Thứ Năm ngày 21 tháng 11 năm 2024

Khúc bi ai… tượng đài… thiên tai

PHP RỦ RỈ RÙ RÌ

 

Ở một đất nước quá thừa mứa các tượng đài và các công trình tự sướng mang dấu ấn nhiệm kỳ, những nỗi đau của con dân luôn càng thêm đau hơn.

Xứ sở còn không phải là nghèo mà là rất nghèo (giàu có đâu đó chỉ là danh nghĩa) này lại là một cái rốn của thiên tai và cả nhân tai. Đất nước Việt Nam hình chữ S có đặc thù là bờ biển trải dài suốt chiều dài lãnh thổ, có đường bờ biển đất liền tiếp giáp Biển Đông tới 3.444km, đứng thứ 32 trên hành tinh về chiều dài bờ biển trong số 156 nước có bờ biển. Việt Nam như một chiếc ban-công (balcony) nhìn ra Thái Bình Dương đón trọn gió, nắng, hôi tụ mọi nguồn du nhập từ thế giới, hưởng thụ các tài nguyên thiên nhiên của đại dương. Nhưng một mặt trái của đặc thù này là Việt Nam luôn phải căng mình ra hàng năm chống chỏi với cuồng phong bão tố của Thái Bình Dương.

161016-thientai-1_resize

161016-thientai-2_resize

Ảnh chụp từ màn hình VTV 9 giờ sáng 16-10-2016 khi miền trung vẫn còn bị nhận chìm trong mưa lũ lịch sử thì một trận bão dữ mới đang lăm le đổ bộ.

Việt Nam là một đất nước hàm chứa sẵn, tiềm tàng sẵn những nguy cơ của thiên tai. Lẽ ra người ta – trước hết là những người được giao trọng trách – phải biết chắt chiu từng đồng tiết kiệm, huy động từng đồng vốn có được để dồn sức cho những công trình chăm lo cho dân, cải thiện cuộc sống của dân. Cụ thể là những công trình nếu không phòng chống được thiên tai thì cũng có thể giảm thiểu được những tác hại của thiên tai. Thay vì dồn tiền tôn tạo đền đài cũ (thật ra cũng là cần thiết với góc độ bảo tồn di sản cho muôn đời sau), kiến tạo đền đài mới (cái này miễn bàn), người ta có thể tôn tạo nên những khu vực có thể giúp cư dân lánh nạn khi thiên tai xảy ra. Tôi còn nhớ mình đã tràn đầy xúc cảm khi đứng trong những nhà vệ sinh công cộng cũng đồng thời là những shelter lánh nạn khi xảy ra lốc xoáy ở bang Oklahoma – nơi là “thủ phủ” của tornado ở Mỹ. Các công trình công cộng này được xây dựng đặc biệt để trong cuộc sống bình thường hàng ngày, chúng là nơi giúp con người tận hưởng một trong “tứ khoái”, giải quyết một trong những nhu cầu tối quan trọng của con người; tới lúc xảy ra thiên tai, chúng trở thành nơi chở che cho con người, bảo vệ con người. Mà những công trình, những chuyện như thế này chỉ cần biết nghĩ cho dân, nghĩ cho người khác là có được ngay thôi mà.

Dường như có một cái vòng lẩn quẩn ở đây: càng ở những nơi nghèo khó, ai đó càng muốn có những công trình hoành tráng để có cái mà khoe; và càng xây những công trình hoành tráng thì càng thêm nghèo xơ nghèo xác. Tất nhiên chỉ có người dân – những người đóng thuế phải chịu cảnh nghèo. Có quá nhiều kinh nghiệm máu xương và có quá chừng bài học nhãn tiền tày đình mà ai đó vẫn cố tình quên hay làm ngơ một sự thật khách quan và biện chứng: thời nay không còn là đất sống của chủ nghĩa duy ý chí. Chủ nghĩa AQ thắng lợi tinh thần cũng chỉ là thực tế ảo cốt để nhớ tài năng của văn hào Lỗ Tấn (1881-1936).

Từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, chỉ có những công trình hay tượng đài nào được nhân dân tự nguyện đưa vào lòng mình (gọi là “công trình lòng dân” hay “tượng đài lòng dân”) thì mới có thể trường tồn.

Tượng đài vần với thiên tai

Thương dân khóc khúc bi ai hỡi người…

Ấy là tôi nghĩ thế.

PHẠM HỒNG PHƯỚC