Thứ Ba ngày 26 tháng 11 năm 2024

Bữa nay tôi chỉ ăn… thịt!

April-Fools-day

Nguồn minh họa: Internet. Thanks.

Tôi cầm cung Song Ngư có tới 2 con cá nên bản tính vốn hảo cá (đặc biệt là mỹ nhơn ngư) hơn thịt (đặc biệt là kiêng thịt gà, ngoại trừ gà móng đỏ). Nhưng, tôi xin long trọng tuyên bố trước toàn thể nhân loại hơn 7,1 tỷ người rằng hôm nay tôi chỉ ăn thịt, kiên định lập trường không ăn bất cứ loại cá nào, đù là cá tặng hay ăn cá được khuyến mãi. Bởi theo lịch Tam Tông Miếu in ở Hong Kong bên hông Chợ Lớn, hôm nay là ngày “hung” 24-2 năm Bính Thân. Bởi theo lịch Dương (Quý Phi), hôm nay là ngày 1-4-2016.

Ngày 1-4 hàng năm là ngày lâu nay vẫn được thiên hạ Âu Mỹ gọi là ngày April Fools’ Day, ngày của những trò đùa, chơi khăm. Chẳng biết từ khi nào và ai đó trong số đồng bào mình dịch đó là ngày “Cá tháng Tư”. Chớ hề hiểu vì sao lại có liên quan tới loài cá. Tôi lục tung Internet cũng chỉ thấy ngày này chủ yếu được biểu tượng bởi những anh hề (fool, clown). Phải chăng chữ “cá” ở đây không phải để chỉ mấy con cá mà xuất phát từ “cá độ, cá cược”, cụ thể là trong ngày này người ta “cá” nhau đánh lừa được ai đó.

Còn như nếu là tôi hén, thì tôi sẽ khoái được gọi ngày 1-4 là “Ngày Bác Ba Phi”, dù sao ông ấy cũng là láng giềng sát vách nhà của tôi thuở nhỏ ở xứ Chắc Cà Đao.

Mà nè, cái chữ “fool” trong tiếng Anh có nhiều nghĩa à nghen. Một là, kẻ xuẩn ngốc, người khờ dại. Hai là, chàng hề. Ba là, kẻ bị lừa. Vì thế, tùy trò đùa hay lừa gạt, và tùy tình huống mà nó rơi vào ý nghĩa nào. Với cái tạng của mình, tôi chỉ thích làm chàng hề, đem niềm vui tới cho mọi người mà thôi. Mà dường như đó cũng là ý nghĩa chính của cái ngày “cấm giận nhau” này.

Nói có sách, mách có chứng, thời Internet này thì phải dẫn từ điển bách khoa online Wikipedia mới là sành điệu. Họ giải thích: April Fools’ Day (hay có khi được gọi là All Fools’ Day) vào ngày 1-4 hàng năm là ngày để người ta nói đùa (joke) và chơi khăm (hoax) nhau một cách “hợp pháp”.

Có nhiều giải thích về xuất xứ của cái ngày “vui là chính” này. Có nguồn nói nó từ lễ hội tôn gáo Hilaria của người La Mã (Roman) cổ đại. Có người liên hệ nó với lễ hội tôn giáo Holi của người Ấn Độ. Nhưng chứng cứ giấy trắng mực đen là từ tập truyện kể Canterbury Tales xuất bản năm 1392 của nhà thơ Geoffrey Chaucer (1343-1400), người được coi là cha đẻ của Văn chương Anh. Trong tuyển tập gồm 24 câu chuyện này có truyện “Nun’s Priest’s Tale” (Chuyện kể của vị linh mục của vị nữ tu) viết dòng này: “Syn March bigan thritty dayes and two” bằng tiếng Anh cổ. Các học giả hiện đại giải thích ý của câu này là “32 ngày sau tháng 3” từc là ngày 2-5, ngày kỷ niệm sự kiện Vua Anh Richard II đính hôn với Công chúa Anne của Xứ Bohemia hùng mạnh vào năm 1381. Nhưng trong thực tế, người đọc hiểu theo nghĩa ngày “32 tháng 3” (32 March), tức là sau tháng 3 một ngày, chính là ngày 1-4. Lắt léo như vậy vì họ coi đây là cách chơi chữ của tác giả Chaucer. Có lẽ cũng như kiểu tôi khoái khoe khoang “Đêm nào tôi cũng ngủ với Hoa hậu Việt Nam chung một… đất nước.”

Ngày Cá tháng Tư bắt đầu phổ biến trong thế kỷ 19. Trong ngày này, nhiều tờ báo cho đăng những bản tin, câu chuyện giựt gân để rồi ngày hôm sau cải chính đó là chuyện đùa ngày 1-4. Có lần tôi nghe bản tin BBC tiếng Việt bắt đầu bằng tin chấn động: Việt Nam chào bán Chùa Một Cột ở Hà Nội. Tới cuối bản tin, họ đính chính đó là tin Cá tháng Tư.

Chẳng có luật pháp nào quy định, nhưng theo luật bất thành văn và được quần chúng thuận tình, trong ngày 1-4, người ta có thể bày trò đùa hay chơi khăm với nhau mà không bị chửi mắng hay ăn giày cao gót. Tất nhiên, nếu trò đùa hay trò chơi khăm ấy mà gây tổn hại thân thể, tài sản hay thanh danh của người ta thì lại là chuyện… luật pháp. Vào buổi sáng 1-4 khi vừa mở mắt dậy, người ta phải nhớ và lòng dặn lòng chớ để bị “ăn cá”. Thiệt ra, có những người đồng hồ vừa gõ 12 tiếng nửa khuya chuyển sang ngày 1-4 đã bị ai đó gọi điện, nhắn tin cho ăn cá rồi. Còn trong vòng 24 tiếng đồng hồ của ngày 1-4, hồn ai nấy giữ, mất cảnh giác để bị trúng quả lừa thì ráng mà chịu, không giao nổi quạu hay có những hành vi vũ phu, vũ nữ.

Vậy nên muốn mọi sự tốt lành và có thể an lành mà sống tiếp 365 ngày còn lại của năm 2016 (năm nay nhuận Dương lịch nên tháng 2 có ngày 29), tôi dặn tôi rằng có chơi Cá tháng Tư thì cũng biết đâu là sự chừng mực. Vui là chính thôi. Không nên bày những trò đùa, trò chơi khăm quá lố, làm hại hay tổn thương người khác. Đặc biệt là không nên lợi dụng sự khao khát, niềm mơ ước của ai đó mà đem ra chơi khăm, đùa giỡn trong ngày Cá tháng Tư này. Hãy lưu ý tới cái cảm giác của người ta. Chẳng hạn, tôi đang mê đắm mê đuối cô hàng xóm mà có ai bày trò là cô nàng nhắn tin bày tỏ tình cảm, hẹn hò với tôi, làm tôi vỡ mộng đẹp thì tôi nhứt quyết khắc cốt ghi tâm kẻ bày trò đó trong cuốn sổ hận dai, thù vặt.

Ừ, hỗng nhắc thì thôi, nói tới cái vụ nhạy cảm này, tôi đã “eureka” một ưu thế của ngày Cá tháng Tư. Đó là ngày tuyệt vời để nhẹ thì tỏ tình, nặng thì cầu hôn. Nếu ai nhắm nhe ai đó từ lâu mà ngại ngần, thẹn thùng, e lệ, mắc cỡ hay kém tự tin, sợ bị từ chối thì mất tất cả nên bao năm nay chớ dám hó hé, thì ngày Cá tháng Tư là một cơ hội “ngàn vàng chẳng ngoa” mà không sợ “ô danh má hồng” (Truyện Kiều câu 826 tới 854). Tôi bày như vầy hén, ngày 1-4, bạn mời người đó đi ăn uống, đi chơi chi đó rồi canh me “giờ Hoàng đạo” (trong binh pháp quân sự hiện đại gọi là “giờ G” – chẳng biết có liên can chi tới cái “G-spot” không?) khi mà “tình trong như đã, mặt ngoài còn e” (Truyện Kiều, câu 164), bạn bèn tỏ tình hay cầu hôn. Hễ được nàng “approved” thì quá hạnh phúc, tống ga tới luôn bác tài. Còn xui xẻo mà bị người đó từ chối thì “switch” ngay từ vẻ mặt chân thành thống thiết sang mặt cười hớn hở (cho dù lòng đau như cắt hay mắc cỡ muốn chun xuống cống) nói rằng: “Haha, em bị lừa rồi hén. Bữa nay Cá tháng Tư”. Nên xử sự một cách “gentleman” như vậy thôi, đừng nên bắt chước ai đó hứ cái cóc xì thiệt dài mà rằng: “Cứ tưởng bở, đừng có mà ham”.

Thôi, chúc các bạn sống sót sau ngày Cá tháng Tư 1-4-2016.

160401-phphuoc-s7-01_resize

P/s: Tôi viết dài dòng như vậy cốt chỉ để có cớ đưa cái ảnh minh họa tôi chụp selfie bằng chiếc Galaxy Note 5 cảnh tôi đang cầm chiếc Galaxy S7 màu vàng Gold mà sáng 1-4-2016 Samsung Vina đã cho DHL Express chở tới tận giường ngủ tặng tôi một chục 12 chiếc đặng tôi xài mỗi tháng một chiếc cho tới khi S8 ra đời vào năm 2017.

PHẠM HỒNG PHƯỚC