biển Nam Trung Hoa luôn là lãnh thổ của Trung Hoa kể từ thời cổ đại, và chính quyền Trung Quốc phải nhận lãnh trách nhiệm để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và các lợi ích hàng hải hợp pháp của mình” (“islands in the South China Sea have been China’s territory since ancient times, and the Chinese government must take responsibility to safeguard its territorial sovereignty and legitimate maritime interests”).

Đó, nhận thức chung của Trung Quốc là như vậy. Đừng ai ảo tưởng gì hết. Và cũng không thể cố ý hiểu khác đi được. Nó đã được họ công bố công khai trước toàn thế giới nhiều lần như vậy.

Ở đây cần rõ một điều: Trung Quốc có thể đồng ý đàm phán về Biển Đông, nhưng đó là về việc sử dụng và các hoạt động ở vùng biển có tranh chấp này. Họ dứt khoát không chấp nhận đàm phán gì về chủ quyền của các đảo ở Biển Đông mà họ luôn lớn tiếng khẳng định là di sản thừa kế của tổ tiên. Cũng không nên có sự mơ hồ ở đây.

Tôi có thể đoan chắc rằng không nước nào có thể đòi lại được lãnh thổ của mình đang nằm trong tay Trung Quốc chỉ thông qua có mỗi con đường đàm phán. Thiệt ra đàm phán chỉ có thể diễn ra nếu các bên không ngang bằng thì cũng xấp xỉ ngang cơ với nhau. Còn kẻ ở thế yếu mà không có chỗ dựa thì chỉ có nước đánh đổi chớ làm gì có cửa mà đàm phán với kẻ đang nắm thế thượng phong.

Tất nhiên, chẳng ai dại gì lại đi gây chiến với một nước như Trung Quốc. Đó là lý do mà Philippines đã khôn ngoan nhìn xa trông rộng kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế phân xử.

Trong thế giới này và vào thời đại này, không thể dùng liệu pháp “duy ý chí”, mà tất cả đều phải dựa trên lý lẽ và chứng lý. Mà nơi được thế giới lập ra để phân xử các tranh chấp giữa các nước chính là các tòa án quốc tế. Ở đó, bên nào có chứng cứ mạnh hơn, bên đó thắng kiện. Nếu bên thua kiện không tâm phục khẩu phục hay cảm thấy mình bị xử ép, họ có quyền củng cố chứng cứ và kháng cáo tiếp. Đời con chưa xong thì đời cháu tới đời chắt rồi chút rồi chít….

Cũng đừng nên có quan niệm tiêu cực hễ đưa nhau ra tòa là mất hòa khí, gây căng thẳng, phá hỏng mối quan hệ. Cha mẹ, con cái, anh chị em, họ hàng,… vẫn kiện nhau nhan nhản đó mà. Tất nhiên, một khi đã không thể “trong nhà đóng cửa dạy nhau” để tới mức phải ra tòa thì chẳng hay ho chút nào. Vấn đề ở đây là tùy nhân cách của các bên. Điều gì chưa tự giác đạt được “nhận thức chung” thì nhờ các cơ quan tài phán phân xử theo chứng lý, còn thì chẳng nên làm gì có hại cho cái gọi là “đại cục”.

Có người bày rằng ta cứ nín thở nằm im câu giờ chờ kết quả vụ kiện của anh bạn Philippines. Nếu anh bạn láng giềng thắng, ta sẽ té nước theo mưa. Nhưng chơi vậy thì chẳng đẹp chút nào – nói thẳng nghen, chơi vậy thì chơi với ma á. Hơn nữa, hợp quần gây sức mạnh, một mình anh Philippines ra chiến trường làm sao mạnh bằng có được những liên quân hợp đồng tác chiến từ các hướng khác.

Ngày xưa Việt Nam vốn rất giỏi về việc vận dụng các mũi giáp công kia mà. Đàm phán được thì cứ tranh thủ tối đa các cơ hội, song hành với việc sử dụng các công cụ tài phán quốc tế, cũng như tranh thủ sự ủng hộ của các diễn đàn và các thế lực quốc tế. Nhưng cốt lõi vẫn là nội bộ phải mạnh và đồng tâm hiệp lực.

Vấn đề ở đây là các cơ quan chức năng bao năm nay được người dân đóng thuế nuôi dưỡng củng cố được chúng cứ ra sao về chủ quyền của Việt Nam đối với các đảo đang bị các nước khác tranh chấp ở Biển Đông. Một khi đã đem nhau ra chốn công đường ở Phủ Khai Phong nhờ Bao Chánh án thăng đường phân xử thì không có vụ nói miệng khơi khơi à nghen.

Cũng có người e ngại rằng kiện tụng chỉ mất công vì Bắc Kinh dễ gì chấp nhận những phán quyết không theo ý mình. Đó lại là chuyện khác. Cái mà ta tìm kiếm là sự công nhận lẽ phải của mình trên tầm quốc tế và có tính pháp lý quốc tế.

Cho dù có ngang nhiên hay ngang ngược tới mức nào, cho dù có tham vọng vĩ đại tới đâu, Bắc Kinh rồi cũng sẽ phải chịu theo luật chơi của thế giới nếu muốn tồn tại trong thế giới.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 8-11-2015)

+ Bản đồ vùng tranh chấp ở Biển Đông của báo New York Times.