Thứ Sáu ngày 22 tháng 11 năm 2024

Trang nhất tờ báo gợi nhiều suy nghĩ

160217-baibao-nguoilaodong-2_resize

 

Báo Người Lao Động TP.HCM ngày thứ Tư 17-2-2016 đã có một trang nhất mà theo thiển ý của tôi vừa hợp với xu thế thời đại, vừa hợp với lòng dân. Vedette trên trang nhất là về sự kiện kỷ niệm 37 năm Chiến tranh Biên giới phía Bắc (17-2-1979/2016) với dòng tít lớn nhất “Quên là có tội”.

Ừ, người con nước Việt nào mà quên sự kiện lịch sử này thì trước là có tội với các Vua Hùng đã có công dựng nước và các tổ tiên đã đổ máu xương giữ nước và mở mang bờ cõi (chuyện tất yếu của thời đại lịch sử); sau là có tội với các đồng bào và những người nước ngoài đứng về chính nghĩa Việt Nam (như nhà báo Nhật Bản Isayo Takano đã hy sinh tại Lạng Sơn ngày 7-3-1979 khi tác nghiệp dưới làn đạn của quân Trung Quốc đang hung hăng xâm chiếm Việt Nam) đã hy sinh tính mạng và thân thể để bảo vệ đất nước trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc đó. Chưa kể kẻ quên còn có lỗi với các thế hệ con cháu của mình.

Mà thiệt tình là nào có ai quên được đâu. Cuộc chiến chống thực dân Pháp rồi sau này là chống đế quốc Mỹ xảy ra lâu hơn nhiều mà người ta vẫn còn ghi nhớ thì huống chi cuộc chiến chống bành trướng Trung Quốc. Bất cứ chuyện gì đã trở thành sự kiện lịch sử của từng dân tộc thì người dân nước đó phải ghi khắc thôi mà. Đó là lịch sử. Chỉ có điều vì những lẽ nào đó, có những lúc người ta không thể thể hiện công khai sự ghi tâm khắc cốt của mình mà thôi.

Chuyện nào ra chuyện đó. Sao ta đành đoạn để các liệt sĩ thời Chiến tranh Biên giới phía Bắc cứ phải chịu hy sinh lần nữa bị phân biệt đối xử so với các liệt sĩ thời chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, thậm chí chẳng được nhắc tên chứ nói chi tới ngợi ca gương hy sinh bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời các thế hệ người Việt hiện nay và mai sau phải được học một cách chính thức và chính thống trong môn Lịch sử về cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc ngoan cường này của dân tộc Việt. Lịch sử Việt Nam đâu có dừng lại ở sau cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ. Và cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới hồi cuối thập niên 1970 và đầu thập niên 1980 đâu phải chỉ có ở phía Tây Nam Tổ quốc. Chuyện gì thuộc về lịch sử dân tộc thì phải được khắc ghi. Thực tế là trong thế giới phẳng và trong suốt giữa thời truyền thông xã hội của Internet này, chẳng có gì có thể che giấu được. Tốt cho tất cả là ta chủ động để có thể làm chủ được nó một cách chính thống và chính xác, nhất là khi đó là lịch sử của cả một dân tộc. Sẽ thiệt là “biết trả lời sao” nếu có ai nghĩ rằng đưa các cuộc chiến tranh biên giới và những sự việc tranh chấp lãnh thổ vào sách sử là nuôi căm thù, kích động chiến tranh. Cho dù ngày nay ta cố tình không đưa chúng vào sách sử thì sau này chúng vẫn được ghi lại trong sử sách. Đơn giản vì đó là một mảng lịch sử của dân tộc Việt thôi mà.   

Cũng giống như với Pháp, Nhật và Mỹ trước đây, người Việt chống thế lực bành trướng Trung Quốc là để bảo vệ tổ quốc của mình chứ không đồng nghĩa với chống hay thù hận nhân dân nước họ. Pháp, Nhật và Mỹ thì xa, còn Trung Quốc là nước láng giềng sông liền sông, núi liền núi kia mà. Ta vẫn thích dùng phương thức ngoại giao nhân dân, giao lưu văn hóa giữa các dân tộc để có thể tác động góp phần làm dịu nhẹ đi những cái đầu hung hăng, hiếu chiến và hăm hở xâm chiếm nước người. Và cũng giống như với Pháp, Nhật, và Mỹ, với Trung Quốc, người Việt mình chỉ chống lại những đầu óc hiếu chiến có dã tâm dùng vũ lực và mọi thủ đoạn để xâm chiếm giang san tổ quốc của mình. Từ ngàn xưa, người Việt vốn hiếu hòa và rộng lòng bao dung. Người Việt chỉ cầm lấy vũ khí và đứng lên làm thành những bức tường thành vững chắc khi cần phải bảo vệ đất nước của mình mà tiền nhân đã trao lại. Từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây đều như vậy thôi, ai cũng hiểu rằng, thế hệ đương thời mà để mất dù chỉ một tấc đất cho quân xâm lược cũng là mang tội lưu danh xấu muôn đời với tổ tiên và với các thế hệ mai sau. Ngoại trừ những kẻ bất cần lịch sử, chỉ biết lợi ích của bản thân mình hôm nay mà “mackeno” tương lai của cả dân tộc.  

Đó cũng chính là lý do mà có không ít người, đặc biệt là thế hệ 8x trở về sau này, không phải họ quên mà chỉ vì họ không biết tới chương vệ quốc ngoan cường này của lịch sử dân tộc, hay có biết thì cũng theo các kênh ngoài luồng, thậm chí tam sao thất bổn. Trong khi đó Bắc Kinh vốn dĩ thâm sâu đã đưa chuyện tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Việt Nam và các nước láng giềng vào sách vở (không rõ có đưa vào nhà trường không) cho mọi thế hệ người dân cùng hiểu theo ý của nhà cầm quyền. Liệu có bao nhiêu học sinh, sinh viên Việt Nam được học một cách bài bản, chính thống về chủ quyền của Việt Nam đối với các lãnh thổ, các lãnh hải và các đảo ở Biển Đông?

Cái bản lĩnh và cái trí tuệ hơn nhau là ở chỗ biết liệu được tình thế mà có phương sách xử trí cho thích hợp và có hiệu quả nhất. Đừng có “sống ảo” mà nghĩ rằng mình ên mình thì có thể dùng vũ lực để đòi lại được lãnh thổ đang nằm trong tay Trung Quốc. Vũ lực – đồng nghĩa với máu xương – phải được huy động đúng lúc khi không còn cách nào khác để bảo vệ những tấc đất giang sơn mà mình đang gìn giữ. Bất luận thế nào, mục đích tối thượng và duy nhất vẫn là bảo vệ cho bằng được từng mẩu đất mà tổ tiên đã truyền trao lại cho thế hệ mình. Ai biết kết hợp nhuần nhuyễn nội lực và ngoại lực, kẻ đó là thức thời và sẽ là người chiến thắng, nhất là khi chính nghĩa ở về phía mình. Thước đo của chính nghĩa là sự đồng lòng của người dân trong nước và sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế.  

Còn nhớ khi đài Tiếng nói Việt Nam phát tin cấp báo Trung Quốc xua quân tấn công dọc tuyến biên giới phía Bắc ngày 17-2-1979, lúc đó tôi đang là biên tập viên của báo Long An. Ngay lập tức, các phóng viên và biên tập viên cùng nhân viên tòa soạn đã hưởng ứng phong trào viết huyết thư tình nguyện chiến đấu bảo vệ tổ quốc. Gọi là viết huyết thư chớ thiệt ra là viết bằng bút mực (hồi đó xài bút máy Trường Sơn, Hồng Hà) rồi chích máu ngón tay ịn lên điềm chỉ.

Thời kỳ đó, dân Long An ở miền Tây Nam bộ chúng tôi chỉ có thể ủng hộ đồng bào biên giới phía Bắc bằng tinh thần và những vật chất đóng góp được. Bản thân chúng tôi cũng đang phải căng mình ra trong cuộc Chiến tranh Biên giới phía Tây Nam từ Campuchia đang trong tay chế độ Khmer Đỏ của bọn Pol Pot (Pôn Pốt) – Ieng Sary (Yêng Xari). Ngay từ tháng 5-1975, chẳng chịu đợi lâu sau khi chiếm được Phnom Penh, đánh đổ được chế độ Cộng hòa Khmer của Lon Nol, bộ sậu lãnh đạo nhà nước Campuchia Dân chủ đã bắt đầu gây chiến với Việt Nam. Bọn Pol Pot này chính là “đệ tự chân truyền” của Bắc Kinh và gây sự với Việt Nam cũng chủ yếu do quan thầy xúi giục. Khi Việt Nam quyết định phản công chống lại bọn Pol Pot ở biên giới Tây Nam, Bắc Kinh phát động chiến tranh ở biên giới phía Bắc để “chia lửa” hòng cứu đám đệ tử ở Phnom Penh.

Dọc biên giới Campuchia – Việt Nam ở khu vực Long An những năm đó bùng nổ chiến sự, bắt đầu từ vùng quận Tuyên Bình cũ (lúc đó là huyện Vĩnh Hưng). Tôi có người ban học thân từ thời nhỏ xíu là Nguyễn Hữu Khinh đi bộ đội đã chết vì đạn pháo kích của Khmer Đỏ khi đóng ở đồn biên giới Long Khốt. Với nhiệm vụ một phóng viên, tôi cũng đeo bám các vùng chiến trường để đưa tin. Có những đêm tôi theo những toán quân đi tắc-ráng (vỏ lãi) ra chốt biên giới đổi quân đối đầu với quân Khmer Đỏ ở bên kia đường biên. Và năm 1979, ngay sau khi Campuchia được cứu thoát khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot, tôi đã may mắn có mặt trong đoàn đại biểu đầu tiên của tỉnh Long An sang thăm tỉnh kết nghĩa với Long An là Svay Rieng. Tuy là tỉnh láng giềng, nhưng lúc đó muốn sang thị xã Svay Rieng, chúng tôi phải đi xe qua cửa khẩu Mộc Bài của tỉnh Tây Ninh. Đó cũng là lần đầu tiên tôi biết thế nào là món mắm dân tộc bò hóc của dân Khmer.

Trở lại trang nhất của báo Người Lao Động ngày 17-2-2016. Tin vedette thứ 2 là Hội nghị Cấp cao ASEAN – Mỹ tại Sunnylands (bang California, Mỹ) ngày 15-2-2016 được dàn maquette bên trên sự kiện Chiến tranh Biên giới phía Bắc và ngay bên dưới manchette báo. Tít chính “Mỹ – ASEAN thúc đẩy thịnh vượng” kèm tít phụ “Việt Nam đề nghị Mỹ lên tiếng mạnh mẽ về biển Đông”. Đoàn Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu. Và dịp này, Tổng thống Mỹ Barack Obama gút lại sẽ sang thăm chính thức Việt Nam vào hạ tuần tháng 5-2016, nghĩa là vài ngày sau khi Việt Nam diễn ra bầu Quốc hội (22-5-2016) tiến tới một ê-kíp lãnh đạo quốc gia mới.

Hai cái sự kiện vedette này tưởng chừng không “đụng hàng”, nhưng thiệt ra có mối quan hệ liên can với nhau. Việc bố trí vị trí hai tin cũng xem ra hợp tình, hợp lý.

Tôi chẳng dám lạm bàn chi kẻo bị complain là nhiều chuyện. Thiện tai thiện tai. Tôi chỉ nói ráng thêm điều này: lãnh thổ của nước nào là do nước đó chủ động bảo vệ (khi còn) và đòi lại (khi bị xâm chiếm). Các nước khác cho dù nhiệt tình trên mức tình cảm hay có lợi ích tới đâu cũng chỉ có thể đứng đàng sau mà hỗ trợ. Ừ, lẽ thường ai cũng hiểu là của mình mà mình chấp nhận buông bỏ thì tới Thượng đế cũng phải…. bó tay!

PHẠM HỒNG PHƯỚC