Chủ nhật ngày 22 tháng 12 năm 2024

Khi mỗi người là chủ một kênh truyền hình

live-streaming-01

 

Chuyện “truyền hình trực tiếp” Live streaming trên Internet có từ lâu rồi. Vô số trang web trên thế giới cho phép các thành viên hay khách hàng có thể phát video trực tiếp. Hàng loạt ứng dụng di động cũng đã được phát triển để phục vụ người dùng phát sóng Live. Chúng tôi không liệt kê ra đây vì bạn chỉ việc tìm trên các công cụ tìm kiếm online là sẽ có ngay và luôn.

Nhưng cao trào người người trực tiếp truyền hình, nhà nhà “live show” chỉ bùng nổ gần đây khi các mạng truyền thông xã hội lớn nhất thế giới cùng nhảy vào tham gia.

Ứng dụng live Periscope của mạng xã hội tin nhắn Twitter có hơn 500 triệu thành viên đã nhanh chóng trở nên “hot” sau khi được cung cấp vào tháng 3-2015. Periscope cho phép người dùng trực tiếp truyền hình một sự kiện và có thể xem lại sự kiện đó trong vòng 24 giờ sau đó. Các công ty có thể dùng ứng dụng này để kết nối với các công đồng của mình trong những sự kiện theo thời gian thực.

Chỉ 5 tháng sau, vào tháng 8-2015, mạng xã hội lớn nhất thế giới với 1,6 tỷ người dùng thực tế hàng tháng, đã không chịu kém bèn tung ra tính năng Facebook Live. Tuy nhiên hiện nay ứng dụng này hầu như chỉ được cung cấp cho những nhân vật của công chúng, nói nôm na là những người nổi tiếng, với trang Facebook cá nhân đã được xác thực thông qua tính năng Mentions. Gần đây, tính năng Live này đã được Facebook cung cấp rộng hơn, bắt đầu từ những người dùng iOS, tiếp đó là tới Android. Vào ngày 28-1-2016, Facebook cho biết tất cả những người dùng iOS ở Mỹ đã có thể sử dụng tính năng Live. Facebook nói rằng họ cung cấp tính năng phát video trực tiếp này cho người dùng trên khắp thế giới. Với tính năng Live, người ta có thể trực tiếp phát video đang ghi hình thời gian thực lên  Newsfeed cho những người theo dõi xem và có thể đọc các lời bình luận (comment) ngay khi chúng được người xem post lên. Sau đó, nội dung phát Live này có thể được lưu lại để mọi người có thể xem lâu dài.

Mạng xã hội video YouTube cũng đã đưa ra một dạng ứng dụng Live streaming của mình là Live Events. Người dùng có thể quay video những gì mình đang thấy rồi phát trực tiếp theo thời gian thực lên kênh của mình trên YouTube cho thiên hạ cùng xem. Còn nhớ, vào tháng 3-2010, nghĩa là gần 4 năm sau khi được hãng Google mua lại với giá 1,65 tỷ USD, YouTube đã bắt đầu trực tiếp truyền hình miễn phí một số nội dung được chọn, trong đó có 60 trận thi đấu môn bóng gậy cricket của giải ngoại hạng Ấn Độ. Theo YouTube, đây là lần đầu tiên một sự kiện thể thao lớn được trực tiếp truyền hình online rộng khắp thế giới.

Được phát triển riêng cho những người dùng iPhone là ứng dụng Meerkat kết nối với các tài khoản người dùng của mạng Twitter. Người dùng có thể phát nội dung mà chiếc iPhone của mình đang ghi hình trực tiếp lên mạng Twitter cho mọi người cùng xem.

Vậy là sau những tin nhắn tức thì (instant messaging) bằng chữ (SMS), rồi tin nhắn có kèm multimedia (MMS), chat trực tuyến, chia sẻ trên mạng các hình ảnh, rồi video, bây giờ, người ta có thể dễ dàng phát trực tiếp video mà mình đang ghi lên các mạng truyền thông xã hội. Mỗi thành viên mạng xã hội không chỉ là một phóng viên và tổng biên tập một tờ báo riêng trên mạng mà giờ đây còn có thể là một nhà quay phim và giám đốc một kênh truyền hình riêng trên mạng.

Tất nhiên, các ứng dụng Live streaming được cung cấp nhằm mục đích chính và đầu tiên là phục vụ người dùng các mạng xã hội, đem lại cho họ thêm những tiện ích hữu dụng và thiết thực cho các nhu cầu của cuộc sống. Cũng như với các ứng dụng hữu ích khác, nếu được sử dụng hợp lý và đúng đắn, chúng sẽ đem lại nhiều lợi ích cho người dùng và giúp cho cuộc đời thêm đáng sống hơn.

Trong một bài viết vào ngày 12-8-2015 trên báo The Huffington Post, Jonha Revesencio, một nhà chiến lược kinh doanh, đã nói về việc khai thác Live streaming vào chiến lược truyền thông xã hội của các nhà kinh doanh và tiếp thị. Anh viết: “Các nhà tiếp thị chưa bao giờ nghĩ rằng việc tiếp thị lại sẽ trở nên tiện lợi và có hiệu quả kinh tế đến như vậy. Cách đây một thập niên, các thương hiệu phải chi những khoản tiền khổng lồ cho các quảng cáo trên truyền hình, trên các tấm bảng (billboard), trên báo chí in và nhiều phương thức quảng cáo khác. Bây giờ, hơn 50% tiêu điểm của họ đã được chuyển sang tiếp thị số. Nói một cách đơn giản, truyền thông xã hội là một lĩnh vực có hiệu quả chi phí cao hơn và đem lại các kết quả tốt hơn các phương pháp truyền thống.”

Cũng giống như các dịch vụ xã hội và online khác vốn sống tốt, sống khỏe trên mạng Internet, Live streaming càng trở nên lợi hại trong thời của di động. Chính các thiết bị di động ngày nay được trang bị chức năng camera ngày càng tốt hơn và sóng di động được phủ ngày càng rộng hơn cộng với chi phí thiết bị và mạng ngày càng rẻ hơn đã chấp cánh cho cả khâu tạo nội dung lẫn xem nội dung. Bất cứ lúc nào và bất cứ nơi đâu hễ có mạng là người ta có thể thoải mái “phát truyền hình và xem truyền hình”.

Theo các chuyên gia, hiện có hơn 50% số người dùng mạng xã hội truy cập bằng smartphone. Từ năm 2012 tới nay, số video được xem bằng thiết bị di động (smartphone và tablet) tăng bình quân mỗi năm 114%. Ước tính có khoảng 200 triệu người đang xem video trên mạng xã hội, và 50% số đó xem bằng smartphone. Chi phí mà các thương hiệu dành cho quảng cáo bằng video số trong năm 2014 tăng 107%.

Vậy là nhiều năm nay, các báo in khốn khổ vì sự cạnh tranh của mạng truyền thông xã hội; bây giờ, với tính năng Live streaming của các mạng xã hội, tới lượt các đài truyền hình trở thành nạn nhân của sự tiến hóa công nghệ thời đại. Người quảng cáo thật sự nào cũng phải tính tới hiệu suất cả về chi phí đầu tư lẫn hiệu quả thực tế do quảng cáo đem lại. Về khoản này thì các mạng xã hội giờ là thiên hạ vô đối.

Nhưng xét trên toàn cảnh, Live streaming sẽ tác động ra sao tới cuộc sống xã hội? Nếu như xưa nay, truyền hình luôn có sức thu hút hơn báo giấy, video luôn hấp dẫn hơn hình ảnh tĩnh, Live streaming cũng sẽ có tầm ảnh hưởng sâu hơn các loại hình truyền thông khác. Bạn thử hình dung xem sức mạnh của thông tin khủng khiếp như thế nào nếu như có thêm cả tỷ kênh truyền hình cá nhân phát sóng 24/7 trên khắp thế giới? Do yếu tố Live nên thời gian nội dung ghi được sẽ đến với người xem nhanh hơn là bằng chữ hay ảnh. Và đừng có ảo tưởng vào ý muốn duy ý chí là sẽ quản lý được mạng xã hội nói riêng và Internet nói chung. Giải pháp thông minh và khôn ngoan nhất vẫn là chung sống với nó và khai thác nó để phục vụ cho lợi ích của mình. Còn ai làm gì vi phạm pháp luật thì cứ chiếu theo pháp luật mà xử lý.

Có lẽ cũng lường được những bất cập nguy hiểm mà Facebook trước mắt chỉ cung cấp tính năng Live cho những đối tượng mà họ tin tưởng.

Tin tôi đi, bạn sẽ không thể hình dung nổi những gì thiên hạ, đặc biệt là các “thánh net”, sẽ phát sóng trực tiếp trên mạng xã hội đâu. Không loại trừ những nội dung nhạy cảm (hầu như là để câu View) và ai cũng có thể trở thành những diễn viên bất đắc dĩ trong những “Live show”, nhất là khi ra khỏi nhà. Lẽ đương nhiên, trách nhiệm luôn thuộc về người sử dụng các công cụ công nghệ này. Hy vọng là sau một thời gian đầu còn hào hứng, cái gì cũng Live, người ta sẽ lắng lại và biết chọn những sự kiện, nội dung để Live. Bản thân những mạng xã hội cũng đều đã có những quy định, điều lệ để quản lý nội dung người dùng phát và chia sẻ trên mạng của mình.

Nhân tiện, để tránh bị quấy rầy bởi những Live streaming (vừa đỡ hao pin, vừa không phải trả thêm cước data Internet), nếu dùng ứng dụng Facebook trên di động, bạn nên vào nhóm Settings để thiết đặt trên mục App Settings tùy chọn “Never Autoplay Video” cho nó an lành.

Cuối cùng, thiết nghĩ vẫn cứ phải “biết rồi khổ lắm nói mãi” cái chân lý này: các ứng dụng và mạng xã hội chỉ là công cụ, phương tiện công nghệ phục vụ con người. Việc sử dụng chúng ra sao, tốt hay xấu vẫn tùy thuộc vào từng con người – dựa trên nền tảng ý thức cá nhân.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.

+ Có thể đọc bài in trên báo Người Lao Động 13-4-2016 và trên báo Người Lao Động Online

160413-baibao-nguoilaodong-02_resize