Thứ Hai ngày 23 tháng 12 năm 2024

Gánh nặng ân tình và trách nhiệm thêm nặng hơn….

160621-phphuoc-thanks

 

Giá như tôi có thể gom được hết các thể loại cảm ơn có trên đời này để gởi tới tất cả các thân hữu của mình và các bạn đối tác của media mình vào cuối ngày 21-6-2016. Thôi thì, xin tất cả các bạn hãy tạm nhận nơi tôi lời tri ân từ tận nơi sâu thẳm nhất của con tim tới nay vẫn chưa loạn nhịp của tôi.

Hôm nay là Ngày Nhà báo Việt Nam. Một ngày hai chiều. Ngày để người đọc bày tỏ tình cảm của mình đối với những người làm báo. Ngày để những người làm báo tự vấn lương tâm xem mình đã làm được những gì ích lợi cho người đọc.

Về chính danh thì ngày 21-6 hàng năm chỉ giới hạn ở báo chí cách mạng Việt Nam. Nó hoàn toàn không phải là ngày ra đời của nền báo chí Việt Nam. Từ điển bách khoa Wikipedia cho biết đó là ngày kỷ niệm ngày ra đời của tờ báo Thanh niên do nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc sáng lập (21-6-1925). Nghĩa là đã 91 năm.

Nền báo chí Quốc ngữ Việt Nam đã ra đời từ trước đó khá lâu. Tờ báo đầu tiên bằng tiếng Việt mới (tức chữ Quốc ngữ) chính là tờ Gia Định báo xuất bản số đầu tiên ngày 15-4-1865 (tới nay đã được 151 năm). Nhà sáng lâp và chủ nhiệm của Gia Định báo là học giả Trương Vĩnh Ký (còn gọi là Pétrus Ký). Báo này tồn tại suốt 44 năm (đình bản ngày 1-1-1910), và được coi là một phương tiện có giá trị để truyền bá chữ Quốc ngữ và khuyến khích tân học.

Hồi sáng nay, tôi đọc được một status trên Facebook của cô bạn Bùi Đặng Duyên Mai và thiệt là ưng cái bụng. Xin phép cô bạn cho copy và paste nó nhé: “Một cô bạn làm báo chúc đồng nghiệp chữ TÂM, mình tham lam hơn muốn có cả chữ TÌNH vì chính các chữ này giúp mình có thêm rất nhiều người “bạn”. Chúc mừng ngày Nhà báo Việt Nam!”

Lâu nay, mỗi khi chia sẻ kinh nghiệm cho các đồng nghiệp “sóng sau xô sóng trước”, tôi vẫn day đi trở lại rằng: hai tiêu chuẩn cơ bản mà một nhà báo cần phải có là “tâm” và “tầm”. Tôi giải thích: “tâm” là có lòng, “tầm” là có nghề. Người viết báo có tâm thì đầu óc trong sáng, chỉ có một mục đích và động cơ duy nhất là thực hiện sứ mạng truyền tin của mình, không dùng ngòi viết để bức hại ai hay mưu cầu lợi ích cho bản thân, có trách nhiệm với người đọc,… Người viết báo có tầm thì có kỹ năng tác nghiệp cao, có năng lực thể hiện bài viết tốt, tạo được sự hấp dẫn và phong cách viết của riêng mình,… Nhưng trong 2 tiêu chuẩn này, tôi đặc biệt nhấn mạnh tới cái tâm. Người viết báo có thể viết dở một chút, nhưng không được viết bậy; bài viết chưa hay, nhưng không thể gây hại cho người tốt và cho cuộc đời.

Cũng nằm trong cái tiêu chuẩn “tâm” là “tấm lòng”. Thật vậy, người viết báo còn cần phải có một tấm lòng, một con tim máu đỏ biết rung động đối với tha nhân. Có lẽ đây cũng chính là cái “tình” mà bạn Duyên Mai mong muốn ở người viết báo. Vô cảm dễ dẫn tới vô tâm và cuối cùng có thể trượt dài tới vô lương tâm và thậm chí rơi xuống bất lương.

Mỗi năm trôi qua, tuổi nghề của tôi tỷ lệ thuận với tuổi đời. Và với lòng ưu ái mà bè bạn luôn bao dung và rộng tay dành cho mình, tôi càng nhận thức được gánh nặng ân tình và trách nhiệm nghề nghiệp thêm nặng hơn. Chính nhờ tấm lòng của người đọc mà tôi có thêm động lực và hưng phấn tiếp tục thực thi sứ mạng truyền tin phục vụ tha nhân mà mình đã chọn làm duyên nghiệp ngay từ trước khi bước vào đời.

Cảm ơn các bạn. Và nếu như anh bạn Phạm An Dương (Intel Việt Nam) cấp copyright license, tôi sẽ hào hứng nói rằng: “Tôi yêu tất cả các bạn. Chụt chụt chụt.”

PHẠM HỒNG PHƯỚC