Thứ Bảy ngày 23 tháng 11 năm 2024

Báo chí truyền thống mệt mỏi vì mạng truyền thông xã hội

social-media-vs-press

Ảnh: Internet. Thanks

 

Với đặc thù của mình, mạng truyền thông xã hội giờ đây là một nguồn cung cấp thông tin không chỉ cho người đọc mà còn cho cả báo chí truyền thống. Thực tế ngày càng có thêm nhiều trường hợp báo chí phát hiện nguồn tin đầu tiên từ các trang mạng xã hội để từ đó tổ chức thành tin bài cho mình.

Trong khi đó trước nhu cầu thông tin của công chúng, từ các mạng xã hội (social network) nguyên thủy hoạt động giống như các diễn đàn (forum) đã phát triển thêm loại hình mới là các mạng truyền thông xã hội (social media network). Và đây mới chính là “khắc tinh” của báo chí truyền thống.

Cách đây ít năm, người ta lo ngại rằng báo điện tử (báo online và truyền hình) sẽ làm hại báo in. Hồi ban đầu, theo xu thế thời đại, các báo lớn phải xây dựng thêm phiên bản online của mình trên Internet. Lúc đó, người ta chỉ lo rằng bạn đọc đọc tin trên Internet xong sẽ không thèm mua báo in nữa. Vì thế, các báo phải dùng chiêu thời gian trễ, chỉ đưa thông tin lên bản online sau khi báo in phát hành một thời gian, ban đầu là qua ngày rồi rút dần còn một buổi. Họ cũng chọn ra những tin bài quan trọng và hot nhất để chỉ xuất bản trên báo in, với mục đích giữ bạn đọc cho báo truyền thống. Nhưng thực chất vấn đề nằm ở chỗ cách xử lý của tòa soạn từng tờ báo. Sau một thời gian thử nghiệm, báo Thanh Niên cho biết phiên bản online của họ đã góp phần làm tăng số lượng cho bản báo in.

Sau này, phần lớn các tờ báo giữ hai phiên bản online và báo in song song nhau, vừa tác chiến độc lập, vừa hỗ trợ lẫn nhau. Theo luật định, các dạng trang thông tin điện tử của báo chỉ được đăng những gì có trên báo in. Chỉ có các báo được phép xây dựng thêm báo điện tử thì mới có tòa soạn riêng cho bản online và xuất bản nội dung riêng biệt. Cách đây vài năm, ngày càng có thêm nhiều tờ báo xây dựng dạng tòa soạn hội tụ để có thể sử dụng chung nguồn tin bài và tùy ban thư ký tòa soạn phân luồng loại hình xuất bản nào thích hợp nhất. Bây giờ, các báo cạnh tranh lẫn nhau để cung cấp thông tin nhanh nhất cho bạn đọc nên có tin gì mới là đưa ngay lên bản online.

Thật ra, báo điện tử và báo truyền thống cho tới nay vẫn không loại trừ lẫn nhau. Nếu tòa soạn khéo léo, biết kết hợp cả hai loại hình lại với nhau, sức mạnh của tờ báo càng tăng lên. Và cũng cho tới nay, có rất ít tờ báo trên thế giới thu được tiền bạn đọc đăng ký mua bản online mà chủ yếu vẫn sống bằng tiền bán báo in. Đó là một lý do khiến hầu hết các báo cung cấp bản online miễn phí để vừa làm thương hiệu, vừa kiếm thêm nguồn thu từ quảng cáo online vốn đang ngày càng tăng trưởng nhanh.

Điều quan trọng nhất hiện nay là không phải khắc tinh và mối đe dọa cho sự sinh tồn của báo chí truyền thống đến từ báo điện tử mà chính là từ mạng truyền thông xã hội. Báo in thì phải cạnh tranh với các mạng như Facebook, Twitter; đài truyền hình thì ngoài các mạng truyền thông xã hội đó còn phải đấu với các mạng chia sẻ video như  YouTube.

Mức độ nghiêm trọng của mối đe dọa đối với báo chí truyền thống tỷ lệ thuận với mức độ ứng dụng công nghệ mới của mạng xã hội. Càng nghiệt ngã hơn khi các mạng truyền thông xã hội coi việc đáp ứng nhu cầu chia sẻ và tìm kiếm thông tin thời sự và mọi mặt của cuộc sống xã hội là quan trọng hàng đầu trong chiến lược thu hút và giữ chân người dùng. Mà doanh thu của mạng xã hội lại dựa trên số lượng người dùng. Với các thế mạnh công nghệ của mình, các mạng truyền thông xã hội không ngừng cải tiến, bổ sung các tính năng để tối ưu hóa nhu cầu thông tin. Chẳng hạn Facebook tạo thuận lợi cho người ta chia sẻ không chỉ nội dung bằng chữ mà còn bằng hình ảnh và video. Từ hình ảnh thường giờ đây hỗ trợ cả hình ảnh độ phân giải cực cao, hình ảnh và video 360 độ,… Việc Facebook cho phép người dùng chia sẻ các video clip đã là lợi hại, tới gần đây khi họ còn cung cấp tính năng phát video trực tiếp Live Stream thì báo chí truyền thống càng khốn đốn, nhất là các kênh truyền hình. Mạng truyền thông xã hội dạng tin nhắn Twitter ngày nay không chỉ cho người ta kèm thêm nhiều ảnh (thay vì chỉ 1 ảnh) mà còn cho phép kèm cả video clip. Twitter cũng cho thay đổi câu hỏi nội dung tweet từ “What are you doing? ” (bạn đang làm gì?) thành “What’s happening?” (Cái gì đang xảy ra?).

Có thể nói rằng, chàng tỷ phú công nghệ mới 32 tuổi Mark Zuckerberg là tổng biên tập của các tổng biên tập. Facebook do Mark đồng sáng lập và hiện làm CEO là mạng truyền thông xã hội lớn nhất thế giới (vào tháng 3-2016 có 1,65 tỷ người dùng thực tế hàng tháng). Mỗi thành viên Facebook không chỉ là một bạn đọc mà còn là một nhà báo công dân. Mỗi trang cá nhân Facebook là một tờ báo một thành viên mà chủ tài khoản vừa là phóng viên, vừa là biên tập viên, vừa là tổng biên tập.

Theo khảo sát của Parse.ly, công ty công nghệ của Mỹ chuyên thu thập và phân tích dữ liệu bạn đọc cho các nhà xuất bản truyền thông số, ngày nay chỉ còn khoảng 44% số người trưởng thành ở Mỹ giữ thói quen đọc tin tức trực tiếp từ các trang web báo chí, trong khi có tới 40% đọc tin tức trên Facebook. Trang Mushroom Networks đã thực hiện một infographic về cuộc chiến giữa báo chí truyền thống và mạng truyền thông xã hội cho thấy mạng truyền thông xã hội đang thay đổi cách mà con người tiêu thụ tin tức. Tin tức bây giờ lan truyền nhanh và rộng hơn bao giờ hết là nhờ sự phát triển của các nền tảng truyền thông xã hội. Theo thống kê của Mushroom Networks, nơi người ta có được thông tin cho mình là truyền hình (60%), báo chí (28%), mạng truyền thông xã hội (28%), đài phát thanh (19%),…. Mushroom Networks tiết lộ rằng Mark có tham vọng biến Facebook thành “tờ báo của thế giới” (world’s newspaper). Tốc độ tăng trưởng số lượng click lên các đường link từ Facebook dẫn tới các bài viết của các báo chí bên ngoài tăng vọt từ 62 triệu click (năm 2012) lên 161 triệu click (năm 2013).

Mạng truyền thông xã hội không chỉ lấy bớt bạn đọc của báo chí truyền thống mà còn giành được phần ngày càng lớn hơn của chiếc bánh lợi nhuận quảng cáo báo chí. Đó mới thật sự là nỗi lo và mối đe dọa đối với báo chí truyền thống. Theo Hootsuite, hãng chiến lược và tư vấn truyền thông xã hội, mặc dù vào cuối năm 2015, quảng cáo trên mạng truyền thông xã hội chỉ chiếm 13,9% trong tổng chi phí quảng cáo trên các phương tiện kỹ thuật số, nhưng tỷ lệ này đang tăng rất nhanh. Có tới 70% hãng tiếp thị cho biết chi phí quảng cáo trên mạng truyền thông xã hội trong năm 2015 cao hơn năm trước. Các nhà phân tích dự đoán là tỷ lệ tăng trưởng tới 33,5%. Doanh thu quảng cáo trên mạng truyền thông xã hội toàn cầu được dự kiến vượt qua mức 23 tỷ USD trong năm 2015 và vượt ngưỡng 35 tỷ USD vào năm 2017. Nội trong quý 3-2015, doanh thu quảng cáo của mạng Twitter đạt 513 triệu USD (tăng 60% so với cùng kỳ năm trước). Doanh thu quảng cáo trên thiết bị di động của mạng chia sẻ hình ảnh Instagram từ 600 triệu USD (năm 2015) dự kiến tăng lên 1,48 tỷ USD (năm 2016) và 2,81 tỷ USD (năm 2017). Tất nhiên mạng Facebook hốt bạc khẳm nhất. Doanh thu quảng cáo trên Facebook trong quý 3-2015 đạt 4,3 tỷ USD (tăng so với 2,96% cùng kỳ năm trước). Có tới hơn 90% số nhà quảng cáo cho biết có kế hoạch đăng video quảng cáo trên YouTibe trong năm 2016. Trong số Top 100 nhà quảng cáo trên mạng YouTube, mức tăng doanh số quảng cáo hàng năm tăng tới 60%.

Bất luận thế nào thì các mạng truyền thông xã hội không thể thủ tiêu hoàn toàn được báo chí truyền thống đâu. Nhưng việc chúng gây khốn đốn cho báo chí truyền thống là chuyện đã nhãn tiền. Từ năm 2005 tới 2012 ở Anh có 242 tờ báo địa phương phải đóng cửa. Báo chí khu vực giảm mất 40% nhân sự trong vòng 5 năm. Báo chí tầm cỡ quốc gia cũng phải thu hẹp lại, như tờ Telegraph vốn đã tinh giảm gọn nhẹ vào đầu năm 2015 đã lên kế hoạch cắt giảm thêm 50 người nữa. Tờ Daily Express cắt tới 150 nhà báo. Nhưng báo in ở Anh nếu làm tốt thì vẫn còn sống được. Theo báo The Guardian, hiện nay 50% người Anh vẫn còn tiếp tục mua báo in, thêm 10% đọc báo in do người khác mua, trong khi chỉ có 31% đọc các trang online của các báo hàng ngày. Ở mảng tạp chí, 60% người Anh là bạn đọc thường xuyên của các tạp chí in và 40% đọc các tạp chí online. Năm 2014, Mail Online, website báo chí thành công nhất ở Anh, kiếm được 62 triệu bảng Anh, trong khi các phiên bản báo in là Mail và Mail Sunday có doanh thu tới 536 triệu bảng Anh. Bạn đọc hiểu rằng báo mạng nhanh hơn, nhưng báo in đáng tin hơn.

Chắc chắn giải pháp tốt cho tất cả là báo chí truyền thống chung sống hòa bình với mạng truyền thông xã hội. Ngày càng có thêm nhiều tờ báo mở những trang Fanpage trên Facebook, có tài khoản trên Twitter, cũng như nhiều đài truyền hình mở kênh riêng trên mạng YouTube. Với sự hợp tác với… đối thủ tiềm năng này, các báo truyền thống có thể giữ được bạn đọc, thu hút được nhiều thành viên mạng xã hội vào đọc tin bài trên website của báo thông qua các link; đồng thời có thể ăn chia doanh thu quảng cáo cùng mạng truyền thông xã hội.

Từ ít lâu nay, Facebook đã mở tính năng Instant Articles (bài báo tức thời) cho phép các báo có thể tạo ra các nội dung nhanh nhất trên Facebook và cho phép người dùng có được thông tin nhanh gấp nhiều lần so với phải click tới các trang web của báo chí. Facebook cũng đẩy ưu tiên các thông tin mới từ các báo lên News Feed của người dùng.

Chỉ có điều, các báo chí truyền thống vẫn phải chịu cảnh lép vế, phụ thuộc vào các mạng truyền thông xã hội, có những khi bị hành lên bờ xuống ruộng bởi những thói đỏng đảnh, làm chảnh của người ta. Chuyện báo bị khóa trang Fanpage trên Facebook, xóa kênh trên YouTube,… thỉnh thoảng vẫn xảy ra. Mới đây nhất là hồi cuối tháng 6-2016, Facebook thay đổi thuật toán mới có liên quan tới News Feed để hiển thị nhiều hơn các nội dung do bạn bè của chủ trang Facebook đưa lên thay vì trước đây ưu tiên cho nội dung của các báo chí. Facebook phải chấp nhận giảm một phần thu nhập sau khi nhiều thành viên càm ràm rằng họ đã bị bỏ qua nhiều cập nhật quan trọng của bạn bè vì Facebook chỉ ưu tiên cập nhật thông tin từ các đối tác báo chí. Thuật toán này tất nhiên gây thiệt thòi cho báo chí. Nhưng biết làm sao được cái sự thật hiển nhiên và nghiệt ngã là báo chí truyền thống đã không thể dẫn dắt mà còn phải chịu chơi chung ở kèo dưới với mạng truyền thông xã hội nếu muốn… sống được.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

Bạn có thể đọc bài in trên báo Pháp Luật TP.HCM Chủ nhật 3-7-2016 và trên báo Pháp Luật TP Online

160703-baibao-phapluattp-2_resize