Chủ nhật ngày 08 tháng 9 năm 2024

Bức điện tín cuối cùng của thế giới sẽ được gửi đi ở Ấn Độ

india-telegrams-07

Tiếng rèn rẹt phát ra từ một chiếc máy in kim của một trạm điện tín của Công ty viễn thông quốc doanh Bharat Sanchar Nigam Limited (BSNL) tại New Delhi. Một bức điện tín (telegram) từ từ trồi lên với nội dung ngắn gọn: “Bà đau nặng. Nghỉ thêm 15 ngày.” Nơi nhận là đơn vị quân đội của một người lính đóng tại thủ đô Ấn Độ.

Giữa thời đại thông tin liên lạc nhanh như chớp này, có lẽ không ai tin nổi là mỗi ngày vẫn có khoảng 5.000 bức điện tín như thế được gửi đi ở Ấn Độ.

Nhưng loại hình liên lạc cổ điển này sắp đi vào lịch sử.

Trong ngày 14-7-2013, tại một nơi nào đó ở Ấn Độ, bức điện tín cuối cùng của thế giới sẽ được gửi đi. Công ty BSNL đã quyết định chấm dứt dịch vụ điện tín của mình vào ngày 15-7 sau 160 năm tồn tại.

Bức điện tín cuối cùng này sẽ được gửi đi 144 năm sau khi “ông tổ” Samuel Morse gửi bức điện tín đầu tiên ở Washington và 7 năm sau khi hãng Western Union đóng cửa dịch vụ điện tín của mình ở Mỹ.

Ở Ấn Độ, dịch vụ điện tín được William O’Shaughnessy, một bác sĩ và nhà phát minh người Anh, giới thiệu. Vào năm 1850, ông đã dùng một kỹ thuật mã hóa khác để gửi bức điện tín đầu tiên trên một đường dây thử nghiệm giữa thành phố Calcutta và Cảng Diamond. Một năm sau, Công ty Anh Đông Ấn (BEIC) đã bắt đầu sử dụng điện tín và vào năm 1854, khi hệ thống điện tín được mở rộng cho công chúng, các đường dây thép điện tín giăng mắc khắp đất nước Ấn Độ. Điện tín tiếp tục được phổ cập ở Ấn Độ và trên thế giới, thậm chí cả sau khi Alexander Graham Bell phát minh ra điện thoại vào năm 1876. Trong suốt hơn nửa thế kỷ, điện tín được truyền qua các đường dây cáp. Từ năm 1902, với công nghệ của nhà phát minh Ý Guglielmo Marconi, hệ thống điện tín ở Ấn Độ bắt đầu được truyền qua sóng vô tuyến.

Trong 2 năm qua, dịch vụ điện tín của BSNL đã phải cầm cự thoi thóp và không còn có giá trị kinh tế. Shamim Akhtar, Tổng giám đốc dịch vụ điện tín của BSNL, than rằng: “SMS và smartphone đã làm chúng tôi thiệt hại hơn 23 triệu USD một năm.”

Điện tín vốn là một công cụ quan trọng của thực dân Anh trong thời gian cai quản Ấn Độ và gắn với một số sự kiện chính trong lịch sử nước Nam Á này. Nó đã giúp nhà cầm quyền Anh ngăn chặn được một cuộc nổi dậy của dân chúng hồi năm 1857 và được Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru dùng để báo tin cho London hay việc Pakistan xâm lấn bang Kashmir của nước này.

Được gọi là “taar” (dây thép) ở Ấn Độ, điện tín là một phần trong cuộc sống nước này. Xuất phát từ một bộ phim của Bollywood, điện tín thường bị coi là một vật báo tin cái chết của những thành viên gia đình. Ngày nay, điện tín báo tử (chiếm chưa tới 1% trong tổng số điện tín) vẫn còn có giá chỉ bằng 1 phần 5 một điện tín thông thường.

Vào thời hoàng kim của mình với đỉnh điểm là năm 1985, có 60 triệu bức điện tín đã được gửi và nhận trong một năm ở Ấn Độ. Lúc đó có 45.000 trạm dịch vụ điện tín. Ngày nay tuy chỉ còn 75 trạm điện tín, nhưng dịch vụ điện tín vẫn được cung cấp thông qua đại lý tại mỗi quận trong tổng số 671 quận của Ấn Độ. Từ chỗ có tới 12.500 nhân viên, ngày nay, ngành điện tín nước này chỉ còn 998 người. Thật ra từ lâu nay, người ta không gửi điện tín bằng cách gõ mã Morse với thiết bị truyền thống mà gửi trên máy tính thông qua một phần mềm Web. Có tới 65% số điện tín hàng ngày là của chính quyền. Một trong những đối tượng thường sử dụng điện tín là những cặp tình nhân bỏ trốn gia đình do bị cấm đoán kết hôn với nhau do khác giai cấp hay tôn giáo. Họ gửi điện tín để báo cho cho mẹ biết mình “gạo đã thành cơm”.

Cho tới giữa thập niên 1990, các nhà báo ở Ấn Độ đôi khi vẫn từ nơi công tác gửi bài về tòa soạn bằng điện tín. Một biên tập viên nhớ lại rằng một bài viết của ông từng được gửi bằng điện tín dài tới 22 trang giấy với nhiều chữ không tài nào đọc nổi và mất tới 3 tiếng đồng hồ để ban biên tập đánh máy lại.

Ở Ấn Độ, cũng như các nước khác, trào lưu thông tin liên lạc kỹ thuật số bắt đầu với sự ra đời của máy vi tính vào thập niên 1960 ngày càng đe dọa tới điện tín. Vào thập niên 1980, kỹ thuật điện tín analog facsimile vốn được hoàn thiện trong thập niên 1930 và gửi thông tin qua các đường cáp điện thoại và điện báo đã được thay thế bằng loại máy fax kỹ thuật số. Cùng với sự phổ cập ngày càng lan rộng toàn cầu của mạng Internet, loại hình fax và sau đó là e-mail đã bắt đầu thay thế điện tín, thư bưu điện và các hệ thống liên lạc cũ khác.

Trong thập niên 1990, công ty viễn thông BSNL tiếp nhận từ dịch vụ bưu điện Ấn Độ hệ thống điện tín toàn quốc. Nhưng rồi sự thống lĩnh của e-mail và tin nhắn SMS đã gây khốn đốn cho ngành điện tín mới được tư nhân hóa. Cách đây 2 năm, trước tình hình giảm mạnh doanh thu điện tín, BSNL đã phải tăng giá cước điện tín lần đầu tiên trong 60 năm qua. Từ mức giá 3 hay 4 rupee (5 – 7 cent Mỹ) cho một bức điện tín 50 chữ, giá cước điện tín đã tăng vọt lên tới 27 rupee (khoảng 47 cent Mỹ).

Theo hãng BBC (14-6-2013), giới phóng viên ở Thụy Điển và Anh vẫn còn xài điện tín để gửi tin bài, chủ yếu vì muốn hoài cổ. Số lượng các nước còn cung cấp dịch vụ điện tín như Nga, Canada, Đức, Thụy Sĩ, Bỉ, Mexico, Hà Lan, Slovenia và Bahrain đang ngày càng thu hẹp lại.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 17-6-2013)

india-telegrams-02

Máy đánh điện tín truyền thống.

INDIA-COMMUNICATION-TELEGRAPH

Bây giờ điện tín được đánh và gửi bằng máy tính.

india-telegrams-03

india-telegrams-04-reporters

india-telegrams-05

india-telegrams-06

Một điểm chuyển phát điện tín tại Mumbai (Ấn Độ) ngày 14-6-2013.