Thứ Năm ngày 26 tháng 12 năm 2024

Selfie chi cho khổ mình, hại người

 

 

Selfie được dịch nôm là “tự sướng”. Nhưng một khi selfie đã trở thành một cao trào “toàn dân tự sướng” rồi thì nó không còn là “chuyện của một người”. Và khi đó, selfie trở nên lợi hại hơn bao giờ hết. Tự làm cho mình sướng thì đa số, nhưng tự làm khổ mình, hại người cũng chẳng hề ít. Tất cả, dựa trên cái nền tảng văn hóa và ý thức của từng cá thể trong cả một cộng đồng xã hội. Nói cho gọn có nghĩa là selfie phải có ý thức và văn hóa.

Tất nhiên phải thiếu muối i-ốt dữ lắm thì người nào đó mới đổ tội cho selfie – một chức năng công nghệ đã tích hợp vào cuộc sống thành một thú vui và thậm chí một thói quen của con người thời công nghệ cao.

Người Nga có câu cách ngôn: “Hãy nói cho tôi biết bạn của anh là ai, tôi sẽ nói cho anh biết anh là người như thế nào.” Hình như những dân tộc khác cũng có những câu nói tương tự. Tôi thì mạn phép “hiện đại hóa” câu này thành: “Hãy nói cho tôi biết anh selfie ra sao, tôi sẽ nói cho anh biết anh là người như thế nào.”

Nói có sách, mách có chứng cho cái vụ selfie làm khổ mình, hại người.

Năm 2014, bang California (Mỹ) bị hạn hán khủng khiếp. Trong khách sạn 4 sao mà tôi ở, người ta cho dựng những tấm bản đồ ghi rõ những vùng nắng hạn nghiêm trọng, đỏ lòm cả bang, và yêu cầu xài nước tiết kiệm. Năm đó, cả California như trong lò lửa bởi xảy ra tới 8.000 vụ cháy rừng. Đành rằng chuyện cháy rừng thì năm nào cũng đến hẹn lại lên ở California, nhưng năm 2014 thiệt là kinh khủng. Trong số những vụ cháy rừng dữ dội nhất có đám cháy “King fire” (không phải là “vua hỏa hoạn” đâu mà là lấy tên theo nơi phát cháy “King of the Mountain Road” ở thành phố Pollock Pines ngày 13-9-2014. Trong vòng 27 ngày, lửa lan ra phủ tới 97.000 mẫu Anh (1 acre bằng khoảng 0,4 hecta), nghĩa là đám cháy rộng còn hơn diện tích các thành phố như Atlanta, Las Vegas, Philadelphia, Portland,… May mắn là không có ai chết, nhưng hàng ngàn người đã phải sơ tán.

wayne-huntsman-selfie-video_0

Wayne Allen Huntsman trong video tự sướng tai ương.

Sở dĩ tôi nhắc lại đám cháy này ở đây là vì “King fire” do một người đàn ông 37 tuổi tên Wayne Allen Huntsman phóng hỏa. Anh ta vào rừng, đốt 2 đống lửa rồi đứng vào giữa quay video tự sướng gửi đi khoe bạn gái. Trong video đó, Wayne đứng giữa lửa chung quanh và khoe: “Nhìn anh nè cưng. Anh đã phóng hỏa ở đó.” Dè đâu, rừng khô bắt lửa mạnh, nhanh chóng trở thành cháy rừng. Khi chạy thoát khỏi đám cháy, anh ta đã được Lars Knutsen, một lính cứu hỏa nghỉ hưu, chạy xe ngang qua cứu. Trên xe, Wayne hào hứng móc điện thoại mở video tự sướng ra khoe. Và Knutsen đã dùng điện thoại của mình quay cả cảnh “kẻ phóng hỏa” đang khoe “chiến tích” lẫn đoạn video tự sướng kia, sau đó đem đi nộp cho cảnh sát. Và ngày 8-4-2016, tòa án đã tuyên phạt Wayne 20 năm tù và phải bồi thường cho các nạn nhân tổng cộng tới 60 triệu USD.

Nhưng dù sao Wayne vẫn còn giữ được mạng sống.

Kênh truyền hình CBS News hồi thượng tuần tháng 3-2016 có một bài viết giựt tít “Chết vì selfie”. Trong đó, tác giả dẫn lại thông tin trên tờ báo Anh The Telegraph cho biết số người chết có liên quan tới selfie trên thế giới còn nhiều hơn bởi cá mập tấn công. Số lượng người bị thương vì chụp ảnh selfie cũng gia tăng hơn các năm trước. Tính đến đầu năm 2016 này, Ấn Độ là nước có số nạn nhân mất mạng vì selfie nhiều nhất thế giới. Từ điển bách khoa Wikipedia cũng đã lập cả một danh sách về những vụ chết và bị thương do chụp ảnh selfie trên thế giới từ năm 2014 tới nay, coi mà phát buồn ơi là rầu.

Tất nhiên, selfie không phải là kẻ trực tiếp sát nhân. Các nạn nhân mất mạng vì trong lúc mải mê chụp ảnh tự sướng cho đẹp mà không chú ý, bất cẩn nên để xảy ra tai nạn như trượt chân rơi khỏi vách đá, bị xe đụng hay đụng xe, thậm chí có người còn bị xe lửa tông phải trên đường ray hay lỡ tay cướp cò súng khi tự sướng với súng. Có một sự thực là trong khi giới nữ thích chụp ảnh selfie hơn nam giới, có tới 75% số nạn nhân selfie là đàn ông con trai.

Hiện nay có những nơi đã bị “bó tay chấm com” với selfie nên ra những đòn nặng tay với nó. Chẳng hạn sau 19 cái chết vì selfie ở Ấn Độ, thành phố Mumbai của nước này đã quyết định đưa selfie ra ngoài vòng pháp luật. Các quan chức thành phố Pamplona (Tây Ban Nha) đã cấm selfie trong lễ hội nổi tiếng hàng năm “Running of the Bulls” mà những người gan cùng mình chạy đua cùng những con bò mộng trên các đường phố. New York đã trở thành bang đầu tiên ở Mỹ cấm “tiger-selfie” – thuật ngữ mới chỉ chuyện chụp ảnh selfie với những loài thú dữ.

selfie-wild-animal

Nhưng dù sao, các biện pháp đó chắc chắn chỉ mang tính nhất thời. Cái chính vẫn là cảnh báo và làm cho mọi người có ý thức hơn về thú vui chụp ảnh selfie. Kênh thời sự truyền hình WREG News Channel 3 đã dùng tấm ảnh một người đàn ông đi trong rừng chụp ảnh selfie với một con gấu lớn sau lưng để chạy cái thông điệp: “Hãy suy nghĩ trước khi bạn chụp tấm ảnh selfie kế tiếp”. Cảnh sát Nga trong năm 2015 đã mở một chiến dich an toàn selfie phát những tờ rơi và dùng hình thức trực quan giống như những biển báo giao thông để cảnh báo mọi người cần tránh những kiểu selfie nguy hiểm.

selfie-safe-signs

Bây giờ, ở các nơi vui chơi giải trí, những điểm du lịch sẽ không hề thừa nếu có thêm những tấm bảng cảnh báo khách cẩn trọng khi chụp ảnh selfie. Không thể, và cũng chẳng ai làm vậy, đi cấm chụp ảnh selfie. Vấn đề nằm ở chỗ chụp ảnh selfie một cách có ý thức, văn hóa và an toàn cho mình và cho người khác.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.

Xin mời đọc bài in trên báo Pháp Luật TP Chủ nhật 17-4-2016 và trên báo Pháp Luật TP Online

160417-baibao-phapluattp-2_resize