Người Việt xấu xí ở xứ người
KÝ (SINH) SỰ:
Trước cái thời người ta mê mải với cái thú tự sướng, chụp ảnh selfie rồi tung lên mạng Facebook, người Việt mình tự khoái theo cái mô-típ “ra ngõ gặp anh hùng”. Còn bây giờ, ở năm thứ 17 của thế kỷ 21, tôi có thể nói rằng “ra nước ngoài gặp người Việt”.
Không hề ngoa ngữ đâu. Theo số liệu chính thức, hiện nay có hơn 4,5 triệu người Việt đang định cư ở 141 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đông nhất là cộng đồng người Việt ở Mỹ. Theo số liệu năm 2014 của Cơ quan Kiểm tra Dân số của Mỹ, người gốc Việt ở Mỹ có 2,1 triệu người – đông thứ 6 sau các nhóm di dân Mexico, Ấn Độ, Trung Quốc, Philippines và El Salvador. Trong số này có hơn 800.000 người gốc Việt sinh ra ở Mỹ. Có lẽ đây mới chỉ tính những người ở Mỹ chính thức và hợp pháp, chứ con số thực tế còn cao hơn nhiều.
Và đó mới chỉ là số người gốc Việt định cư ở nước ngoài mà ta quen gọi là Việt kiều. Với điều kiện ngày càng thuận tiện hơn, số người Việt đi du lịch và làm việc ở nước ngoài ngày càng đông.
Đó là lý do mà đi tới nước nào trên thế giới ngày nay, người Việt cũng có thể gặp được đồng hương của mình.
Từ xưa rất xưa, người ta bảo rằng mỗi người đi ra nước ngoài là một sứ giả cho nước của mình. Rõ ràng người Việt mình cũng nhìn những người nước ngoài tới Việt Nam để suy diễn ra dân tộc và đất nước của người ta. Vì thế chẳng có gì phải ngạc nhiên, và âu cũng là lẽ công bằng khi những người Việt ra nước ngoài vẫn bị người dân sở tại “phán xét”. Và càng mất mặt bầu cua hơn khi trong số các “phán quan” đó bao gồm cả những người từ khắp nơi trên thế giới đang có mặt ở nước đó.
Có lẽ chúng ta nên sòng phẳng với nhau ngay từ đây. Tôi không hề vơ đũa cả nắm. Chuyện người Việt ở nước ngoài tốt đẹp, làm gương tốt phải nói là cơ bản, nhiều lắm. Ở đây tôi không có ý định viết về họ, vì người ta – và chính tôi nữa – đã viết nhiều rồi, và thiệt ra cũng chẳng đủ sức để mà viết về những cái tốt, những điển hình mẫu mực của người Việt ở xứ người. Trong khuôn khổ mà tòa soạn dành cho này, tôi chỉ xin xắt ra một miếng trong bức tranh toàn cảnh của người Việt ở xứ người để nói về cái gọi là những “người Việt xấu xí” hầu ông đi qua, bà đi lại biết mà tránh làm “xấu thiếp, hổ chàng”.
Cách ứng xử của con người chẳng hề có gien di truyền chi đâu, mà chủ yếu do nền tảng văn hóa của người đó. Cái mà người ta có thể bị ngộ nhận là cái gien đó chính là cái môi trường sống mà người ta có thể bị ảnh hưởng. Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài.
Tôi bắt đầu một cách không có chủ định gì đâu. Chỉ nhớ tới đâu, ghi ra đến đó. Lỡ có ai nghĩ là mình đang bị nói tới, thì tôi chân thành xin lỗi. Chủ yếu là trùng hợp thôi mà.
Cái bệnh chung của người Việt là ồn ào, ăn to nói lớn – nói theo nghĩa đen đó. Cũng may mắn là cho tới nay, tôi nhận ra bệnh này bị mắc còn nặng hơn là với người Trung Quốc, kế đó là người Hàn Quốc. Ở các sân bay quốc tế nước ngoài, cứ nghe chỗ nào ồn ào là biết ngay đó là cổng bay đi mấy nước có liên quan. Tôi nhiều lần nói đùa với bạn bè, chỉ cần tới cổng bay về Việt Nam là mình đã có cái cảm giác về tới nhà rồi.
Hôm rồi lang thang ở Singapore, tôi nghe một cô hướng dẫn viên du lịch của một hãng lữ hành có tiếng ở Việt Nam kể về chuyến đưa khách Việt đi du lịch Mỹ gần đây nhất. Đoàn khách đông hàng trăm người là những đại lý của một công ty hoạt động ở Việt Nam. Cô kể, hễ đi tới điểm tham quan nào ở Mỹ là cô phải một phen xổ mình vì mắc cỡ và bị nghe những lời than phiền, trách móc của những đối tác ở Mỹ. Đoàn khách Việt đi tới đâu là ồn ào như cái chợ, và sau khi rời đi để lại cả một bãi chiến trường… rác cùng những thứ bị làm cho xộc xệch, nếu không muốn nói là tanh bành. Vào nhà hàng, trong khi các thực khách khác yên lặng ăn uống, khách Việt mình cười nói rổn rảng, cụng ly chan chát, hè nhau hô “dô dô” rân trời.
Có lần cả đoàn xuống tàu đi tham quan ven biển. Các hành khách có kéo theo valy hay xách túi cồng kềnh được yêu cầu gửi hành lý vào một chỗ. Do đi tour theo đoàn, khách được công ty lữ hành phát valy hay túi xách, balô giống hệt nhau. Vậy là xảy ra những vụ cầm nhầm hành lý của nhau. Không ít lần bị làm cho ồn ào, nhốn nháo do người bị lấy nhầm hành lý đùng đùng nổi giận làm dữ bất kể hướng dẫn viên trấn an, nói chờ mình liên lạc giải quyết.
Chuyện ăn uống cũng oải lắm. Hôm cùng bạn đi ăn buffet tại một khu ẩm thực ở Bờ Đông nước Mỹ, tôi đọc thấy thông báo tại quầy đăng ký rằng khách sẽ bị thu thêm 10 USD nếu bỏ thừa nhiều thức ăn tại bàn. Khi ăn buffet, người Mỹ – và những nước văn minh khác – chỉ lấy thức ăn vừa đủ, và thứ gì ăn được mới lấy, còn muốn ăn thử món lạ thì chỉ lấy một chút xíu. Họ không hề ngại chuyện vòng tới, vòng lui, đi nhiều “tăng”, nếu ăn hết mà còn muốn ăn thêm thì mới đi lấy thêm, không để thừa mứa.
Người Việt mình thì khác. Đi ăn buffet thì phải lấy cho đáng đồng tiền bỏ ra, đĩa nào đĩa nấy ú nụ, ăn không hết thì bỏ lại đầy bàn. Có lần ở San Francisco, tôi nhìn thấy ở một quầy buffet có thông báo bằng tiếng Việt đề nghị thực khách chỉ lấy thức ăn đủ ăn. Vì sao chỉ có thông báo in bằng tiếng Việt thì hiểu rồi hén!
Lần đầu tiên đi ăn nhà hàng ở Mỹ, tôi đã trố mắt vừa ngạc nhiên, vừa mắc cỡ khi nhìn cảnh mấy người bạn mình kêu nhân viên phục vụ cho mấy chiếc hộp để mang hết những món ăn còn dư về. Nhà hàng nào cũng có sẵn những chiếc hộp “to -go” đó cho khách. Người Mỹ cũng làm vậy. Họ quan niệm sòng phẳng rằng tất cả các món ăn thức uống được dọn ra trên bàn đều đã được mình trả tiền mua nên là của mình. Một cô bạn của tôi kể, có những khi đi ăn cưới mang đồ ăn thừa về bỏ tủ lạnh, cả nhà ăn cả tuần mới hết. Ngay cả chai rượu vang không uống hết cũng có người mang về nhà uống tiếp.
Cái kiểu ăn uống này rõ là khác người Việt mình, ăn thứ gì cũng phải chừa lại một chút. Tôi cứ ngỡ đó chỉ là do người ta sợ bị mang tiếng là tham ăn hốc uống, vét sạch sành sanh. Nhưng có lần tôi đọc ở đâu đó rằng người mình “chừa” lại như vậy với lòng tin dị đoan rằng mình sẽ luôn được thần linh cho dư thừa.
Cái gì nữa nhỉ? Á, còn cái bệnh khoái chen lấn và kị xếp hàng. Ở Mỹ và châu Âu thì chẳng nói làm gì, ngay ở Singapore kế bên đây thôi, làm việc gì mà có đông người là người ta đều phải xếp hàng theo thứ tự trước sau. Có những khách người Việt do quen như vậy rồi cứ tỉnh bơ chen vô khi xếp hàng trả tiền hay nhận hàng.
Cách đây chừng 5 năm, tôi đang xếp hàng chờ làm thủ tục tại sân bay quốc tế ở Quảng Châu (Trung Quốc). Bỗng dưng phía trước nhốn nhào và có 3-4 người khách hùng hổ chen vào đứng. Lập tức có mấy người nước ngoài nói to: “Việt Nam, Việt Nam đó”. Rồi có một ông khách phát hiện và nói: “Hà Nội”. Thú thiệt, lúc đó, tôi cố gắng làm sao để người chung quanh không nhận ra mình là “đồng hương” của những “người Việt xấu xí” đó.
Một buổi tối tại Taipei, ban tổ chức một cuộc họp báo quốc tế đã đưa đoàn nhà báo nước ngoài đi chợ đêm. Trước khi xuống xe vào chợ, người hướng dẫn nhắc mọi người hãy cẩn thận bóp ví, túi xách, tư trang của mình, coi chừng bọn trộm cắp. Có lẽ không biết (tôi cứ nghĩ như vậy) trong đoàn nhà báo có người Việt Nam, ông giải thích: “Ở đây trước kia an ninh tốt lắm. Nhưng từ khi có những lao động Việt Nam bỏ việc, trốn công ty ra sống bên ngoài, không ít người trong họ sống bằng cách trộm cắp, những khu chợ đêm như thế này bị mất an ninh.” Vậy là chuyến đi chơi chợ đêm hôm đó trở thành một cực hình đối với tôi – người Việt duy nhất trong đoàn nhà báo nước ngoài. Cho tới nay, mỗi khi nhắc lại chuyện này, tôi vẫn không quên được ánh mắt nhìn tôi đầy ái ngại của một anh bạn đồng nghiệp Thái Lan.
Trước kia, những lần qua Singapore, tôi chỉ có cảm giác rất tự hào khi bắt gặp những bạn trẻ Việt Nam đang làm việc hay học hành ở Đảo quốc Sư Tử Biển. Trông họ rất tự tin và hòa đồng với bạn bè chung quanh. Hồi năm ngoái, đứng ngay phía trước tôi trong hàng làm thủ tục xuất cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất có một cô gái xinh xắn chân dài mặc áo sơmi trắng, váy bó đen công sở, tay xách túi laptop trông rất ra dáng một người làm công ty. Tôi nghĩ thầm trong bụng: Em đi đâu chớ có qua Singapore à nghe. Vậy mà, tới chừng làm thủ tục nhập cảnh tại sân bay Changi, tôi nhìn thấy cô gái này ở hàng bên cạnh. Rồi chuyện đã xảy ra khi cô gái đó bị từ chối nhập cảnh và bị một cảnh sát xuất nhập cảnh Singapore áp giải về đồn cảnh sát sân bay nằm gần đó.
Trong những năm gần đây, 100% các chuyến đi Singapore, tôi đều đau lòng chứng kiến hình ảnh những cô gái Việt bị nhân viên an ninh nước bạn áp giải về đồn thẩm vấn như vậy. Mà những hình ảnh này ngày nào cũng diễn ra ngay trước mắt các khách từ khắp thế giới đến Singapore. Đành rằng cũng có một số cô gái từ Thái Lan, Indonesia, hay những nước Nam Á nào đó chịu chung số phận, nhưng đông nhất vẫn là các đồng hương của tôi.
Nhà chức trách Singapore giải thích rằng họ làm vậy để ngăn chặn tình trạng đã trở thành vấn nạn là quá đông những cô gái Việt Nam qua hành nghề “bán vốn tự có”. Đó là một thực tế. Ngày trước, các cô gái Việt Nam thuộc hàng cao giá nhất ở Singapore. Sau này, họ kéo qua đông quá và tự phá giá nhau nên trở nên hàng rẻ tiền. Điều đáng nói ở đây là nhà chức trách nước bạn quá cứng rắn, học ở đâu được cái kiểu thà tóm lầm chứ không để bỏ lọt. Vì thế, họ chặn tùm lum, khiến rất nhiều phụ nữ Việt Nam qua Singapore làm việc hay du lịch bị “văng miểng”. Một khi đã bị “chộp” rồi, họ phải chịu cảnh mình bị áp giải trước mắt thế giới, rồi có gì cũng phải chịu một thời gian dài, có khi mấy tiếng đồng hồ “thẩm vấn” trong đồn cảnh sát trước khi được cho nhập cảnh.
Ở đây, tôi thấm thía hơn bao giờ hết câu ông bà mình khuyên: “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”.
PHẠM HỒNG PHƯỚC
+ Ảnh: Internet.
+ Có thể đọc bài in trên báo Pháp Luật TP.HCM Chủ nhật 19-3-2017 hay trên báo Pháp Luật TP Online