Thứ Tư ngày 22 tháng 1 năm 2025

Ừ thì Rằm tháng Giêng

160222-tetbinhthan-ramthanggieng-caymai-05_resize

Bữa nay thứ Hai (22-2-2016) “là ngày đầu tuần, bé hứa cố gắng chăm ngoan….” Đó là với trẻ mẫu giáo qua bài hát thiếu nhi phổ biến “Cả tuần đều ngoan”. Còn với ông bà, cha mẹ, cô bác, chú dì, cậu mợ, bữa nay là Rằm tháng Giêng năm Bính Thân, còn được gọi là Tết Nguyên Tiêu (ở Đài Loan và Trung Quốc, người ta mừng Tết Thượng Nguyên).

Rằm tháng Giêng là cái rằm đầu tiên trong số mấy cái rằm lớn nhất trong năm. Thành ngữ Việt có câu:”Lễ Phật quanh năm không bằng Rằm tháng Giêng”. Các bậc cao thâm nghĩ sao thì tôi không rõ, chớ tôi coi Rằm tháng Giêng là một thử thách lớn nhất của năm và vì thế người làm được cũng đạt công đức nhiều nhất trong năm. Đó là cái chuyện ăn chay tịnh sau hơn nửa tháng chè chén tưng bừng của mùa Tết, đặc biệt là những ngày tết nướng, tết ráng, tết cố, tết thêm, tết mót khi thời gian cứ trôi theo Con Tạo xoay vần mà lòng người còn chưa muốn hết tết.

Cái tên Nguyên Tiêu theo tiếng Hán có nghĩa là “đêm đầu tiên” (nguyên: đầu tiên, tiêu: đêm) mà người theo đạo Phật tin đây là đêm Đức Phật giáng thế. Vì thế, đây là dịp các Phật tử lên chùa cúng sao giải hạn cho năm. Theo thông lệ, các chùa dịp này thường tụng kinh Dược Sư cùng Phật tử tụng niệm cầu cho quốc thái dân an, thế giới an lành. Kinh Dược Sư là kinh nguyện của Phật Dược Sư – vị Phật cùng với Phật A Di Đà thường được thờ chung với Phật Thích Ca (Phật Dược Sư đứng bên trái và Phật A Di Đà đứng bên phải Phật Thích Ca). Theo từ điển bách khoa Wikipedia, trong kinh Dược Sư (hiện nay chỉ còn bản chữ Hán và chữ Tây Tạng), người ta đọc thấy 12 lời nguyện của Phật Dược Sư, thệ cứu độ chúng sinh với sự giúp đỡ của chư Phật, Bồ Tát và 12 vị Hộ Pháp và Thiên Vương.

Còn về phía đời, Rằm tháng Giêng là lễ hội hoa đăng, đèn lồng. Nhiều nhà có tập quán thắp một ngọn đèn lồng trước cổng hay trước cửa nhà. Ở Saigon, lễ hội hoa đăng rực rỡ nhất là trong cộng đồng người Hoa ở Chợ Lớn.

Tôi thì giống như những bá tánh còn lại coi Rằm tháng Giêng là lễ hội tổng kết để “the end” cái mùa Tết của năm. Vậy là hết Tết thiệt rồi sao!

 

P/S: Kẻ phàm phu tục tử như tôi liệu biết phải xử làm sao khi ngày Rằm tháng Giêng mà cây mai của nhà mình nó vẫn rực vàng như thế này đây. Cây mai này bắt đầu khai hoa nở nhụy vào mùng 7 tháng Giêng rồi bị tôi cho chơi thuốc “chống rụng hoa mai” nên “bao rằm luôn”. Trong tình huống nhạy cảm và đáng quan ngại của mình, tôi cực lực phản đối ai nói rằng “hễ mai chưa tàn là tết chưa hết”. Xin hãy để tôi bình tâm mà cày sâu cuốc bẫm trong nỗi niềm mong ngóng…. Tết năm sau.

PHẠM HỒNG PHƯỚC  

160214-tetbinhthan-caymai-03_resize

Mùng 7 tháng Giêng: cây mai chỉ toàn những búp mũm mĩm.

160215-tetbinhthan-caymai-03_resize

Mùng 8 tháng Giêng: những đóa mai đầu tiên bung nở.

160222-tetbinhthan-ramthanggieng-caymai-09_resize

Ngày Rằm tháng Giêng: cây mai vẫn rực vàng hoa.