Bão tử thần Matthew càn quét đảo quốc nghèo Haiti
Sáng nay có người ở xứ Mỹ hỏi tôi cớ sao tên bão mang tên vị Thánh Công giáo Matthew mà lại tàn khốc như vậy? Ừ, trong Thiên chúa giáo có một vị thánh tên Matthew là một trong các vị tông đồ của Chúa Jesus sinh ở vùng Galilee hồi thế kỷ thứ 1 sau Công nguyên. Nhưng Matthew là một cái tên, nên trên thế giới có vô vàn người mang tên này. Và đây cũng là một trong những cái tên đàn ông được cơ quan khí tượng quốc tế dùng để đặt cho những trận bão.
Ở đây đang nói về trận bão Matthew (hurricane) vừa càn quét một số nước ở vùng Biển Caribbe (Trung Mỹ) trước khi đổ vào một số bang ở bờ biển Đại Tây Dương của Mỹ, như Florida, Georgia, South Carolina, North Carolina hôm 7-10-2016. Thậm chí, người Mỹ đã cảnh báo Hurricane Matthew là trận bão mạnh tới mức người ta chỉ gặp “một lần trong đời” (once-in-a-lifetime), trận bão mạnh nhất trong vòng hơn một thập kỷ qua đe dọa vùng duyên hải Đại Tây Dương của Mỹ và có thể là trận bão dữ dội nhất trong vòng 118 năm qua đổ vào vùng phía đông và bắc của bang Florida.
Sở dĩ, Mỹ lo sợ vì đã nhìn thấy những gì trận bão Matthew càn quét qua đảo quốc Haiti.
Bão Matthew đã ập vào vùng bán đảo phía tây Haiti hôm 4-10-2016 với sức gió mạnh tới 233km/giờ và gây mưa khủng khiếp. Một số làng mạc bị xóa sổ. Theo số liệu ghi nhận vào ngày 7-10-2016, ước tính có 842 người chết. Đây là trận bão tệ hại nhất càn quét Haiti, kể từ sau trận bão Cleo năm 1964
Với khoảng 10,3 triệu người, Haiti là nước đông dân thứ ba ở vùng Caribbe (sau Cuba 11,2 triệu dân và Cộng hòa Dominica nhiều hơn Haiti chỉ 80.000 người). Thủ đô là Port-Au-Prince, thành phố lớn nhất nước với 987.000 dân. Haiti là một nước nghèo, với thu nhập GDP bình quân đầu người năm 2016 ước là 830 USD.
Quả là nghèo hay gặp cái eo chớ có sai. Đây là một đất nước bất ổn chính trị kéo dài sau những thế kỷ hết thuộc Tây Ban Nha lại thuộc Pháp và từ năm 1804 trở thành một nước độc lập. Lần bất ổn chính trị gần đây nhất xảy ra hồi tháng 2-2004 với một cuộc đảo chính quân sự buộc Tổng thống Jean-Bertrand Aristide, tổng thống dân cử đầu tiên của Haiti (được bầu vào năm 2001) phải từ chức và lưu vong. Sau đó, Haiti đã được Liên Hiệp Quốc đưa lực lượng quốc tế Sứ mạng Ổn định hòa của LHQ tại Haiti (United Nations Stabilization Mission in Haiti, MINUSTAH) đến bảo vệ an ninh cho tới tận ngày nay. Ngày 12-1-2010, Haiti chịu trận động đất kinh hoàng, giết chết hơn 200.000 người.
Giới nghiên cứu nói rằng Haiti vốn chịu nhiều thiên tai nhưng hậu quả của chúng nặng nề hơn bình thường là do chính người Haiti gây ra. Đất nước này quá nghèo, nguồn nhiên liệu cho sinh hoạt hàng ngày và sản xuất chủ yếu là gỗ rừng. Cụ thể là hầu hết người dân dùng củi để đun nấu. Rừng bị thảm sát, cho tới nay chỉ còn chiếm khoảng 2% diện tích đất nước. Vì thế, hễ có bão, có mưa là có lũ.
Trận bão dữ Matthew khiến hàng vạn người Haiti mất nhà cửa. Tình hình dịch bệnh đang báo động. Tính tới ngày 7-10, có gần 30 trường hợp dịch tả đã được báo cáo. Dịch tả là loại bệnh chỉ mới được phát hiện ở Haiti sau trận động đất năm 2010. Báo chí nước ngoài đưa tin rằng các bệnh viện vùng nông thôn hiện quá tải với những nạn nhân bị thương, chủ yếu là gãy xương do hậu quả của bão. Thực phẩm trở nên khan hiếm hơn.
Trong một phóng sự truyền hình, một người dân Haiti là nạn nhân trực tiếp của bão Matthew giận dữ nói rằng người dân Haiti phải tự giúp nhau và cứu nhau. Họ không trông mong gì được từ chính quyền. Bằng chứng của trận động đất 2010 càng cho họ thấy rõ như vậy. Haiti hiện là nước đứng cuối bảng Chỉ số Phát triển Con người (Human Development Index) ở châu Mỹ.
Xin mời xem video về trận bão Matthew ở Haiti
và hậu quả của nó:
PHẠM HỒNG PHƯỚC
+ Ảnh: Internet.Thanks.