Một chữ ký của Tổng thống Trump, cả thế giới náo động
Quả là sức mạnh thiên hạ vô đối của quyền lực của Tổng thống Hiệp chúng quốc Hoa Kỳ. Ngày 27-1-2017, trong khi đang thăm Lầu Năm Góc, Tổng thống mới nhậm chức Donald Trump đã hạ bút ký sắc lệnh “Bảo vệ quốc gia khỏi bọn khủng bố nước ngoài vào Mỹ” (Protecting the Nation From Foreign Terrorist Entry Into The United States). Lệnh hành pháp có hiệu lực ngay này cấm nhập cảnh vào Mỹ trong vòng 90 ngày tới các công dân thuộc 7 nước Hồi giáo bị coi là có nguy cơ khủng bố cao (Syria, Iraq, Iran, Sudan, Somalia, Yemen và Libya), thậm chí bao gồm cả những người các nước đó đã có visa hay thẻ xanh của Mỹ hiện đang ở ngoài lãnh thổ Mỹ.
Vậy là cả thế giới náo động ngay lập tức khi các sân bay quốc tế buộc phải đình chỉ bay các hành khách mang hộ chiếu 7 nước trong danh sách cấm đang làm thủ tục bay tới Mỹ. Theo báo Washington Post (28-1-2017), các quan chức hành pháp Mỹ khẳng định lệnh cấm này cũng được áp dụng với những người mang 2 quốc tịch (trong đó có 1 quốc tịch thuộc 7 nước kia) hay thậm chí với những người sinh ra ở một trong 7 nước đó cho dù đang giữ hộ chiếu của các nước đồng minh Mỹ, như Anh, vốn được miễn thị thực nhập cảnh Mỹ.
Tại một số sân bay quốc tế lớn của Mỹ như Washington Dulles International Airport (Sterling, Virginia); John F. Kennedy International Airport (Queens, New York),… trong ngày 28-1-2017 có đông người Mỹ tập trung biểu tình giương biểu ngữ phản đối lệnh cấm của Tổng thống Trump. Có lẽ trong số đó có nhiều thân nhân của những người bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm giờ không còn được trở lại Mỹ nữa – ít nhất trong thời gian lệnh cấm còn hiệu lực.
Thật ra, Tổng thống Trump không nhằm tấn công vào tất cả những nước có người Hồi giáo chiếm đa số, mà hiện chỉ giới hạn ở 7 nước. Đây vốn là các nước nhạy cảm, có nhiều vấn đề. Giới bình luận chỉ rõ ông Trump vẫn cố ý tránh né chọc giận các đồng minh Arập Hồi giáo mạnh mẽ và cũng giàu có như Saudi Arabia, Ai Cập,… Báo Washington Post nói rằng nhiều nước có người Hồi giáo chiếm đa số khác đã không bị ông Trump “sờ gáy” lần đầu chào sân này, như Thổ Nhĩ Kỳ, Liên hiệp các nước Arập thống nhất UAE, Indonesia,… Họ cũng lưu ý rằng ở một số nước này, Tập đoàn Trump Organization của gia đình ông Trump đang hoạt động kinh doanh (chủ yếu là các khách sạn, khu resort,…).
Một quan chức Bộ An ninh Nội địa (DHS) hồi cuối ngày 28-1 cho biết trên cả nước Mỹ tới lúc đó đã có 109 người bị từ chối nhập cảnh. Một số đã quay lại nơi xuất phát, số còn lại đang chờ các chuyến bay đi. Tại sân bay quốc tế San Francisco International Airport có ít nhất 1 gia đình người tị nạn đã bị giữ lại không cho nhập cảnh. Có thêm 173 người khác đã bị các sân bay nước ngoài không cho lên các chuyến bay đi Mỹ với lý do đó là những hành khách bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm mới của Mỹ. Tại Cairo (Ai Cập), giới chức sân bay cho biết ngày 28-1 có 7 di dân đang quá cảnh trên đường tới Mỹ (gồm 6 người từ Iraq và 1 người từ Yemen) đã không được cho lên một chuyến bay của hãng hàng không Ai Cập EgyptAir bay tới sân bay JFK New York. DHS cho biết nhân viên của họ đang xem xét từng trường hợp một và tới cuối ngày 28-1 đã chấp thuận cho thông quan 81 người có thẻ xanh.
Tại thành phố Dallas (bang Texas), Behzad Honarjou, 43 tuổi, đã chuẩn bị ra sân bay đón mẹ mình là bà Shahin Haffanpour, 70 tuổi, từ Iran về theo lịch bay sẽ hạ cánh vào ngày 28-1. Nhưng khi quá cảnh tại Dubai (UAE), bà đã không được cho bay tiếp sang Mỹ mà phải bay trở lại Iran vào sáng hôm sau. Hồi năm ngoái, bã đã được Đại sứ quán Mỹ tại Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ) cấp visa di dân. Người con trai Honarjou nói rằng: “Tôi không biết phải làm gì nữa.” Anh cho biết mình đang tìm luật sư để khởi kiện khẩn cấp, nhưng kẹt cái do đang cuối tuần nên các tòa án đều đóng cửa.
Còn tại Philadelphia (bang Pennsylvania), Sarah Assali có 6 người thân (2 ông chú, vợ của họ và 2 đứa con của họ) từ Syria bay sang đã bị giữ lại sau khi hạ cánh xuống sân bay Mỹ vào sáng 28-1. Mặc dù là những người nhập cư theo đạo Thiên chúa có visa có hiệu lực để đoàn tụ gia đình, nhưng họ vẫn bị đưa lên một máy bay quay lại Doha (Qatar) vào 3 giờ sau đó. Assali cho biết các người thân đó đã không được phép gọi điện hay liên lạc với gia đình mình đang sống ở Mỹ.
Một loạt những vụ kiện đã xảy ra ở Mỹ sau khi lệnh cấm nhập cảnh do Tổng thống Trump ban hành có hiệu lực. Thậm chí có những vụ kiện được đệ đơn vào lúc nửa đêm theo quy trình khẩn cấp. Một số quan tòa đã can thiệp. Tại New York, thẩm phán liên bang Ann Donnelly ở Brooklyn đã chấp nhận yêu cầu của Liên minh Tự do Công dân Mỹ (ACLU) ra lệnh tạm dừng trục xuất những người bị giữ lại không cho nhập cảnh Mỹ trong hai ngày 27 và 28-1. Chí khoảng 1 phút sau phán quyết của quan tòa ở New York, thẩm phán liên bang Leonie Brinkema ở Virginia cũng ra phán quyết tạm ngưng thực thi lệnh của Tổng thống Trump để những người đang có thẻ xanh của Mỹ không bị giữ lại tại sân bay Washington Dulles International Airport trong vòng 7 ngày sau khi có lệnh. Quan tòa này cũng cho phép các luật sư được tiếp cận với những người đang bị giữ lại tại sân bay này.
Từ sau khi ban hành lệnh có liên quan tới người nhập cư, Tổng thống Trump lại có thêm hàng ngàn người biểu tình phản đối trên khắp nước Mỹ, yêu cầu đối xử với những di dân hợp pháp như những người Mỹ, cho dù họ từng là công dân của 7 nước “danh sách đen” kia.
Nước ngoài cũng có những phản ứng về quyết định mới của ông Trump. Iran là nước đầu tiên tuyên bố sẽ đáp trả bằng cách cấm các công dân Mỹ nhập cảnh nước này. Trong khi đó, theo trang MSN (28-1-2017), Canada cho biết sẽ chấp nhận đơn xin tị nạn của những người mang thẻ xanh Mỹ thuộc 7 nước bị cấm nhập cảnh Mỹ.
Nhiều chuyên gia nói rằng ông Trump đang làm cho nước Mỹ thêm chia rẽ do các quyết định gây tranh cãi của ông. Khi đưa ra các quyết định cho riêng nước Mỹ, ông dễ bị cho là vi phạm hiến pháp và với các quyết định đối ngoại, ông có thể bị cho là vi phạm những điều ước quốc tế hay song phương mà Mỹ đã ký kết với nước khác.
NGÔ LÊ
+ Ảnh: Người Mỹ biểu tình tại một số sân bay quốc tế phản đối lệnh cấm nhập cảnh mới. (Ảnh: MSN và Washington Post. Thanks.)